Bài chia sẻ với Nhóm Trưởng ngày 20.5.2017 tại Nữ ĐV Biển Đức Thủ Đức
– Têrêsa Phạm Ngọc Thanh
Kính chào cha và quý anh chị,
Chiều nay, tôi rất hân hạnh được chia sẻ với quý anh chị đề tài “Nhóm trưởng: Hành đạo”. Bài chia sẻ này gồm các phần sau đây:
1. Hội Nhóm là Lò Lửa Sức Sống Chúa Thánh Thần
2. Thế nào là Chia sẻ Hành đạo trong Hội Nhóm
3. Chứng nhân của Chia sẻ Hành đạo
I. HỘI NHÓM LÀ LÒ LỬA SỨC SỐNG CHÚA THÁNH THẦN
Ngày 30.4.2015, tại Đại Thánh Đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ hơn 7000 cursillista châu Âu tham dự Đại hội Ultreya lần thứ ba như sau: ”Hãy giữ lòng nhiệt thành, ngọn lửa của Chúa Thánh Thần luôn thúc đẩy các môn đệ của Chúa Kitô tìm đến những người ở xa, ra khỏi cuộc sống tiện nghi thoải mái của mình và can đảm đi tới mọi khu ngoại ô đang cần đến ánh sáng Tin Mừng”.
Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã viết trong Đường Hy Vọng số 836: ”Chúa Giê-su đem lửa đến thế gian và muốn cho quả đất rực cháy, với ý chí tông đồ, con phải là ngọn lửa đốt cháy những ngọn đuốc khác, làm cho ánh sáng thế gian lan rộng cho đến lúc thế gian thành một biển ánh sáng”.
Một cha linh hướng đã viết trong Đặc San Phong trào Cursillo-Sacramento 2016 như sau:” Mỗi Cursillista được ví như những cục than hồng, bao lâu còn ở trong lò than thì còn cháy nóng và ích lợi. Nhưng nếu được gắp riêng ra, thì cục than nguội dần, đen lại và rữa thành dúm tro vô vị. Nhóm Ki-tô hữu là những cộng đồng Ki-tô giúp mọi cursillista không những là một lò lửa giữ lòng nhiệt thành, mà còn thăng tiến đời sống đạo đức cá nhân và phát triển việc tông đồ đoàn thể”.
Phong trào Cursillo, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đã lấy tình bạn. “kết bạn, làm bạn và đưa bạn về với Chúa” làm phương thức rao truyền Tin Mừng.
Chúng ta hãy xem cách Chúa Giê-su làm bạn với 2 môn đệ trên đường Emmau qua 4 bước sau đây:
- Lc 24, 13-24. Bước 1: Thoát ra khỏi thực tại. Chúa Giêsu gặp hai người bạn trong tình trạng sợ hãi và kém đức tin. Sức mạnh của sự chết, thập giá, đã giết chết niềm hy vọng trong họ. Đây là tình trạng của nhiều người ở thời của thánh Lu-ca, và cũng là tình trạng của nhiều người ngày nay. Chúa Giêsu tiến đến gần họ và đi cùng đi với họ; Ngài lắng nghe trao đổi của họ và hỏi: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Bước đầu tiên là bước này: tiến gần đến họ, lắng nghe thực tại của họ, cảm nhận vấn đề của họ: có khả năng đặt những câu hỏi giúp cho những bạn này nhìn thực tại với cái nhìn hiểu biết hơn. Đâu là những câu truyện của những người đau khổ ngày nay?
- Lc 24, 25-27. Bước 2: Sử dụng Kinh Thánh để thắp sáng cuộc sống. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh và lịch sử loài người để thắp sáng lên vấn đề mà khiến cho hai người bạn này sầu khổ, và công bố tình trạng mà họ đang sống. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh không phải như một vị bác sĩ biết mọi sự, nhưng như một người bạn đồng hành đến để giúp những người bạn và gợi cho họ nhớ những điều họ đã lãng quên. Chúa Giêsu cố gắng thức tỉnh lòng trí của họ: "Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" Làm cách nào chúng ta có thể thực hiện điều này ngày nay?
- Lc 24, 28-32. Bước 3: Chia sẻ trong cộng đoàn. Thánh Kinh, tự thân, không làm mở đôi mắt. Nó chỉ làm cho trái tim họ bị thiêu đốt. Điều khiến cho đôi mắt mở ra và nhìn thấy được, là sự bẻ bánh, hành động chia sẻ trong cộng đoàn. Trong khoảnh khắc đó cả hai nhận ra Chúa Giêsu, họ được tái sinh và Chúa Giêsu biến mất. Chúa Giêsu không chiếm hữu con đường của các bạn Ngài. Ngài không phải là gia trưởng. Trỗi dậy, các môn đệ có thể tự thân bước đi một mình.
