Chương 16
LỚN LÊN TRONG SỰ TRƯỞNG THÀNH
Lời Chúa:
- Romans 15: 1-6
- Galát 6: 2-10
Tóm Lược:
1. Khi chúng ta bị kết chặt trong đời sống thiêng liêng, mối quan hệ của chúng ta với Chúa có thể trở nên trì trệ.
2. Đôi khi chúng ta sợ sự thay đổi và phát triển bởi vì chúng ta đã quá thoải mái rồi, hoặc vì sợ phải nhìn nhận mình là yếu kém.
3. Hội Nhóm, Ultreya, Trường Lãnh Đạo và việc chúng ta cam kết loan truyền Phúc âm có thể trợ giúp chúng ta hoán cải không ngừng.
4. Đời sống thiêng liêng là một hình thức nghệ thuật đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực. Chúng ta cần phải đề ra và xác định mục tiêu cho chúng ta và nắm chắc nguồn tài nguyên nào sẽ giúp chúng ta trưởng thành về mặt thiêng liêng.
5. Sự cam kết của chúng ta trong tư cách là một người lãnh đạo đòi hỏi chúng ta cũng phải cam kết gắn bó với sứ mạng của Giáo Hội và nêu gương sáng cho các Cursillistas khác bằng cách cam kết gắn bó trọn vẹn với công việc của Cursillo chứ không phải cam kết gắn bó không hết lòng.
Một trong những từ ngữ chúng ta nghe lặp đi lặp lại mãi trong Cursillo là “sự hoán cải liên lỉ". Đây là một ý tưởng không nên nhấn mạnh quá mức. Thật dễ bị cám dỗ yên vị với cái gì đã có sẵn, đặc biệt trong những vấn đề tôn giáo, tại nơi chốn đang sống ngay bây giờ. Tuy nhiên, có một nguyên tắc của sự sống là những gì không tăng trưởng thì chết. Nếu một vật không tăng trưởng mà cũng không chết thì hoặc là nó giả tạo hoặc là nó không có sự sống. Bao lâu còn có sự sống bấy lâu còn có chuyển động. Các tác giả tu đức trải qua các thế kỷ đều cho chúng ta biết, bởi vì Thiên Chúa là Đấng vô tận vô biên, cho nên cũng không hề có giới hạn về những sự thâm sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa.
Trong tâm lý học có một từ ngữ mô tả tình trạng sẽ xảy ra khi chúng ta ngừng tăng trưởng. Đó gọi là tình trạng “kết chặt". Nghĩa là chúng ta dính chặt vào một điểm nào đó trong sự phát triển của chúng ta và chúng ta không di chuyển vượt ra ngoài điểm ấy. Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cũng vậy, tình trạng đó cũng có thể xảy ra cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Chúng ta cứ nghĩ là chúng ta đã thấu hiểu Thiên Chúa là Đấng nào và là gì rất đầy đủ rồi, đến độ chúng ta tin rằng trong đời sống chẳng còn gì đáng ngạc nhiên nữa. Rồi nhiều lúc chúng ta tự khép mình trong một cái tổ yên thân mà chúng ta đã lót sẵn cho mình. Chúng ta cứ muốn giữ mãi nguyên trạng. Chúng ta cứ càng ngày càng sợ cái mới, sợ sự thách đố. Chính vì vậy mà trước đây và ngày nay vẫn còn nhiều người cảm thấy phẫn nộ đối với Công Đồng Vaticano II. Nhiều người cứ nghĩ rằng, trong Giáo Hội và trong các vấn đề thuộc về Thiên Chúa, đen phải ra đen, trắng ra trắng. Công Đồng Vaticanô II mở ra cho Giáo Hội những khả năng vô tận để phát triển và đổi thay. Tình trạng không an toàn tự nhiên phát sinh khi có thay đổi đã tạo ra sự sợ hãi và hoảng loạn cho nhiều người. Tình trạng ấy cũng có thể xảy ra trong phạm vi nội bộ một cộng đồng Cursillo - "Chúng tôi vẫn làm như thế kia mà! Cách này chúng tôi thấy hay nhất! Chúng tôi đâu cần nghe mãi, nghe hoài cái thứ Cursillo này đâu. vân vân và v.v."
