Hành trình Ngày Thứ 4

Mỗi tháng một chia sẻ: Xét mình chung, hay xét mình tập thể, hay xét mình cộng đoàn.

CSe Xetminh

 

I. VÀO ĐỀ

Là người Ki-tô hữu ai nấy trong chúng ta đều rất quen với việc xét mình trước khi vào tòa giải tội, thậm chí có nhiều người đạo đức còn thực hành cách xét mình mỗi ngày, có một số tu sĩ vẫn duy trì cách nhìn lại cuộc sống trong tuần, trong tháng (revision de vie) chung với nhau.

Chính nhờ thực hành đạo đức tốt lành này mà mỗi người, mỗi cộng đoàn nhìn ra những thiều sót, tội lỗi của mình mà thay đổi, mà cải thiện đời sống theo đòi hỏi của Tin Mừng Cứu Độ.

Nhưng trong đời sống chung của cộng đoàn các giáo xứ, các hội đoàn, hình như chúng ta chưa quen với cách xét mình chung hay xét mình tập thể, xét mình cộng đoàn này. Chính vì thiếu sót ấy mà việc thi hành các đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam và việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại của Giáo hội Việt Nam nói chung và của các giáo xứ Việt Nam nói riêng chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn.

II. THẾ NÀO LÀ XÉT MÌNH RIÊNG HAY XÉT MÌNH CÁ NHÂN?

Xét mình riêng là mỗi cá nhân Ki-tô hữu nhìn lại đời sống của mình xem trong tuần, trong tháng mình có làm gì mất lòng Thiên Chúa, gây thiệt hại cho anh chị em và tha nhân sống chung quanh. Đó là nhìn vào mặt tiêu cực của đời sống. Còn nếu nhìn vào mặt tích cực của đời sống thì xét mình riêng là mỗi cá nhân Ki-tô hữu nhìn lại đời sống của mình xem trong tuần, trong tháng mình đã làm được (những) gì cho Thiên Chúa được vinh danh (nhận biết, tôn thờ), cho anh chị em và tha nhân sống chung quanh được thăng tiến (về các mặt tâm linh, tinh thần, thể xác, kinh tế xã hội và văn hóa).

Nếu muốn tránh âm hưởng không tốt của từ ngữ, chúng ta có thể dùng từ “lượng giá” (evaluation) thay vì từ “xét mình” (examination). Lượng giá một khóa học, một cuộc tọa đàm, một mùa phụng vụ, một năm mục vụ.

Đối với các Cursilistas thì có cách xét mình riêng, theo 3 chân kiềng: “mộ (hay sùng) đạo, hiểu đạo và hành đạo” mà mỗi thành viên của phong trào Cursillo thực hành và chia sẻ trong buổi họp nhóm thân hữu (hằng tuần hay hàng tháng). Nếu các Cursillistas thấu hiểu tinh thần và phương pháp của cách xét mình này thì chẳng những đời sống cá nhân của chúng ta được sâu sắc mỗi ngày mỗi hơn mà việc thánh hóa môi trường cũng mỗi ngày sẽ có được kết quả tốt hơn.

III. THẾ NÀO LÀ XÉT MÌNH CHUNG HAY XÉT MÌNH TẬP THỂ HAY XÉT MÌNH CỘNG ĐOÀN?

Xét mình chung hay xét mình tập thể hay xét mình cộng đoàn là mỗi tập thể hay mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu nhìn lại đời sống của mình xem trong tháng, trong quý, trong năm tập thể hay cộng đoàn mình đã làm gì mất lòng Thiên Chúa và gây thiệt hại cho anh chị em và tha nhân sống chung quanh (mặt tiêu cực) hay tập thể, cộng đoàn mình đã làm được những gì làm vinh danh Thiên Chúa và đem lại ơn ích về mặt tâm linh, tinh thần, thể xác, kinh tế xã hội và văn hóa cho anh chị em và tha nhân sống chung quanh (mặt tích cực).

Nếu xét mình riêng có thể được làm mỗi ngày, mỗi tuần thì xét mình chung chỉ có thể được làm sau mỗi mùa phụng vụ (mùa Vọng, Giáng Sinh, Thường Niên, mùa Chay và mùa Phục Sinh) và mỗi năm.

Trong xét mình riêng mỗi người Ki-tô phải nhìn vào mọi lãnh vực của cuộc sống cá nhân. Còn trong xét mình chung thì chúng ta nên tập trung vào cách thực thi đường hướng mục vụ chung của giáo xứ, giáo phận.