- Lc 24, 33-35. Bước 4: Phục sinh là trở về, là thay đổi. Cả hai người bạn, cách can đảm, trở lại con đường về Giêrusalem, nơi mà lực lượng của sự chết, đã giết Chúa Giêsu và, đã giết hy vọng của họ, sẽ tiếp tục hoạt động. Giờ đây, tất cả đã thay đổi. Đó là sự trở về chứ không phải sự trốn chạy! Tin tưởng chứ không phải kém tin! Hy vọng chứ không phải thất vọng! Tóm lại một lời: sự sống chứ không phải cái chết! Thay vì tin buồn về sự chết của Chúa Giêsu, thì Tin Mừng của Sự Phục Sinh của Ngài! Đây là dấu chỉ cho thấy Thần Khí của Chúa Giêsu hoạt động trong họ!
Cách Chúa Giê-su làm bạn và đưa 2 môn đệ ở Emmau trở về với Chúa Giê-su Phục sinh thật tuyệt vời, phải không các bạn? Vậy, đến lượt chúng ta, chúng ta hành đạo như thế nào trong Hội Nhóm?
II. CHIA SẺ HÀNH ĐẠO TRONG HỘI NHÓM
Người Ki-tô hữu đích thực luôn luôn thấy Chúa hiện diện trong mọi khía cạnh của sinh hoạt hằng ngày của chính mình như trong gia đình, sở làm, khi giao tiếp với tha nhân, trong mọi sinh hoạt văn hóa xã hội. Việc chia sẻ những cảm nghiệm vui buồn, ưu tư trong cuộc sống đời-đạo đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt Hội Nhóm Cursillo.
Nếu như chia sẻ về Sùng Đạo là chia sẻ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, và chia sẻ về Học Đạo là chia sẻ những điều chúng ta đã làm để biết rõ hơn món quà Chúa đã trao tặng chúng ta, thì chia sẻ về Hành Đạo là chia sẻ về ba bước “Kết bạn, là Bạn, và Đưa bạn về với Đức Ki-tô”. Chia sẻ ấy không nhất thiết phải là thành quả cuối cùng trong việc đưa bạn đến với Đức Ki-tô, nhưng có thể chỉ là bước sơ giao để “Kết bạn”.
Chia sẻ cũng có thể là nói cho nhau nghe những thất bại, thiếu sót mà chúng ta gặp phải trong thời gian qua. Sự thất bại có thể do lỗi của ta thiếu cầu nguyện, thiếu nỗ lực, thiếu kinh nghiệm. Do đó, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta nhận ra khuyết điểm mà phục vụ tốt hơn. Hoặc chúng ta tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm nơi những thành viên trong nhóm.
Còn nếu sự thất bại xảy đến không do lỗi chúng ta gây ra thì sao? Lúc này chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã cho ta một cơ hội nhận ra thánh ý của Ngài. Có thể ý Chúa là “ Một người gieo, và một người khác thu hoạch”. Có thể Chúa muốn dạy ta phải trông cậy vào Chúa nhiều hơn, hoặc có thể Chúa muốn sửa đổi một tật xấu trong ta như là lòng tự cao tự đại.
Khi ta trao phó việc tông đồ của ta cho Chúa, thất bại hay thành công không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là: chúng ta luôn luôn khám phá ra Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người chúng ta.
III. CHỨNG NHÂN CỦA HÀNH ĐẠO
1/ Chứng nhân của một bác sĩ
Vừa nhận được điện thoại, nam bác sĩ vội vã tới bệnh viện. Ông khoác vội trang phục phẫu thuật và tới ngay phòng mổ. Lúc đó, người cha của cậu bé sắp được phẫu thuật nói: “Tại sao giờ này ông mới đến? Trách nhiệm nghề nghiệp của ông để đâu?”
Bác sĩ điềm tỉnh trả lời: ”Tôi xin lỗi, hôm nay không phải ca tôi trực, nhưng khi nhận được tin tôi đến ngay đây. Và lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật”.
Người cha giận dữ: ”Tịnh tâm à?! Giá như con của ông đang ở trong phòng cấp cứu thì ông có làm thế không? Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?”
Bác sĩ trả lời: ” Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong Kinh Thánh: ”Thân trần truồng sinh từ bụi đất, tôi sẽ trở về bụi đất thân trần truồng. Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa”. Các bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống. Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai ông. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào Thiên Chúa”.
