Trong mấy ngày vừa qua, tôi có dịp đi dự Lễ đặt viên đá xây dựng một ngôi Nhà Thờ nhỏ vùng cao nguyên, ngôi Nhà Thờ của một cộng đoàn người anh chị em dân tộc K'Hor. Qua vài dòng lịch sử, cộng đoàn này đã được hình thành từ năm 1954, khi đường đi vào vùng đồi núi này chưa có, các Thừa Sai DCCT Canada đã phải đi nhờ trực thăng của quân đội Sàigòn lúc bấy giờ, đến nơi đây, ở lại với anh em dân tộc, loan báo Tin Mừng, khi ấy di chuyển quanh vùng phải dùng ngựa. Một cây Thánh Giá đã được cắm ở đỉnh đồi R’Lơm, một ngọn đồi bên sườn dòng suối Đạ Đờng (suối lớn) để làm nơi tụ họp thờ phượng Chúa mỗi Chúa Nhật. Dần dần cộng đoàn đông đảo lên, năm 1964, cha già Antoine Lapointe đã dựng một ngôi Nhà Nguyện nhỏ bằng gỗ, các kèo cột bằng gỗ, mái tôn. Một cái chuông nhỏ treo ngay trước cửa Nhà Thờ, tiếng chuông king… koong ngân theo các ngọn gió của núi rừng réo gọi con cái ngài đến, bọn trẻ con tròn xoe con mắt nghếch tai nghe tiếng chuông rung.
Năm mươi năm trôi qua, có những năm tháng ngôi Nhà Nguyện bị đóng cửa, 15 năm những người tin vào Chúa đi ngang ngôi Nhà Nguyện này lặng lẽ cúi đầu, không có ánh đèn đỏ quen thuộc chầu Chúa, không còn tiếng chuông kinh koong nghe lạ tai mỗi sáng mỗi chiều, cánh cửa Nhà Thờ khép lại nghe lòng thấy đìu hiu, khoảng sân nhỏ bên ngôi Giáo Đường hoang vắng. Ngôi mộ của cha già Lapointe vẫn nơi đó, đã có lần người ta đào mộ ngài định lấy cắp xương vì nghĩ có thể giả làm hài cốt lính Mỹ, nhưng vẫn là một sự lạ lùng, sáng ra con cái đi qua thấy ngôi mộ bị đào xới nhưng chưa chạm được đến nắp quan tài, kẻ có ý không ngay lành đã bỏ đi từ bao giờ bỏ lại ngôi mộ ngổn ngang đất cát. Ông cụ nằm đó, canh giữ bao nhiêu năm nay ngôi Nhà Thờ bé nhỏ, canh giữ niềm tin cho con cái mình. Không có đèn chầu nhưng vẫn có… người chầu !
Ngày người ta trả lại ngôi Nhà Thờ cho Giáo Hội, ngày ngôi Nhà Thờ được mở cửa lại, ván sàn đã mục nát, ngôi nhà hôi hám lâu ngày không có bóng người, dơi chuột lấy làm nơi sinh sống, ngậm ngùi anh chị em dân tộc kéo đến sửa sang lại, làm sạch sẽ lại, trang hoàng lại để thờ phượng Chúa. Hơn 15 năm nữa đi qua, Chúa ban cho cộng đoàn ngày một đông đảo, không chỉ ở tại chỗ, anh chị em ở các nơi khác, xa hàng chục cây số cũng về nương tựa bóng Nhà Thờ này. Con số tín hữu tại chỗ vượt 2.000, con số tại Phi Tô, một làng cách 7 cây số cũng vượt 2.000. Cần phải sửa Nhà Thờ lại để đáp ứng phần nào nhu cầu.
Giữ nguyên hình ảnh ngôi Nhà Thờ cũ. Anh em Tu Sĩ đang phục vụ tại Giáo Sở này muốn giữ nguyên lại hình dáng ngôi Nhà Thờ cũ, một hình dáng đơn sơ mộc mạc, dong dỏng cao như những đồi những núi, mầu gỗ thô ráp như những bàn tay lao động giữa núi rừng. Anh em muốn giữ lại hình dáng ngôi Nhà Thờ cũ như giữ lại hình dáng của một tiến trình lịch sử cộng đoàn, những thế hệ đi qua đã in dấu ngôi Nhà Thờ này, sóng gió như chính ngôi Nhà Thờ này đã đi qua. Giữ lại hình dáng ngôi Nhà Thờ này cũng một phần vì lý do tài chính, khó có thể kiếm tiền để xây dựng những hình dáng sang trọng cầu kỳ hơn, Nhà Thờ sang thì các bàn ghế thiết bị cũng phải trọng, Nhà Thờ mộc mạc thì nội thất cũng mộc mạc như vậy thôi. Hơn nữa còn nhiều Giáo Sở chưa có Nhà Thờ, có những Giáo Sở vẫn còn phải mượn nhà dân để dâng Lễ.
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Giám Mục nhắc mọi người “sẽ khó coi nếu Nhà Thờ sang trọng mọc lên giữa những ngôi nhà nghèo nàn của cộng đoàn chúng ta”. Điều mà vị Giám Mục theo đuổi ấy là xây dựng ngôi nhà tinh thần thờ phượng Thiên Chúa trước khi xây dựng ngôi nhà thờ phượng bằng gạch bằng đá.
Lễ khởi công đã xong, chia tay anh em về lại Sài gòn, một câu hỏi lớn vẫn luẩn quẩn trong tôi, câu hỏi của anh em hỏi nhau: “Làm sao kiếm đủ tiền để xây cho xong Nhà Thờ đây ?” Tôi cứ nhớ trong đầu hình ảnh cái chiếu trải ra ở giữa nhà, mấy chị em dân tộc ngồi vuốt từng đồng tiền xếp lại để đếm, tôi nhìn thấy toàn tiền lẻ phơi ra lạc lõng với diện tích của chiếc chiếu trải rộng. Xin phó thác cho Chúa mà thôi !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ Bảy 22.3.2014