Kính mến gửi đến quý anh chị em một bài đã có trong các tài liệu PT từ lâu, tác giả là anh Nguyễn Đức Tuyên một Cursillista lão thành. Nay có lẽ vẫn còn thời sự, kính mời quý anh chị đọc lại trước khi lên đường đi La Vang. - Ernest Marco Lương Huỳnh Ngân.
Nguyễn Đức Tuyên
Hành hương là dấu hiệu biểu tỏ tấm lòng người môn đệ của Đức Ki-tô và đã luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống người Ki-tô hữu. Theo dòng lịch sử, người Ki-tô hữu đã lên đường để cử hành đức tin của minh ở những nơi gợi nhắc về Chúa hay những nơi biểu thị những giai đoạn quan trọng trong lịch sử Giáo Hội. Người tín hữu đến tận những đền thánh tôn kính Đức Mẹ và những đền thánh lưu giữ kí ức sống động về gương sáng các thánh nhân. Cuộc hành hương viếng mộ thánh Giacôbê tại thành phố Santiago de Compostella của các thành viên Công giáo Tiến hành tại Mallorca, Tây Ban Nha, đã đem lại Đặc sủng Sáng lập và nguồn hứng khởi phát sinh Phong Trào Cursillo 50 năm về trước. Dưới mọi khía cạnh của nó, hành hương đã luôn luôn là một hồng ân diệu kỳ đối với Giáo Hội và dân Chúa.
Trong xã hội đương thời, hành hương có thêm một đà mới và mục vụ hành hương cần có một căn bản thần học rõ ràng minh xác để biến hành hương thành một kinh nghiệm đức tin sâu sắc và chân thực để mọi người có thể chia sẻ một cách trọn vẹn hơn những kho tàng thiêng liêng của hành hương.
Theo dõi trình thuật của Kinh Thánh, trải suốt hàng ngàn vạn năm, ta thấy hiển hiện những dấu chỉ cuộc hành hương của Adam, được đánh dấu bởi việc sinh ra từ bàn tay Thiên Chúa, bởi việc ông đi vào thế giới thụ tạo và bởi cuộc lữ thứ của ông sai mục tiêu là nơi thánh, kết quả là xa cách vườn Địa Đàng. Hành trình cũng có thể được biến đổi thành một hành trình hoán cải và trở về. Cain lang thang, nhưng sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa canh chừng, theo dõi và bảo vệ chàng. Thánh Vịnh 56, 9 viết : "Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi lại tất cả vào sổ sách?" Người Cha già tràn trề yêu thương theo dõi con đường lạc lõng của người con trai hoang đàng trong tội lỗi. Chính nhờ sức thu hút thần linh đó mà mỗi khúc quanh lạc lối có thể biến thành một con đường trở về và hoan lạc đối với mọi người.
Vậy là có lịch sử hành hương phổ quát, bao gồm những chặng ảm đạm, đường khúc khuỷu. Nhưng cũng là cuộc trở về, hoán cải, trên hành trình cuộc đời, con đường của công chính và bình an, chân lý và trung thành, trọn hảo và nguyên tuyền.
Hành hương của Abraham trái lại, là chính tiến trình của lịch sử cứu độ mà ông đã tiến bước một cách tin tưởng cậy trông hướng tới chân trời Chúa đã chỉ, như thư Do thái nhắc lại với chúng ta : "Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ lĩnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại đất hứa như tại nơi đất khách. . . , vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng . . “.
Về sau có cuộc đại hành hương Xuất Hành của con cái Israel do Maisen dẫn đầu. Những chặng đường như đi trong sa mạc, thử thách, những cám dỗ, tội lỗi, vào đất hứa…, trở thành mô hình mẫu mực cho chính lịch sử cứu độ. Chính Thiên Chúa là lữ khách cùng với dân của Người. "Giavê Thiên Chúa của ngươi... đã canh giữ đường đi nước bước của người trong sa mạc".