Cửa phòng mổ đóng lại. Sau một thời gian dài trong phòng mổ, bác sĩ bước ra trong niềm hạnh phúc: ”Cảm tạ Chúa, con trai ông đã được cứu. Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy hỏi cô y tá vừa giúp tôi”. Bác sĩ vội vã rời khỏi bệnh viện.
Khi cô y tá xuất hiện, người cha nói ngay: ”Loài người gì mà kiêu ngạo quá! Ông ta không thèm cho tôi biết hiện trạng con trai tôi”.
Cô y tá tuôn trào nước mắt trong xúc động, chậm rãi trả lời: “Con trai duy nhất của bác ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn. Nhưng vừa nhận được tin, bác ấy tới ngay để cứu con ông. Bây giờ bác ấy về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.
Bác sĩ này đã kết bạn với người cha như thế nào?
2/ Chứng nhân của các thành viên trong nhóm Hồng Tỉ Muội
- - Một bạn chia sẻ về nỗi giằng co giữa một bên là sống công chính theo lời Chúa dạy, nhất là tuân thủ điều răn thứ bảy, một bên là trốn thuế, hối lộ trong việc kinh doanh của mình.
- - Một bạn chia sẻ về việc ứng dụng kiến thức trong lớp tham vấn gia đình để kiểm điểm bản thân về thời thơ ấu, nhận biết những tổn thương tâm lý ảnh hưởng đến cung cách sống hiện tại với gia đình. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, bạn đó thay đổi cách nói chuyện nhẹ nhàng hơn, nên đã thuyết phục được người thân tham gia hiến máu trong giáo xứ, như một cử chỉ bắt chước Chúa Giê-su đã trao ban Mình Máu Thánh Chúa để nuôi dưỡng con người.
- - Một bạn chia sẻ về việc góp nhặt ve chai để giúp người nghèo trong giáo xứ. Một hôm bạn gặp một người già trong khu xóm không thể đến nhà thờ và khao khát được rước Mình Thánh Chúa, qua đó, bạn ý thức hơn về lòng khao khát rước Chúa thay vì chỉ rước lễ một cách máy móc.
- - Một bạn chia sẻ về việc đi thăm viếng một người đang nằm viện vì ung thư và giúp người ấy ý thức thánh ý Chúa trong căn bệnh hiểm nghèo và vai trò tông đồ đối với các bệnh nhân khác đang cùng được điều trị bằng thái độ lạc quan, vui tươi thay vì buồn sầu, thất vọng vì căn bệnh ngặt nghèo.
- - Ngoài chia sẻ cá nhân trong việc Hành đạo, cả nhóm có một việc tông đồ chung là cầu nguyện theo chuỗi Mân Côi sống để được liên kết hằng ngày trong mọi biến cố xảy ra trên thế giới, cho đất nước, cho Giáo hội hoàn vũ và địa phương, cho phong trào Cursillo, cho người sống cũng như qua đời. Đặc biệt, cả nhóm tập đừng để tiếng động trong cuộc sống ảnh hưởng đến cuộc đối thoại với Thầy để Thầy cùng đồng hành với mọi người trong tất cả những việc làm trong ngày sống.
Kính thưa cha và quý anh chị,
Trong việc Hành Đạo, điều quan trọng là nhìn thấy Chúa Giê-su Thánh Thể hiện diện không chỉ trong nhà tạm ở nhà thờ, mà ở mọi nơi mọi lúc, trong từng con người nhất là người đau khổ, bệnh tật. Giống như vị bác sĩ trước khi phẫu thuật dành thời gian tịnh tâm để xin Chúa Giê-su dùng chính đôi bàn tay, khối óc và trái tim của bác sĩ để cứu em bé, chúng ta cũng hãy tập dừng lại để cầu nguyện giữa những bộn bề, âu lo của cuộc sống:
“Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể! Con tin thật Chúa đang hiện diện nơi đây (ngôi nhà, sở làm, bệnh viện, đường phố…) cũng như trong nhà nguyện của giáo xứ con.
Chúa là nguồn hy vọng của các bệnh nhân, và riêng con, Chúa là niềm an ủi sâu xa trong những lúc con cảm thấy cô đơn, bất hạnh vì nghịch cảnh trong đời sống. Xin dâng lên Chúa những vết thương lòng như bằng chứng của tình yêu và lòng tín thác. Với sức mạnh kín múc từ Thánh Thể, con sẽ đủ sức sống mỗi ngày, và lòng hằng hy vọng chốn trời cao, khi được nghỉ ngơi hoàn toàn bên Chúa.
Xin Chúa Giê-su Thánh Thể cũng rộng ban mọi ơn lành cho các bệnh nhân, cho mọi người, mọi đấng bậc trong Giáo hội. Con hết lòng cảm tạ Chúa. Amen”.
Têrêsa Phạm Ngọc Thanh