"Tất cả các tác giả tu đức đều đồng ý rằng, khi chúng ta bắt đầu bị kết chặt" về mặt tôn giáo thì mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng bị sụp đổ. Chúng ta tưởng chúng ta biết hết mọi thứ, tưởng chúng ta nghe hết mọi sự rồi, và chẳng còn gì là mới để chúng ta học hỏi nữa. Tóm lại, chúng ta đặt Thiên Chúa vào trong một cái ngăn thật xinh xắn. Nhưng câu hỏi được nêu lên là: tại sao chúng ta lại phải sợ đổi thay và phát triển. Có lẽ về mặt tri thức tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, chúng ta phải thay đổi, phải thăng tiến và phải trưởng thành, nhưng khi cần loại bớt vài thứ bất khả xâm phạm trong chúng ta, chúng ta lại thấy khó thực hiện quá. Theo tôi, phần nhiều sự sợ hãi này xuất phát từ chỗ chúng ta sợ phải nhìn nhận rằng mình còn nhiều nhược điểm; nghĩa là: chúng ta không có tất cả mọi câu trả lời và chúng ta bất toàn.
Nhìn nhận sự yếu kém không phải là điều dễ dàng nhất trên thế gian này đâu. Thật khó mà nhìn nhận mình không thể biết hết mọi sự hay nhìn nhận mình còn thiếu kinh nghiệm trong một số lãnh vực trong đời sống. Xem ra hầu như chúng ta ai cũng lúng túng khi phải thú nhận rằng mình chưa được trọn vẹn và đầy đủ như lòng mong muốn. Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy thật khó mà thú nhận rằng chúng ta cần sự giúp đỡ trong cuộc hành trình tôn giáo của chúng ta. Sở dĩ chúng ta sợ mình bị yếu kém phần lớn là vì chúng ta sợ soi rọi chính mình. Chúng ta không thích chúng ta là ai hay là cái gì cả. Thỉnh thoảng cái sợ ấy dính liền với nỗi lo sợ thất bại. Nếu chúng ta được yêu cầu phải làm hơn nữa hay trở nên vượt trội hơn nữa. chúng ta có thể không được thoải mái lắm, vì nó có tính cách áp đảo và đôi khi chỉ gây bất tiện mà thôi.
Cái gì có thể giúp chúng ta giữ được tiến trình hoán cải liên lỉ không ngừng? Chắc chắn Hội Nhóm là một trợ lực hết sức hiệu nghiệm. Khi chúng ta cùng đến với nhau để họp nhóm hàng tuần, chúng ta cùng đến với những người chia sẻ với chúng ta cùng những thách đố và những chán nản thất vọng như chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta không đơn độc trên đường lữ hành tôn giáo của chúng ta. Những cuộc gặp gỡ giữa người này người nọ với nhau chính là cách tạo nên một dây chuyền trợ giúp nhau để bảo đảm chúng ta khỏi đi trệch hướng. Ultreya cũng nhằm phục vụ cho mục đích ấy. Tôi luôn luôn phấn khởi mỗi khi thấy có người nào đó đến với hội nhóm Ultreya mà họ đã không tham dự trong thời gian khá lâu. Người ấy biết Ultreya lúc nào cũng có và cảm thấy có Chúa ThánhThần thôi thúc họ đến tham dự. Chúng ta thấy trong trường hợp này một cách đặc biệt là một cộng đồng Kitô hữu rộng lớn thật quan trọng như thế nào. Nếu không có Ultreya thì chúng ta sẽ đi đâu để tìm sự khích lệ và nâng đỡ?
