Hành trình Ngày Thứ 4

Mỗi tháng một chia sẻ: TĨNH TÂM VÀ TĨNH HUẤN

CSe TNoi9 Tinhtam

I. VÀO ĐỀ

Theo Truyền Thống tốt lành của Công Giáo thì trong đời sống thiêng liêng không thể không có những ngày Tĩnh Tâm. Trước khi chịu chức Giám mục, linh mục ứng viên đều có một tuần Tĩnh Tâm. Trước khi khấn Dòng, các Tu sĩ nam nữ cũng có một tuần Tĩnh Tâm.

Riêng giáo dân thì Mùa Chay Mùa Vọng nào cũng có 3 ngày (đúng hơn là 3 tối) Tĩnh Tâm.

Nhưng nếu nhìn sâu vào đời sống tâm linh của giáo dân, chúng ta khó thấy  được những thay đổi lớn sau mỗi đợt Tĩnh Tâm Mùa Chay Mùa Vọng ấy, trừ một ít người bỏ được đời sống tội lỗi, hoán cải quay về thực sự với Thiên Chúa.

II. TĨNH TÂM THEO CÁCH TỔ CHỨC “CỔ ĐIỂN” HAY TRUYỀN THỐNG

Thường thì các Giáo xứ tổ chức ba ngày (đúng ra là ba tối) Tĩnh Tâm Mùa Chay hay Mùa Vọng theo cách sau đây:

2.1 Trước hay trong thánh lễ những buổi chiều Tĩnh Tâm Mùa Chay hay Mùa Vọng có một bài giảng thật hoành tráng! Ba bài giảng của 3 buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay hay Mùa Vọng có cùng một chủ đề, do một linh mục (càng nổi tiếng càng tốt) được mời từ nơi khác (giáo xứ khác, giáo phận khác) đến giảng và dâng lễ.

2.2 Chiều ngày thứ hai hoặc ngày thứ ba của đợt Tĩnh Tâm có nhiều linh mục được mời đến ngổi tòa giải tội cho giáo dân.

2.3 Các đợt/ngày Tĩnh Tâm này chủ yếu tạo điều kiện cho giáo dân xét mình xưng tội, làm hòa với Thiên Chúa. Kết quả đạt được chỉ là hoán cải cá nhân.

Đó là cách tổ chức cổ điển (classic) hay truyền thống (traditional) các đợt Tĩnh Tâm Mùa Chay hay Mùa Vọng của các giáo xứ.

III. TĨNH TÂM THEO CÁCH TỔ CHỨC “CÁCH TÂN” VÀ ĐƯỢC GỌI LÀ  TĨNH HUẤN

3.1 Vì nhận thấy cách tổ chức các Đợt/Ngày Tĩnh Tâm Mủa Chay, Mùa Vọng cách “cổ điển” hay “truyền thống” vừa được trình bày ở trên ít mang lại thay đổi (canh tân) trong đời sống cộng đoàn, nên ngày nay nhiều giáo xứ, hội đoàn đã “cách tân” cách tổ chức Tĩnh Tâm Mùa Chay Mùa Vọng. Từ được dùng là TĨNH HUẤN, có nghĩa là thời gian vừa để thinh lặng, suy nghĩ, xét mình vừa để học hỏi, tìm hiểu (huấn).

3.2 Trong những ngày Tĩnh Huấn này, cũng có người thuyết trình các đề tài nhưng không nhất thiết phải là linh mục mà có thể là linh mục, có thể là tu sĩ hay giáo  dân. Còn phần Thánh Lễ và Giải tội vẫn là của các linh mục.

3.3 Nhưng không chỉ có thuyết trình xuông mà còn có thêm phần trao đổi, thảo luận nhóm nhỏ và nhóm lớn để có được một đúc kết và quyết tâm (statement) của giáo xứ hay hội đoàn sau mấy ngày Tĩnh Tâm. Như thế các đề tài sẽ được tập thể hay cộng đoàn mọi người đào sâu và am hiểu tường tận. Và các đề tài còn được liên hệ với hiện trạng của giáo xứ, hội đoàn. Từ đó phần quyết tâm sẽ cụ thể và up-date với hoàn cảnh, nhu cầu của giáo xứ và hội đoàn..

3.4 Tham dự những ngày Tĩnh Tâm thì người giáo dân có thể thụ động. Nhưng tham dự các ngày Tĩnh Huấn thì người giáo dân phải chủ động, tích cực tham gia đóng góp kinh nghiệm của mình cho sự xét mình và thay đổi chung của một tập thể.

IV. THAY LỜI KẾT

Một giáo xứ với hàng ngàn hay chục ngàn giáo dân thì khó mà tổ chức các ngày Tĩnh Huấn mà chỉ có thể tổ chức các Ngày Tĩnh Tâm như xưa nay vẫn làm. Nhưng với các đoàn thể trên dưới 100 hội viên thì việc tổ chức các Đợt Tĩnh Huấn là rất khả thi và sẽ đem lại nhiểu kết quả tốt đẹp cho đời sống cá nhân và cộng đoàn.

Ước mong các anh chị trong Ban Phục Vụ nghiên cứu và tổ chức những đợt Tĩnh Huấn cho các Cursillista!

 

Xóm Mới ngày 16/03/2017

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội 

K3N tại Boston (USA) Hè 2004


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com