GNsP – Ngày 16 tháng 1 năm 2016 sắp tới, Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam và linh tông, huyết tộc Cha Cố Phêrô Nguyễn Châu Hải sẽ dâng Thánh Lễ tạ ơn, mừng Cha Cố dịp Kim Cương Linh Mục (70 năm Linh Mục, 1946-2016), và Bách Niên Thượng Thọ (100 tuổi, 1916 – 2016).
Đây là dịp trọng đại, đặc biệt và cực kỳ hiếm hoi trong Giáo Hội, nhất là Giáo Hội tại Việt Nam. Thật là một hồng ân Chúa ban riêng cho Cha Cố Phêrô, cho nhà Dòng, linh tông huyết tộc của Cha Cố, cũng như cho các Giáo phận mà ngài đã phục vụ: Bùi Chu, Quy nhơn và Đà Nẵng.
Trong dịp này, Pv. GNsP rất muốn xin được phỏng vấn ngài để cống hiến cho quý độc giả về cuộc đời độc đáo, đầy hồng ân của Cha Cố. Nhưng vì Cha Cố đã cao niên, việc trả lời phỏng vấn đối với ngài đã có phần khó khăn, nên chúng tôi xin phép phỏng vấn Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, cựu Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là người cháu thân yêu của Cha Cố, vị đại diện linh tông huyết tộc đồng tổ chức đại lễ này cho Cha Cố Phêrô.
PV. Kính thưa Cha, chúng con xin Cha cho biết đôi nét về cuộc đời của Cha Cố Phêrô.
Cuộc đời linh mục của Cha Cố tóm tắt như sau :
– Chịu chức ngày 4/8/1946 tại Bùi Chu
– 1946 – 47 Phó xứ Quần Liêu.
– 1947 – 48 Phó xứ Quần Phương, Linh giám trường Thầy Giảng Bùi Chu.
– 1948 – 51 Tuyên úy Dòng Cát Minh.
– 1951 – 52 Chánh xứ Cát Phú, Tuyên úy bệnh viện Thánh Tâm Bùi Chu.
– 1952 – 53 Tuyên úy Hướng Đạo Công Giáo và các trại giam.
– 1953 – 54 Tuyên úy Lưu động Khu chiến Bùi Chu.
– 1954 – 55 Văn phòng hỗ trợ định cư Saigon.
– 1955 – 60 Giáo sư, Linh hướng Tiểu Chủng viện Thánh Phanxicô Saigon.
– 1960 – 61 Giáo sư, Linh hướng Tiểu Chủng viện Qui Nhơn.
– 1961– 69 Tu nghiệp mục vụ Linh hướng, Pháp – Ý. Gia nhập Dòng Thánh Thể.
– 1969 – 1970 Phụ tá Linh hướng Cursillo Saigon.
– 1970 – 72 Tuyên úy bệnh viện Thánh Tâm Hố Nai.
– 1972 – 75 Giáo sư, Linh hướng Đại Chủng viện Hòa Bình, Đà Nẵng.
– 1975 – 1990 Chánh xứ Thanh Bình Đà Nẵng.
– 1990 – 2002 Tuyên úy Tu viện Đức Mẹ Sầu Bi – Tập viện Sao Biển, Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng.
– 2002 – 2009 Tòa Giám Mục Đà Nẵng.
– Từ ngày 19 /01/2009 – Nghỉ hưu tại Dòng Thánh Thể Khiết Tâm Thủ Đức.
PV. Cha Cố đã đảm nhận nhiều trọng trách trong các Giáo phận Bùi chu, Quy nhơn và Đà nẵng, trong đó có vai trò Chánh xứ và giáo sư Chủng viện đào tạo các Linh mục, xin Cha cho chúng con biết Cha Cố Phêrô đã thực thi sứ vụ của ngài như thế nào để có thành quả rất khả quan về mọi mặt, nhất là trong thời kỳ vô cùng khó khăn gian nan?
Cháu mà nói về Bác thì cũng hơi khó, nhưng quả thật cuộc đời người linh mục đi qua 70 năm mà vẫn trung tín với ơn gọi, hơn nữa là hoàn thành sứ mệnh trong bình an thì có rất nhiều điều đáng ghi nhận. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và bình an phó thác, đó là nét chính tôi có thể ghi nhận được sau nhiều năm sống với Cha Cố.
Tôi xin đưa ra một số vụ việc để minh chứng nhận định :
– Ai gần Cha Cố đều thấy, Cha Cố trung thành và miệt mài với Bí tích Thánh Thể, ngay bây giờ, tuổi già sức yếu, Cha Cố vẫn đắm chìm trong các giờ kính Thánh Thể.
– Năm 75, khi Đà Nẵng đang tao loạn, chúng tôi rất lo ngại cho Cha Cố, chúng tôi liên lạc xin Cha Cố vào Nam, thời gian sau, nhận được thư của Cha Cố, một lá thư rất dài, viết tay, kể lại những sự việc đang xảy ra ở Đà Nẵng, đặc biệt là những đau thương mà mọi người đang gánh chịu, cuối thư Cha Cố viết. “Bác không vào Nam đâu, bác phải ở lại với người dân ngoài này, sợ rằng khi vào Nam sống nhờ anh em linh mục khác, con vi trùng nhàn rỗi sẽ đục khoét tim phổi bác”. Chúng tôi biết Cha Cố chọn đàn chiên và sống chết với đàn chiên. Mọi người khi ấy chỉ biết bùi ngùi cầu nguyện cho Cha Cố.