Đối với các thành phần lãnh đạo Cursillo, Trường Lãnh Đạo là một cộng đồng sinh động và chính yếu không phải chỉ đề làm công việc của Phong Trào mà thôi, mà còn để đem lại sự nâng đỡ và khích lệ cho những người lãnh đạo. Vì vậy, Trường Lãnh Đạo phải gặp gỡ nhau thường xuyên để củng cố tình trạng hoán cải liên lỉ của các thành viên. Trường Lãnh Đạo là nơi đào luyện, nhờ đó mà chúng ta được thăng tiến trong sự cam kết gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô và với sứ mạng của Hội Thánh. Trường Lãnh Đạo không nên dùng làm nơi “vãng lai" cho các Cursillistas tham dự theo kiểu chập chờn, thích hay vui thì đến, thiếu cam kết gắn bó. Đó là lý do tại sao chúng ta cần có Hội Ultreya. Trường Lãnh Đạo đào luyện và phát triển các thành phần lãnh đạo Cursillo theo ý hướng của Phong Trào và giúp hỗ trợ cho cộng đồng Kitô hữu.
Cuối cùng sự cam kết gắn bó với công cuộc loan truyền Phúc âm sẽ giúp chúng ta duy trì tiến trình hoán cải liên lỉ. Khi làm việc tông đồ, chúng ta có nhiều cơ hội để trông thấy những hoa quả trong mối quan hệ thâm sâu của chúng ta với Chúa Kitô. Đời sống Thánh Thiện (Sùng Đạo) và Đào luyện (Học Đạo) của chúng ta chỉ tồn tại vững vàng khi công cuộc loan Truyền Phúc âm (Hành Đạo) là thành qủa của hai chiều kích Sùng Đạo và Học Đạo nói trên. Chúng ta chỉ được toàn vẹn khi có đủ cả ba chiều kích ấy trong đời sống Kitô hữu. Nhiều khi chúng ta giới hạn sự chú tâm của chúng ta vào đời sống cầu nguyện (sùng đạo) và học hỏi (học đạo) mà lơ là hay chỉ để tâm rất ít vào việc tông đồ (hành đạo). Sau một thời gian, ngay cả đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ chịu thiệt. Bởi vì sự phát triển cá nhân chỉ có ý nghĩa một khi chúng ta có thể chia sẻ những thành quả ấy với người khác. Đó là lý do tại sao Phúc âm được gọi là "Tin Mừng”. Tin tức có nghĩa là cái gì được chia sẻ và lan rộng ra. Tin tức mà chỉ bo bo giữ riêng cho mình thì không còn là tin tức nữa mà là một thứ bí mật và Phúc âm thì chắc chắn không hề là một bí mật. Qua phép Rửa Tội, chúng ta được giao phó chia sẻ sứ mạng ngôn sứ của Chúa Kitô: có nghĩa là chúng ta được kêu gọi để vừa thăng tiến trong đức tin vừa chia sẻ đức tin ấy cho kẻ khác hầu sống chứng nhân đức tin mà chúng ta tuyên xưng.
Cũng như mọi điều khác trong đời sống, cuộc sống thiêng liêng của chúng ta cũng là một hình thức nghệ thuật. Kìa, hãy xem các lực sĩ Thế Vận, họ tiêu tốn biết bao thời giờ và sự chú tâm cống hiến vào việc hoàn thiện nghệ thuật biểu diễn của họ. Việc tập luyện thật là cam khổ. Thực ra, nếu chúng ta để ý đến bất cứ một việc làm nào trong đời sống, để hoàn thiện công việc, chúng ta phải bỏ ra mọi thứ chúng ta có cho công việc ấy. Tại sao đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, chúng ta không ráng làm việc cật lực như thế. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh người lực sĩ để mô tả người Kitô hữu. Chúng ta phải sẵn lòng làm mọi thứ chúng ta có thể làm để hoàn thiện đời sống Kitô hữu. Một khi chúng ta ngừng phát triển, chúng ta sẽ đi thụt lùi. Không hề có nguyên trạng. Hoặc là chúng ta phải phát triển, hoặc là chúng ta phải thoái lùi. Không có chuyện đứng lại tại chỗ. Khi chúng ta bị "kết chặt", đời sống thiêng liêng chúng ta sẽ phải suy thoái. Cũng giống như những cơ bắp mà ta không sử dụng tới. Nếu chúng ta không giữ cho các cơ bắp ấy vận động mạnh mẽ hơn, chúng sẽ đơ ra, cằn cỗi và vô dụng. Khi chúng ta không giữ cho các cơ bắp Kitô hữu của chúng ta vận động mạnh mẽ hơn, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ suy thoái dần dần. Rồi thì chúng ta sẽ làm việc cật lực gấp đôi mới lấy lại nhuệ khí ban đầu. Duy trì một tình trạng thăng tiến đều đều thì không dễ hơn là khởi sự từ đầu sau mỗi lần chúng ta bị vấp ngã hay sao? Rồi thì chúng ta sẽ chán ngấy. Cũng giống như thói kiêng cử "chập chờn" vậy. Sau một thời gian, người ta cũng sẽ bỏ cuộc không kiêng cử gì nữa, rồi làm lại từ đầu. Chúng ta không thể là những Kitô hữu “chập chờn" như thế được. Chúng ta lúc nào cũng phải cảnh giác và phải được nuôi dưỡng làm sao để đừng đánh mất hồng ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Vậy làm sao chúng ta giữ mình được và duy trì sự hoán cải của chúng ta được liên tục? Chúng ta cần làm hai điều. Trước tiên, chúng ta luôn luôn cần phải có những mục tiêu và một cái nhìn sắc bén. Nhiều khi chúng ta mất hứng thú trong đời sống Kitô hữu do bởi chúng ta không đề ra hướng đi cho mình. Chúng ta cứ để mặc, ra sao thì ra: rồi chúng ta đổ thừa là do Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Quả thật, Thần Khí Chúa thổi theo chiều Người muốn, nhưng điều đó không có nghĩa Thánh Thần là một thứ tự phát thuần túy không gì ngăn cản lại được. Nếu quả đúng như vậy thì hóa ra Thánh Thần sẽ dẫn dắt một cách độc đoán đổi hướng một cách bừa bãi mỗi lúc mỗi khác sao? Tình trạng ấy chắc chắn sẽ tạo nên hỗn loạn và vô trật tự. Đó đâu phải là đường hướng của Chúa Thánh Thần. Sở dĩ Chúa Thánh Thần có vẻ như không báo trước cho chúng ta việc Người làm, đó là vì chúng ta không dễ gì luôn luôn nhận ra hướng hoạt động của Người. Song nếu chúng ta nhìn lại năm năm hay mười năm về trước để thấy Chúa đã dẫn dắt chúng ta đi đâu, chúng ta sẽ thấy một khuôn mẫu, một trật tự và một kế hoạch rõ ràng. Cũng vậy, chúng ta cần phải đề sẵn mục tiêu ra cho chính chúng ta. Chắc chắn kế hoạch ấy có thể hay sẽ thay đổi đang lúc tiến hành, nhưng chúng ta không thể cứ đi lang thang mãi, không mục tiêu, không biết phải làm gì như thế nào, chỉ trông chờ một cách nào đó Thiên Chúa vào phút chót sẽ đưa tay ra mà kéo chúng ta và đưa chúng ta trở về chính lộ.
Thứ hai, chúng ta cần phải thẩm định khả năng và tài năng của chúng ta. Chúng ta có được những sở trường gì? Chúng ta cần đến nguồn tài nguyên nào để thực thi công việc của Chúa Kitô? Chúng ta cần được trợ giúp trong lãnh vực nào của đời sống chúng ta? Sự thẩm định này cần được thực hiện với tính cách cá nhân cũng như với tư cách cộng đồng (đó là một trong những lý do chính của việc xuất bản quyển sách này). Chúng ta sẽ không thể đi vào thế giới với sứ mạng cao cả này mà không biết chúng ta đang có trong tay nguồn tài nguyên nào hay quà tặng nào. Nhiều khi có những Kitô hữu không được trang bị đầy đủ để làm công việc Chúa khiến có thể gây tai hại nhiều hơn làm lợi. Quả thật, hiểu biết không đến nơi đến chốn có thể là một điều nguy hiểm bởi vì “hiểu biết ít" thường thường là một thứ hiểu biết không đầy đủ. Hãy nhớ rằng, không hề có những sự hoán cải tức thời. Có những thứ chúng ta có được dễ dàng thì chúng ta cũng có thể đánh mất đi dễ dàng như vậy. Chúng ta cần phải tự kiểm lại chính mình để chúng ta biết được lãnh vực nào trong đời sống Kitô hữu của chúng ta cần phải chú tâm đến.
Nếu chúng ta áp dụng hai tiêu chuẩn trên đây vào đời sống thiêng liêng của chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra được gì? Thứ nhất, chúng ta sẽ khám phá ra mục đích của đời sống thiêng liêng là hiệp nhất với Thiên Chúa. Thứ hai, những sở trường và nguồn tài nguyên mà chúng ta cần là sự cầu nguyện (sùng đạo) sự học hỏi (học đạo) và các Bí Tích. Đó chính là những trợ lực giúp chúng ta thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Là người lãnh đạo Cursillo, mục tiêu của chúng ta là cam kết gắn bó với sứ mạng của Giáo Hội. Đây là con đường dẫn đưa chúng ta cùng hiệp nhất với Chúa. Nguồn tài nguyên chúng ta có đang nằm sẵn trong Phiếu Cam Kết Phục Vụ hay "sự vụ lệnh" của chúng ta - Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo. Đối với thành phần lãnh đạo Cursilìo, điều đó có nghĩa là làm cho công việc của Phong Trào trở thành việc tông đồ ưu tiên hàng đầu của chúng ta.
Là người lãnh đạo. chúng ta hãy nêu gương cho các Cursillistas khác. Tôi tin chắc rằng, một Phong Trào Cursillo chỉ mạnh khi các thành phần lãnh đạo của Phong Trào cũng cùng mạnh. Nếu sự cam kết gắn bó của chúng ta thực hiện không hết lòng, thì toàn thể Cursillistas sẽ nhận ra ngay. Nếu chúng ta không tham gia Hội Nhóm hay Ultreya, thì các Cursillistas khác sẽ nghĩ gì về chúng ta? Một lần nữa chúng ta trở lại với một trong những tiền đề của chúng ta là: Chúng ta lãnh đạo không phải bằng quyền lực hay quyền bính, mà bằng việc phục vụ cộng đồng; và cách thức tốt nhất để chúng ta phục vụ cộng đồng là chúng ta hãy nên người Kitô hữu, người Cursillista và người lãnh đạo Cursillo đích thực như chúng ta vẫn tự nhận như thế. Một trong những hình ảnh của người tông đồ mà Chúa Giêsu dùng trong Phúc âm là hình ảnh một con người chia sẻ tiến trình tử nạn và phục sinh của Chúa. Đó mới rõ sự hoán cải liên tục mà chúng ta nói tới là như thế nào. Đó mới rõ thế nào là tư cách một người tông đồ hay người lãnh đạo mà chúng ta nói tới. Chúng ta không bao giờ là những sản phẩm đã hoàn thành. Chúng ta luôn luôn thăng tiến hơn nữa để trở thành những người mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên như vậy.
Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thảo Luận:
1. Trong trường hợp nào người Kitô hữu trở thành bị kết chặt về mặt thiêng liêng?
2. Một đời sống thiêng liêng không được thăng tiến và trưởng thành thì sẽ như thế nào?
3. Tại sao cá ba chiều kích (Sùng Đạo, Học Đạo, Hành Đạo hay Phúc âm Hóa Môi Trường) đều là chính yếu cho việc hoán cải liên lỉ?
4. Nguồn tài nguyên nào chúng ta cần trong tư cách cá nhân cũng như cộng đồng để tiếp tục thăng tiến về mặt thiêng liêng?