Ví dụ: năm 2016 là “Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa” và đồng thời cũng là “Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội” thì mỗi giáo xứ, mỗi hội đoàn chúng ta có thể xét mình xem trong năm 2016 này, giáo xứ hay hội đoàn chúng ta đã làm được những gì để quảng bá Lòng Chúa thương xót và Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội Việt Nam? Có những việc gì giáo xứ hay hội đoàn chúng ta đã không làm (đáng lẽ ra phải làm) để quảng bá Lòng Chúa thương xót và biến đổi đời sống xã hội nước ta?

Khi thực hành việc xét mình chung, chúng ta nên đi sâu vào nội dung công việc, chứ không chỉ dừng lại ở phần chung chung:

Ví dụ: Trong năm tân phúc âm hóa đời sống xã hội sắp kết thúc này, giáo xứ chúng ta đã làm những gì và đã không làm những gì để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, trong lành và công bằng, văn minh hơn? Những việc chúng ta đã làm được đem lại kết quả tốt đẹp như thế nào cho các cá nhân và xã hội? Những việc chúng ta không làm dẫn tới những hậu quả tệ hại như thế nào cho các cá nhân và cộng đồng? Tại sao chúng ta đã không làm những việc mà đáng lẽ chúng ta phải làm v.v…?

IV. AI LÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM CỔ VÕ, TỔ CHỨC VÀ CHỦ TRÌ VIỆC XÉT MÌNH CHUNG HAY XÉT MÌNH TẬP THỂ HAY XÉT MÌNH CỘNG ĐOÀN?

Trong giáo xứ thì hiển nhiên là các linh mục xứ (parish priests) tức cha chính xứ, cha phó hay cha phụ tá là những người có trách nhiệm cổ võ, tổ chúc và chủ trì các cuộc xét mình chung.

Các cha tổ chức cuộc xét mình chung không phải giữa các cha với nhau mà giữa các cha với đại diện các thành phần giáo dân trong giáo xứ: Hội đồng Mục vụ giáo xứ, Ban Điều Hành các giáo họ, Ban Quản Trị các Hội đoàn và các Giới, Đại diện các Ban Mục vụ của giáo xứ….

Trong mỗi hội đoàn thì Ban Chấp hành hay Ban Phục vụ hội đoàn là những người có trách nhiệm cổ võ, tổ chúc, chủ trì các cuộc xét mình chung của hội đoàn mình. Ban ấy phối hợp với các Nhóm hay Tổ Trưởng để thực hiện cuộc xét mình chung ấy.

Nên lưu ý là trong cuộc xét mình chung, chúng ta phải tuyệt đối tránh việc đổ lỗi cho nhau hay cho một cá nhân, hay một nhóm người nào (có mặt hay vắng mặt). Chúng ta phải nhận ưu khuyết điểm (tức thành tích và thiếu sót) là của chung của cộng đoàn.

V. KẾT LUẬN

Mỗi năm Hội đồng Giám mục Việt Nam đều có một Thư Chung hay Thư Mục vụ gửi cộng đoàn Dân Chúa vào dịp tổ chức đại hội hay hội nghị thường niên. Thư ấy vạch ra đường hướng mục vụ cho toàn Giáo Hội Việt Nam. Năm 2016 là năm tân phúc âm đời sống xã hội. Năm 2015 là năm tân phúc âm đời sống cộng đoàn giáo xứ và dòng tu. Năm 2014 là năm tân phúc âm hóa đời sống gia đình…

Trong mỗi năm qua, các giáo xứ và cộng đoàn đều đã làm được một số việc đáng kể để thực thi đường hướng mục vụ chung của toàn Giáo Hội Việt Nam. Nhưng cụ thể là những việc gì và kết quả ra sao thì chúng ta không ghi nhận được. Nhất là chúng ta không nhận ra được những thiếu sót chung của mỗi năm nên chúng ta không cải thiện được trong năm kế tiếp. Vì chúng ta thiếu thực hành cách xét mình chung, cách lượng giá chung sau mỗi giai đoạn nhất định.

Ước mong có sự thay đổi trong nhận thức và thực hành của các cộng đoàn giáo xứ và hội đoàn, nhất là của chính Hội đồng Giám mục Việt Nam và của các Ủy Ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 

Sài-gòn ngày 20/09/2016

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội 

K3N tại Boston (USA) Hè 2004


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com