Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó cô Thompson đang dạy tại trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình không làm được điều đó, bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh tên Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái, cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu.
Teddy trông thật khó ưa! Cô nghĩ vậy.
Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ở phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học, mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompsom đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những gì đọc được:
+ Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: -“Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan… Em là nguồn vui cho người chung quanh”.
+ Cô giáo lớp 2 nhận xét: “Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý, nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng, và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu".
+ Giáo viên lớp 3 ghi: “Cái chết của người Mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái, và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em, nếu em không được giúp đỡ”.
+ Giáo viên lớp 4 nhận xét: “Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp”.
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn, khi đến lễ Giáng Sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những gói quà giấy màu và gắn nơ thất đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompsom cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá, và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay, và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: - “Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa”.
Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ.Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học, cô còn lưu tâm cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên, em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.
+ Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: “Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em”.
+ Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và… “Cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em”.
+ Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết định tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng … “Cô vẫn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời”.
+ Rồi bốn năm sau nữa, cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. “Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em”, nhưng lần này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên: Theodore F. Stoddard – giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa gởi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu ta đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích và cha cậu đã mất cách đây vài năm, nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể.
Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? – Ngày đó, cô đeo chiếc vòng giả kim cương bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng Sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ, và giáo sư Stoddard thì thầm vào tay cô Thompson: “Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng, và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ.”
Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: “Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người dạy cô rằng, cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em”
Theo INTERNET
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
1 / - Cậu bé Teddy tìm được một điểm tựa.
Chúng ta thấy cậu bé Teddy đang tiến dần đến sự sụp đổ ! Nhưng tinh thần của Teddy “phấn chấn hẳn lên” khi nó được bàn tay của cô Thompson chăm sóc. Hình ảnh trìu mến của cô Thompson dành cho nó làm nó nghĩ ngay đến mẹ nó. Nó tìm lại được niềm tin yêu vào cuộc sống. Nó không còn chới với giữa dòng đời nữa. Nó tìm lại được một điểm tựa, - điểm tựa tình thương, sau khi mẹ nó mất, còn cha nó thì bỏ mặc nó! - ”Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ ngày xưa!”.
2 / - Trái tim của một người mẹ nơi cô giáo Thompson.
Nói đến tình yêu, không thể nào không nói đến sự chăm sóc. Người nào nói yêu thương bạn, mà người đó không quan tâm chăm sóc bạn, thì người đó hoàn toàn giả dối ! Nói đến sự chăm sóc, thì không có sự chăm sóc nào sánh bằng sự chăm sóc của một người mẹ ! Hơn ai hết, người bệnh rất cần sự chăm sóc, và người chăm sóc cần phải có tấm lòng của một người mẹ ” Lương y như Từ Mẫu ”. Tình Cha cao cả, nhưng trong trái tim của Người Cha, vẫn ngầm hiểu tiềm ẩn trong đó tấm lòng của một người mẹ thì tình cha mới nên trọn vẹn. Người ta nói tình cha nặng về lý trí, nhưng “trăm lý thua một tình”- “Khi con tim lên tiếng, thì lý trí phải nín lặng!”. Vua Đa-vít đã đau đớn biết bao khi hay tin Áp-sa-lon tử nạn, mặc dù đó là một đứa con phản loạn. Chúa Giêsu khi nhìn về thành Giê-ru-sa-lem, Ngài than thở : “Giê-ru-sa-lem, đã bao lần ta muốn ấp ủ người, như Gà Mẹ ấp ủ con dưới cánh… ” Không phải Thiên Chúa vẫn yêu thương con người khi con người đã phản bội Ngài sao ?
Và cô Thompson đã thật sự xứng đáng đứng vào vị trí của mẹ cậu bé Teddy “vì cô đã theo dõi những bước đi của cậu bé học sinh Teddy bằng trái tim của một người mẹ! “ Cô Thompson đến dự lễ cưới và ngồi vào vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể.
3 / - Bạn đã lo cho tương lai con cái như thế nào ?
BẠN CÓ LÀ ĐIỂM TỰA CHO CON CÁI KHÔNG?
Điểm tựa ấy là một “ Gia đình đạo đức”. Đó là “xã hội đầu tiên” mà đứa bé tiếp xúc. Đó là một “thế giới thu nhỏ” mà đôi mắt ngây thơ của đứa bé ghi nhận được. Và nó sẽ ảnh hưởng vô cùng đến những suy nghĩ và hành động của con bạn về sau. Vì thế, gia đình phải là một “Xã hội yêu thương”, một “thế giới yêu thương” một “điểm tựa tình thương” cho cuộc đời đứa bé!