– Trong một lần gặp khó khăn, tôi xin ý kiến Cha Cố, sau vài phút cầu nguyện điều đầu tiên Cha Cố nói với tôi là “Tiên quyết không đưa ra một giải pháp nào cho vấn đề nếu chưa cầu nguyện và suy nghĩ”.
– Câu nói cửa miệng của Cha Cố như là một xác tín cuôc đời “Mục đích của Chúa là hạnh phúc của chúng ta”.
Có lẽ nhờ những đức tính trên, đó là cách cộng tác với ơn Chúa, Cha Cố đã đi qua bao gian nan vất vả của cuộc đời và sứ vụ cho đến ngày hôm nay.
PV. Thưa Cha, Cha Cố viết rất nhiều sách, thuộc nhiều thể loại: suy niệm, hạnh thánh, tu đức… xin Cha cho chúng con biết một ít chi tiết về công trình này của Cha Cố Phêrô?
Danh sách các sách Cha Cố đã biên soạn :
A. Loại sách tu đức bình dân, rất dễ hiểu và giúp ích cho nhiều người:
– Suy niệm lời Chúa trước Thánh Thể (4 tập)
– Năm Thánh Thể (4 tập).
– Chầu Thánh Thể các Chúa nhật (Năm A,B,C).
– Dẫn vào tu đức.
– Sơ lược truyện Đấng Cứu Thế.
– Sống Tuần thánh.
– Tâm thư.
– Năm linh mục.
– Tháng Thánh Giuse.
– Tháng Đức Mẹ.
– Tháng Mân Côi.
– Tháng Thánh Tâm.
– Mỹ viện các linh hồn.
B. Những câu chuyện có thật trong đời thường, giúp người ta sống đạo có ý nghĩa.
– Truyện Thánh Juliano – Eymard
– Eve Lavallière.
– Tiểu Mai
– Khăn liệm thành Turin.
– Mai mốt.
– Chuyện đó đây.
C. Những chi tiết về nguồn gốc gia đình, những chứng từ về ơn gọi bản thân và cả những câu chuyện riêng tư của gia tộc để lại cho con cháu.:
– Quãng vắn đời dài.
PV. Chúng con được biết là chính Cha Cố Phêrô là người đã đưa cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Thể đến Việt Nam và sau đó Đức Tổng Phaolô đã chính thức mời Dòng Thánh Thể vào Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Xin Cha cho chúng con biết thêm về sự kiện này và hoạt động của Cha Cố sau đó?
Đây là một chi tiết khá kín đáo và riêng tư của Nhà Dòng, chúng tôi chỉ được biết rằng Cha Cố đã nỗ lực hết sức trong việc đưa Dòng Thánh Thể vào Việt Nam. Khi Nhà Dòng bắt đầu hình thành, Cha Cố lại lên đường theo lời mời của Đức Cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi ra Giáo Phận Đà Nẵng để giúp Đức Cha Phêrô Maria, người mà Cha Cố kính trọng yêu mến và tùng phục.
Khi nghỉ hưu, Cha Cố nhiều lần tâm sự với tôi về việc Cha Cố tha thiết muốn trở lại đời sống tu sĩ dòng của mình, còn một vài trở ngại chưa được nên Cha Cố kiên nhẫn phó thác đợi chờ, Năm 2009. Cha Phêrô Tống Kiên Hùng, người con tinh thần của Cha Cố từ Đan viện Giêtsimani ở Hoa Kỳ về thăm VN, vị Đan sĩ này can đảm, táo bạo và khéo léo thực hiện ước mơ của Cha Cố.
PV. Thưa Cha, theo Cha nhận định thì đâu là những nét nổi bật trong 70 năm đời linh mục của Cha Cố Phêrô?
THÀNH CÔNG ! không phải tôi nói những rất nhiều linh mục và cả giám mục là học trò, là con cái của Cha Cố nói. Cha Cố đã thành công trong cuộc đời linh mục của Cha Cố, không phải vì xây được nhà thờ to, làm ra những công trình vĩ đại hay tung hoành ngang dọc cho sứ vụ, nhưng Cha Cố đã thành công vì có cả một cuộc đời sống khiêm tốn, trung tín và gương mẫu. Cả một đời hy sinh tận tụy cho các linh hồn.
Một nét khác mà Cha Cố đã sống nổi bật trong đời ngài, đó là sống tình nghĩa gia đình. Những năm tôi còn nhỏ, mỗi mùa hè Cha Cố về Vũng tàu hay Đà lạt để nghỉ, Cha Cố luôn luôn mang theo các cháu trong đại gia đình, Cha Cố nghỉ ở nhà xứ, các cháu Cha Cố gởi nhà giáo dân, chúng tôi biết nhau, thương nhau và thân với nhau nhờ Cha Cố. Không bao giờ Cha Cố cho chúng tôi gọi bằng Cha, nhưng chữ Bác, Cha Cố dùng với chúng tôi qua thư từ hoặc trò chuyện. Khi anh lớn tôi lập gia đình, chị dâu tôi chào bác bằng Cha, Cha Cố mỉm cười nói “ Hình như con chưa nhận họ”. Tình nghĩa gia đình là con đường bác xây dựng ơn gọi dâng hiến cho nhiều con cháu chúng tôi.
PV. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha và xin chúc mừng cùng cầu nguyện cho Cha Cố Phêrô đặc biệt nhân dịp trọng đại này.
Gioan Lê Quang Vinh