Người tín hữu cầu nguyện tiến lên trước mặt Thiên Chúa như "một người ngụ cư và một khách hành hương". Các Thánh Vịnh được viết suốt hàng ngàn năm lịch sử Israel chứng thực là, thông qua lời cầu nguyện, nhận thức lịch sử và thần học của hành trình mà cộng đoàn và cá nhân trải qua, biến thành một dấu chỉ của hi vọng. "Nào! Ta tiến lên Sion, tiến về Giavê Thiên Chúa của ta".
Đức Giêsu đi vào lịch sử như "Đường, Sự Thật, Sự Sống" và ngay từ đầu, Người đã đi vào hành trình của nhân loại và của dân tộc mình. Người "đi xuống", để nên "nhục thể" và để đặt mình trên hành trình của loài người. Trong cuộc Nhập Thể, "chính Thiên Chúa dích thân đến nói về mình cho con người và chỉ cho họ con đuờng giúp họ đi thấu tới Người" (NNTB, số 6). Ngay khi còn bé thơ, Đức Giêsu đã hành hương lên đền thờ trên núi Sion, để được tiến dâng cho Thiên Chúa; đến tuổi thiếu niên, cùng với Đức Maria và Giuse, Người đi đến "nhà của Cha". Sứ vụ công khai của Người, sứ vụ thực hiện trên những nẻo đường quê hương Người, dần dà mang khía cạnh một cuộc hành hương tiến về Giêrusalem, mà thánh Luca định nghĩa là một chuyến đi lớn lao có mục tiêu không những thập giá, mà cả vinh quang Phục Sinh và Lên Trời.
Cộng đoàn Ki-tô hữu được linh hoạt hóa bởi Thần Khí ngày Hiện xuống, xuất hành trên những nẻo đường thế giới, rảo qua những quốc gia khác nhau trên địa cầu. Bên cạnh họ, có Đức Ki-tô cùng sánh bước; như với hai môn đệ Emmaus chiều nào, Người giải thích Kinh Thánh cho họ và chia sẻ với họ bánh Thánh Thể.
Tuy nhiên, cái đích tối hậu của cuộc hành hương trên những nẻo đường thế gian này lại không hiển hiện ở trên một bản đồ thế giới. Nó ở bên kia chân trời chúng ta, như trường hợp Đức Ki-tô, Nguời từng tiến buớc cùng với loài người nhằm hướng dẫn họ tới hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Điều ý nghĩa cần lưu ý là "hành trình" của Chúa Ki-tô là con đường chính Người đã rảo qua và hiện lúc này Người đang rảo qua với chúng ta. Như thế, cuộc hành hương của chúng ta có một cứu cánh siêu việt, bởi chúng ta có ý thức mình ở dưới thế này là những "khách ngoại bang và khách trọ", nhưng được tiền định là những đồng bào của các thánh trên trời. . . của nhà Thiên Chúa "
Hiệp thông với Chúa Ki-tô, Giáo Hội là dân thời cứu độ, cũng đang trên đường hướng về đô thành tương lai và trường cửu, vượt trên các thời đại và các biên giới và hoàn toàn nhằm thẳng Vương quốc, mà sự hiện diện của Vương quốc này hiện đang hành động trong mọi nước trần gian.
Trên hành trình nội tâm từ ánh sáng tới ánh sáng, trên những lời gọi mời của Đức Ki-tô "hãy nên trọn hảo như Cha chúng ta là Đấng trọn hảo", hiển hiện hình ảnh một cuộc hành hương đặc biệt được truyền thống linh đạo Byzantin ưa thích: đó là khía cạnh "xuất thần". Việc thần hóa con người còn là mục tiêu cao cả của một cuộc hành trình tâm linh, đặt người tín hữu ở chính nơi con tim Thiên Chúa; bằng cách đó hiện thực hóa lời Thánh Phaolô : "Tôi đã được đóng đinh với Đức Ki-tô; và không còn là tôi sống nữa, nhưng chính Đức Ki-tô sống trong tôi". Đối với ngài "Sống là Đức Ki-tô ".