Bạn hãy hình dung một gia đình thường xuyên lủng củng, cha mẹ cãi vả, ẩu đả nhau như cơm bữa, những lời thô tục, nguyền rủa trút lên đầu nhau, cái xã hội tưởng chừng như “ sống chết có nhau”- “ mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai” ấy, mà còn đối xử với nhau cỡ đó, thì cái thế giới người dưng nước lã của thiên hạ, sẽ đối xử với nhau tới cỡ nào? Niềm tin yêu vào cuộc sống của con bạn dần dần phai nhạt! Đứa bé sẽ chất vào hành trang tâm tư của nó những hoài nghi, lạnh lùng, vô cảm, buông xuôi, không còn sức sống… Thực tế sẽ còn tệ hại hơn nữa đối với những gia đình sụp đổ, vợ chồng ly dị nhau, bước đi về tương lai của con cái thật sự gặp nhiều hụt hẫng, thử thách.
BẠN ĐÃ THẬT SỰ LO CHO CON CÁI BẠN HẾT LÒNG CHƯA?
Sau một trận cháy ở một cánh rừng nọ, người ta tìm thấy có một con chim lớn chết cháy, người ta nhặt nó lên, và thật bất ngờ, ở dưới bụng nó có hai con chim con còn sống thoi thóp. Nó nằm xoè đôi cánh phủ lên con nó để chở che cho con nó khi ngọn lửa đi qua.
Thời chiến tranh Việt Nam, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh đã chụp được bức ảnh một bà mẹ bị thương ở đầu, ai đó băng vội vã cho bà, bà đang nằm ở một xó nhà hoang tàn, ngực phơi trần cho con bú. Đứa bé đang mân mê bầu sữa mẹ, vài giọt nước mắt còn đọng trên đôi gò má no tròn của nó. Đôi mắt đứa bé đang nhìn lên tròn xoe tội nghiệp, còn mắt mẹ nó thì khép kín. Bà ấy đã chết!
Tình yêu nào cũng đòi hỏi hy sinh. Là bậc cha mẹ, khi bạn hy sinh lo cho con cái, không phải chỉ là chuyện lo nuôi cho chúng sống, mà là cho chúng nên người - Quan tâm, tìm hiểu, uốn nắn, nâng đỡ chúng. Trong cái “nên người” ấy, có phần lý trí, có phần biết suy tư.
Cho đến ngày nay, chưa ai phản đối câu nói của ARISTOTE ; “ Con người là một con vật có lý trí”. Hay Pascal: “Con người là cây lau cây sậy biết suy tư”. Kinh Thánh cho chúng ta rút ra một định nghĩa về con người hoàn hảo nhất : “Con người là một tạo vật được dựng nên giống hình ảnh Chúa”. Như vậy, chỉ lo nuôi sống con cái thôi, đó mới chỉ là nuôi sống một con vật. Câu chuyện về đứa bé bị sói tha vào rừng, sống thành người rừng, cuộc sống của nó hầu như không còn lý trí. Vậy để “con vật ấy có lý trí ”nó cần được dạy dỗ, chăm sóc và sống trong xã hội con người!
Là bậc cha mẹ, bạn phải trau dồi lý trí của con mình bằng việc cho con mình được học hành với khả năng như có thể của bạn.“Học, học nữa, học mãi”. (Lênin). Học không phải chỉ để “kiếm tiền”, mà trước tiên là để “nên người”,Tiên học lễ, hậu học văn - để từ đó, con đường tiến thân của con cái bạn được vững vàng, chúng tự biết định hướng, biết nhận ra những giá trị lâu dài, đâu là Chân, Thiện, Mỹ. Chúng sẽ không bị biến chất, thoái hóa, vong thân.
Thực tế, có biết bao người cha cứ đều đều ăn nhậu tiệc tùng, mà khi phải bỏ ra vài ba ngàn cho con mua vài quyển tập thì phàn nàn, cau có! Có những bà mẹ ngày nào cũng đánh số đủ loại hàng chục ngàn, mà cho con cái năm mười ngàn để mua sắm đồ dùng đi học thì cằn nhằn than thở ! (… ).
Để kết luận, xin mượn câu trả lời của cô Thompson sau khi đứa bé Teddy ngày nào, nay là tiến sĩ Stoddard đến cám ơn cô :
“Cô chưa từng biết dạy học, cho đến khi cô gặp được em ”
. Vậy, bạn chúng ta đã từng biết dạy con cái chúng ta chưa ?
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG