Hành trình Ngày Thứ 4

Bài chia sẻ họp Nhóm Trưởng 20/05/17: Người Lãnh đạo Cursillo

Bài chia sẻ với Nhóm Trưởng ngày 20/5/2017 tại Nữ ĐV Biển Đức Thủ Đức
– Maria Trần thị Nhan

NhomTruong Nhan1

Kính chào cha và quý anh chị,

Hôm nay tôi rất hân hạnh được chia sẻ với quý anh chị đề tài “ Nhóm Trưởng: Người Lãnh Đạo Cursillo”. Đây không phải là một bài thuyết trình. Tôi chỉ có ý muốn cùng quý anh chị xem lại một chút tài liệu của Phong Trào về người lãnh đạo Cursillo và nhìn ngắm vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội sau khi Chúa Phục sinh qua đoạn tin mừng Ga 21, 1-14.

Tôi xin đi vào phần một

I. NGƯỜI LÃNH ĐẠO CURSILLO

Thưa quý anh chị,

Trong sách “Cẩm Nang Lãnh Đạo” chương 5, chúng ta đã có khái niệm về lãnh đạo. Người lãnh đạo là người có khả năng ảnh hưởng tới người khác. Tất cả Ki-tô hữu được xem là người lãnh đạo vì họ có nhiệm vụ làm cho người khác nhận biết Thiên Chúa. Phong trào Cursillo phân biệt rõ 2 loại lãnh đạo là: lãnh đạo Ki-tô hữu (do phép Rửa) và lãnh đạo Cursillo. Lãnh đạo Cursillo là người đang giữ một phần vụ, một trách nhiệm cụ thể nào đó trong Phong trào. Tôi xin đọc một đoạn ở trang 61 sách Cẩm Nang Lãnh Đạo:

Tất cả những ai tham dự một khóa Cursillo được gọi là Cursilista. Tại khóa 3N, trong Rollo Người Lãnh đạo, chúng ta xác nhận rằng tất cả, dù tốt hay xấu, đều là những thành phần lãnh đạo của một tổ chức hoặc của một người nào đó trong cuộc đời. Ngay cả sợi tóc cũng có cái bóng của nó, như chúng ta thường nói. ”Chính các Ki-tô hữu cần phải nỗ lực dấn thân để lãnh đạo cộng đồng nơi họ hiện diện đến cùng Chúa Ki-tô.”Họ cần phải tiếp nối lịch sử với Chúa Ki-tô. Họ phải là những người lãnh đạo, không tham vọng quyền bính hoặc sở hữu các phương tiện, nhưng chọn việc phục vụ trên hết, và với niềm hy vọng đảm bảo được mục tiêu. Họ phải là những Ki-tô hữu thuộc thành phần lãnh đạo trong các môi trường của mình (gia đình, sở làm, thôn xóm, chính trị, v.v…). Tuy nhiên không phải tất cả Cursillista đều được mời gọi hoặc muốn làm người lãnh đạo trong Phong Trào Cursillo…”

Tất cả chúng ta hiện diện nơi đây đã được mời gọi làm nhóm trưởng một nhóm thân hữu. Tôi tìm trong tài liệu của Phong trào, không thấy chỗ nào đề cập đến nhóm trưởng. Có lẽ nhóm trưởng là một chức danh do nhóm đặt cho một anh chị nào đó có khả năng làm liên lạc viên cho nhóm và được hiểu theo cách gọi chung là người lãnh đạo Cursillo. Ngày mới thành lập Phong trào Cursillo Sài Gòn, tôi lớ ngớ không biết phải làm việc với ai và làm như thế nào để tổ chức Ultreya và hội nhóm. Rồi Ban Phục vụ mời 16 trưởng nhóm thân hữu họp mỗi tháng một lần để bàn thảo công việc chung. Đó là tiền thân của Trường Lãnh đạo (TLĐ) mãi đến 3 năm sau mới chính thức hình thành. Như vậy, có thể nói quý anh chị nhóm trưởng chính là những người quyết định hơi thở của Phong trào, là những người lãnh đạo Cursillo ở cấp quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng Cursillo của Phong trào ngay từ ngày PT tái hoạt động năm 2009. Tham khảo vài Phong trào bạn ở Việt Nam, ở Pháp cũng như ở Mỹ, ở Úc, tôi cũng chưa thấy có nơi nào tổ chức gặp gỡ nhóm trưởng một năm hai lần như Phong trào Sài Gòn đang làm. Có lúc tôi đã ngưng sinh hoạt nhóm trưởng để tháp nhập hoàn toàn vào TLĐ. Nhưng sau đó không lâu, Ban Phục vụ yêu cầu Khối Hậu tái lập lại sinh hoạt nhóm trưởng, vì có những nhóm trưởng không sinh hoạt TLĐ. Vì thế, sinh hoạt nhóm trưởng là một nét rất riêng của PT Sài Gòn bao lâu chúng ta còn tha thiết với những buổi gặp gỡ như thế này để giúp nhau làm tròn nhiệm vụ của mình. Sài Gòn duy trì được sinh hoạt hội nhóm là nhờ nhóm trưởng. Ultreya có tổ chức được hay không, số lượng người tham dự đông hay ít cũng đều do nhóm trưởng.

Xác định được vị trí quan trọng của nhóm trưởng trong phong trào cũng đồng nghĩa với việc phải trau dồi sự hiểu biết về trách nhiệm và cố gắng hoàn thành nó trong tinh thần phục vụ yêu thương. Vậy nói một cách cụ thể, trách nhiệm của nhóm trưởng trong Hậu Cursillo là gì? Xin thưa đó là duy trì hội nhóm và Ultreya.

Mục đích của Hội Nhóm và Ultreya

Sách Cẩm Nang Lãnh Đạo chương 5 trang 64 viết:

   “Hội nhóm và Ultreya có ý muốn giữ cho các cá nhân trong nhóm luôn ở trong tình trạng hoán cải liên tục bằng cách sống những điều căn bản để trở nên Ki-tô hữu đích thực do đó làm cho dậy men môi trường hằng ngày của họ … Hội nhóm và Ultreya tự chúng không có sức sống. Điều tạo cho Nhóm nhỏ và Ultreya sức sống là ân sủng tuôn chảy khi mỗi thành viên tham dự và nhóm của mình sống ân sủng ấy.”

Hội nhóm và Ultreya là phương pháp đặc thù của PT giúp ta sống đời Ki-tô hữu trong hành trình ngày thứ tư của một Cursillista. Vậy nếu đã tham dự khóa 3N mà không sử dụng phương pháp này thì người đó có phải là một Cursillista không ? Chúng ta hãy đọc

Số 522 sách Những Tư Tưởng Nền Tảng :

“Đừng bao giờ quên rằng điều quan trọng không phải là quyết tâm đeo đuổi PT Cursillo, mà phải sống một đời sống Ki-tô hữu đích thực, để xây dựng Giáo hội và tạo lập một thế giới hoàn hảo hơn. Nhiều anh chị em đã tham dự khóa 3N hiện nay dù không áp dụng những phương pháp đặc thù của Hậu Cursillo, nhưng họ vẫn sống đời sống Ki-tô hữu đích thực. Ngoài ra, vì mục tiêu rõ rệt của Hậu Cursillo là biến đổi thế giới qua những người liên tục sống những điều căn bản của người Ki-tô hữu đích thực, PT Cursillo cổ động cho phương pháp đặc thù như là một đường lối đặc biệt và thích ứng nhất để đạt đến mục tiêu kiên trì và trưởng thành trong đức tin.”

Như thế ta có thể trả lời câu hỏi nêu trên ra sao? Giữa một Cursillista có hội nhóm và Ultreya với một Cursillista không có hội nhóm và Ultreya có gì khác không? Chắc chắn một điều là giữa 2 người này thì người thứ nhất ta thấy gần gũi họ hơn vì ta gặp họ nhiều lần hơn trong cộng đồng Cursillo. Chính những người có hội nhóm và Ultreya tạo nên cộng đồng Cursillo, làm chứng cho một tình bạn thân thiết với nhau bắt nguồn từ Chúa Ki-tô Phục Sinh. Còn nếu như chỉ là Cursillista trên danh nghĩa nhưng không sử dụng phương pháp của PT, hoặc có sử dụng phương pháp của PT nhưng chỉ vì muốn đeo đuổi PT như một đoàn thể, thì việc hội nhóm và Ultreya không mang lại kết quả như mong muốn. Đôi khi lại nảy sinh những vấn đề phức tạp do tinh thần thế tục gây ra như phe nhóm, quyền hành, cách tổ chức sự kiện, quản trị v.v….

Nhìn lại Phong trào Cursillo Sài Gòn từ #1 (2009) đến khóa #16 ( 2016), chúng ta có 35 nhóm thân hữu theo danh sách, với tổng số 218/ 599 Cursillista. Trong số 35 nhóm này có 6 nhóm không sinh hoạt. Còn lại 29 nhóm sinh hoạt thường xuyên hằng tháng. Dự Ultreya 2 tháng/lần trung bình có đại diện của 24 nhóm với số người tham dự khoảng 80-100. Báo cáo với quý anh chị như thế để thấy rằng duy trì sinh hoạt hội nhóm và Ultreya không dễ. Và đây chính là trách nhiệm của Nhóm Trưởng. Tôi tin sức sống của PT không nằm ở chỗ hội nhóm thân hữu bao nhiêu lần một tháng , Ultreya bao nhiêu lần một năm. Sức sống Cursillo chính là chất lượng của các buổi hội nhóm và Ultreya. Vì thế, nhóm trưởng không nôn nóng chạy đua theo số lần hội nhóm hoặc Ultreya, nhưng phải làm sao duy trì được sự hiệp nhất, vui tươi, đậm chất Cursillo trong mỗi lần gặp gỡ. Việc hội nhóm và Ultreya phải trở thành một thứ của ăn tinh thần giúp cho từng Cursillista cũng như Cộng đồng Cursillo ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su hơn. Ước gì người ta có thể nói về Cursillo Sài Gòn: “Kìa xem, họ yêu thương nhau biết bao”. Đó cũng là lời trăn trối cuối cùng của Thầy Chí Thánh: ”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” ( Ga 15,12).

Vậy thưa quý anh chị,

Hai người yêu nhau đã là khó, cần có một khoảng thời gian tối thiểu để tìm hiểu rồi mới bắt đầu yêu nhau được, huống hồ là một nhóm thân hữu hữu năm bảy người thì càng khó hơn. Chính vì vậy mà chúng ta mới học cách tiếp xúc cá nhân, cách điều hành một buổi họp nhóm, cách tổ chức một buổi Ultreya. Điều quan trọng là cho dù thành công hay thất bại, nhóm trưởng không nản lòng. Ngược lại, nhóm trưởng biết cậy dựa vào sức mạnh của Thầy để tiếp tục phần việc Thầy đã giao là “cứ làm nhóm trưởng.

Thưa quý anh chị,

Trong suốt 3 giai đoạn Tiền, Khóa 3N và Hậu Cursillo của PT, người lãnh đạo Cursillo đều có những trách nhiệm cụ thể. Quý anh chị cũng đã học nhiều tài liệu để nắm vững vai trò của mình trong từng giai đoạn, về lý thuyết cũng như kỹ thuật thực hiện. Chúng ta cần lưu ý là mọi việc phải khởi đi từ tình bạn qua tiếp xúc cá nhân. Vậy giờ đây, tôi xin bước sang phần hai của bài chia sẻ. Chúng ta hãy để cho Lời Chúa soi rọi tâm can của mình. Hãy nhận ra tình bạn đã giúp nhóm của Phê-rô làm việc như thế nào nhé.

II. TÌNH BẠN (Ga 21,1-14)

ĐỨC KI-TÔ HIỆN RA Ở BIỂN HỒ TI-BÊ-RI-A

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.5 Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không."6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.10 Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây! "11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.12 Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn! " Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai? ", vì các ông biết rằng đó là Chúa.13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Đoạn Tin Mừng vừa đọc chia ra 3 phân đoạn. Chúng ta thử quan sát nhân vật của từng phân đoạn một và đưa vào khung cảnh của một buổi hội nhóm thân hữu Cursillo

1. Câu 1-3: Trong phân đoạn này ta thấy Phê-rô và 5 người bạn họp thành một nhóm. Phê-rô xướng: “Tôi đi đánh cá đây!”. Các người khác đáp: ”Chúng tôi cùng đi với anh”. Thế rồi họ lên thuyền ra khơi nhưng kết quả của cuộc đánh bắt thất bại.