Công Đồng Vatican II đã biểu thị qua một Năm Toàn Xá ngoại lệ cử hành trong các giáo phận địa phương - trong khung cảnh biểu tượng của một cuộc đại hành hương chung của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Khía cạnh này đã được biểu đạt qua một số cử chỉ tượng trưng, như cử chỉ của hai vị Giáo hoàng lữ hành là Gioan XXIII tại Lôrêta vào đầu Công Đồng (1962) và Phaolô VI tại Đất Thánh ngay giữa những khóa họp của Công Đồng, rồi tại Đại Hội Đồng Liên Hợp quốc và tại Bombay.
Kể từ biến cố Công Đồng, Giáo Hội đã sống kinh nghiệm lữ hành của mình không những là trong việc canh tân, trong việc rao giảng Tin Mừng, trong sự dấn thân vì hòa bình, mà còn ngang qua vô vàn chứng từ của Huấn Quyền Giáo Hội, cách riêng vào dịp những năm toàn xá. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tự đặt mình thành người hành hương trong thế giới: Ngài là vị rao giảng Tin Mừng số một của hai thập kỉ vừa qua. Thông qua hành trình tông đồ và giáo huấn của mình, ngài đã hướng dẫn và thôi thúc toàn Giáo Hội tự chuẩn bị trong năm năm - 2 năm chuẩn bị xa, 3 năm chuẩn bị gần - cho ngàn năm thứ ba.
Một mục tiêu căn bản của cuộc hành hương lịch sử hiện nay phải nhẹ phần không gian mà nghiêng hơn về phần nội tâm và sức sống, như thể để khôi phục lại những giá trị lớn lao của năm toàn xá trong Kinh Thánh. Khi vang lên tiếng kèn đánh dấu giờ khắc đó ở Israel, những người nô lệ được trả lại tự do, nợ nần được thanh toán, để mọi người có thể lấy lại phẩm giá nhân vị và tình liên đới xã hội. Mặt đất cung cấp những hoa lợi cho mọi nguời, nhắc nhở rằng nguồn gốc của nó là Đấng Tạo Hóa mà "những kết quả công việc Người làm cho mặt đất no nê". Phải như thế mới nảy sinh một cộng đoàn huynh đệ hơn, giống như cộng đoàn Jêrusalem xưa :"Tất thảy mọi tín hữu đều để mọi sự làm của chung, họ bán của họ có, lấy tiền chia sẻ cho mọi người tùy nhu cầu".
Một số cuộc "hành hương phổ quát" mang một ý nghĩa đặc thù. Người Ki-tô hữu phải trở thành người xứ Samarita trên đường từ Jêrusalem đi Jêricho, sẵn sàng cứu giúp và đồng hành với người anh em mình đi tới quán trọ của tình bác ái huynh đệ và chung sống liên đới. Chúng ta có thể được hướng dẫn tới nền "linh đạo lữ hành" đó, nhờ sự hiểu biết, lắng nghe và sự chia sẻ kinh nghiệm của "người hè phố".
Đó là ý nghĩa của Ơn Toàn Xá khoan dung ló dạng đàng chân trời ngàn năm thứ ba; mục tiêu là nhằm tới sự tạo lập một xã hội loài người công bình hơn, trong đó, những nợ nần công của các dân tộc đang phát triển cần được xóa bỏ và ở đó người ta sẽ thực hiện một sự tái phân chia công bình những của cải địa cầu trong tinh thần của giáo huấn Kinh Thánh .
Mỗi Ki-tô hữu được mời gọi gia nhập và tham dự cuộc hành hương vĩ đại mà Đức Ki-tô, Giáo Hội và loài người đã thực hiện và còn phải tiếp tục thực hiện trong lịch sử. Đền thánh mà họ hướng tới, hơn lúc nào hết, phải trở thành "lều hội ngộ"với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với anh chị em. Thật vậy, có một cuộc gặp gỡ căn bản, cho thấy nhiều chiều kích khác nhau và mang nhiều khía cạnh sâu xa. Chính từ hàng loạt vô vàn khía cạnh đó mà chúng ta có thể xác định một mục vụ hành hương:
Đền thánh là lều hội ngộ trong việc hòa giải vì chính đây là chỗ lương tâm người lữ hành được đánh động, chính đây là chỗ họ thú nhận tội lỗi mình, chính đây là chỗ họ được tha thứ và họ tha thứ, chính đây là chỗ họ trở thành một thụ tạo mới nhờ Bí tích Hòa giải, chính đây là chỗ họ cảm nhận ân sủng và lòng khoan dung của Chúa. Như thế, hành hương tái hiện kinh nghiệm của người con trai hoang đàng trong tội lỗi, nhận biết gian lao của thử thách và thống hối, khi dấn thân cả trong những vất vả của đường trường, trong chay tịnh, và cả trong hi sinh hãm mình.
Cuộc hành hương dẫn tới một đền thánh phải là một hành trình hoán cải, được nâng đỡ bởi niềm hi vọng chắc chắn ở tính thẳm sâu và mạnh mẽ của ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho; một hành trình hoán cải "là thành phần cấu thành thâm sâu nhất của cuộc hành hương của mọi người trên trần thế, trong tình trạng đi đường"
Mục tiêu của hành hương phải là lều hội ngộ Thánh Thể gặp gỡ Đức Ki-tô. Nếu Kinh Thánh là cuốn sách hành hương ưu việt, thì Thánh Thể là bánh nuôi dưỡng trên đường ta đi. Việc giao hòa với Thiên Chúa và với anh em kết thúc ở việc cử hành Thánh Thể.
Hành hương cũng là lều hội ngộ với đức ái. Một đức ái mà trước hết là đức ái của Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương trước tiên, khi gửi Con mình đến thế gian. Lòng yêu thương đó không chỉ bày tỏ qua việc ban tặng Đức Ki-tô làm của lễ đền tội chúng ta, mà còn qua những dấu lạ phục hồi và yên ủi, như Đức Ki-tô đã làm trong cuộc hành trình trần thế của Người và như việc đó tái diễn trong lịch sử các đền thánh.
Sau cùng, hành hương là đường đưa vào lều hội ngộ với Đức Maria, Mẹ Chúa. Nơi Mẹ, người ta găp lại cuộc hành hương của Ngôi Lời đến với nhân loại và cuộc hành hương của niềm tin nhân loại. Cung lòng Mẹ từng là đền thánh thứ nhất, lều hội ngộ giữa Thiên Chúa và nhân loại trên đó Thánh Linh đã ngự xuống và "uy quyền Đấng Tối Cao đã phủ bóng".
Nguời Ki-tô hữu lên đường với Mẹ Maria trên những nẻo đường tình yêu, theo gót Elisabeth là hiện thân của những chị em, những anh em trần gian, và cùng họ thiết lập một mối dây đức tin và ca ngợi. Lúc đó bài Magnificat trở thành bài ca tuyệt hảo cảm tạ Thiên Chúa, không những của cuộc hành hương của Đức Maria, mà cả cuộc hành hương của chúng ta trong hi vọng. Hành hương tượng trưng niềm hi vọng của con người trên đường dương thế, con ngưòi lữ hành. Con người này vừa mới lọt lòng mẹ đã tiến bước trên đường thời gian và không gian của kiếp sống mình.
Sau hết, đối với chúng ta, những người Cursillistas, hành hương chính là cơ hội đón nhận những cơn mưa hoa hồng từ trời cao đổ xuống, nhưng lại không phải là cơ hội mua nước thiên đàng một cách máy móc, nếu không thực sự canh tân, thực hành bác ái và nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng.
Mục tử nhân hậu Tv 22(23)
1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
3 và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.