Tôi liên tưởng đến việc hội nhóm thân hữu. Nhóm trưởng Phê-rô thông báo cho mọi người ngày giờ, địa điểm họp nhóm. Một số hưởng ứng đến họp. Nhưng buổi họp không mang lại kết quả. Không kết quả đây có thể hiểu là họp không đúng nội dung, chỉ là tám với nhau cho vui. Có khi vì chỉ có một hai người đến nên nhóm trưởng bảo: “ít người quá nghỉ, không họp nữa”. Vậy câu hỏi đặt ra là cần có tối thiểu bao nhiêu người để có thể hội nhóm ? Những thất bại trong hội nhóm là gì?

Trả lời : “ Đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20) – thiếu kiên trì- chuộng tư tưởng “ đông mới vui”- chia sẻ lan man không đi vào trọng tâm.

2. Câu 4-8: Đức Giêsu xuất hiện nhưng các ông không nhận ra Thầy. Dù vậy các ông cũng làm theo lời “người lạ mặt” bảo, đó là thả lưới bên phải mạn thuyền. Kết quả là lưới đầy cá. Trước kết quả này, trong các ông có một thay đổi về nhận thức và hành động. Gioan nhận ra người lạ mặt chính là Chúa. Phê-rô nghe vậy liền mặc áo vào rồi nhảy xuống biển, không biết có phải vì ông nghĩ tự mình bơi vào bờ thì nhanh hơn chăng? Các môn đệ khác thì chèo thuyền vào bờ.

Chúng ta ghi nhận 3 sự kiện:

a/. Chúa hiện ra ở trên bờ chỉ xa 100 mét, nghĩa là Chúa ở rất gần. Ta có nhận ra Chúa luôn ở cạnh bên ta trong cuộc sống không? Trong hội nhóm?

b/. Phê-rô lắng nghe Gioan và mặc áo vào thay vì ở trần để gặp Chúa. Nhóm, nhất là Nhóm trưởng, có biết lắng nghe nhóm viên và thay đổi cung cách hành động của mình không?

c/. Các ông làm theo lời “người lạ mặt” vì muốn bắt được cá. Nhóm trưởng và nhóm viên có tuân theo hướng dẫn của PT trong hội nhóm không? Có tự “sáng kiến” quá nhiều dẫn đến chệch hướng không?

3. Câu 5-14: Chúa Giêsu và các môn đệ dùng bữa với nhau. Chúa chuẩn bị sẵn than hồng, cá, bánh và bảo các ông đem lại một ít cá vừa bắt được để cùng ăn.

Trong những lần họp nhóm, nhóm trưởng có chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ không? Có cần sự cộng tác của nhóm viên không? Mỗi người đến hội nhóm có mang tinh thần “cho và nhận” hay chỉ muốn nhận mà không muốn cho hoặc ngược lại? (hiểu theo cả 2 nghĩa tinh thần và vật chất)

Bài Tin Mừng diễn ra trong bối cảnh đời thường của các môn đệ. Ở đây ta thấy Phê-rô có tầm ảnh hưởng mạnh trên nhóm bạn. Họ ăn ý với nhau trong công việc, nhưng vẫn thất bại dù họ là những người chài lưới chuyên nghiệp. Thế nhưng khi Chúa Giêsu xuất hiện và chỉ cho họ hướng đánh bắt thì kết quả thật bất ngờ. Nhóm của Phê-rô tuân theo lời Chúa trăm phần trăm nên thành công, còn nhóm của chúng ta thì sao? Có phải Chúa đang chỉ đạo nhóm của chúng ta không?

Thưa quý anh chị,

Có thể bài Tin Mừng còn gợi lên cho mỗi người chúng ta nhiều điều khác nữa. Tôi xin phép dừng lại ở đây để dành thời gian cho quý anh chị chia sẻ thêm về những suy nghĩ của mình liên quan đến hai điểm tôi vừa chia sẻ: vai trò của Nhóm Trưởng, người lãnh đạo Cursillo và tình bạn trong nhóm thân hữu.

Xin cám ơn cha và quý anh chị đã lắng nghe.

Maria Trần thị Nhan


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com