1. ĐỊNH NGHĨA THẾ NÀO LÀ PHÚC ÂM HÓA?
Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng đến cho mọi tầng lớp trong nhân loại, và qua ảnh hưởng của Tin Mừng đem cho ta kết quả là biến đổi và canh tân nhân loại.
Nói cách khác Phúc Âm hóa là rao giảng Tin Mừng và khuyến khích mọi người cùng thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời nhắm vào việc cải hóa lương tâm mỗi người, từng cá nhân và toàn thể, cải hóa các hoạt động và môi trường cụ thể của họ.
Phúc Âm hóa (Evangelization) không đồng nghĩa với Truyền giáo (Mission), vì Truyền giáo hướng trọn ven vào một số đối tượng rõ ràng, trong khi đó Phúc Âm hóa nhắm đồng đều vào mọi người, mọi nơi và mọi lúc.
2. MÔI TRƯỜNG LÀ GÌ VÀ Ở ĐÂU?
Môi Trường (environment) là nơi mà ta đang sống, đang sinh hoạt hoặc đang làm việc...
Những môi trường mà ta có sự liên hệ hoặc nhắm tới bao gồm: môi trường gia đình, nhóm, đoàn thể, giáo xứ, cộng đoàn, sở làm, truyền thông, giáo dục, xã hội, v.v...
3. BA LÃNH VỰC CẦN PHÚC ÂM HÓA
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã vach ra cả ba lãnh vực đều cần Phúc Âm hóa đó là: Có đức tin, mất đức tin và không có đức tin (sứ điệp thứ 9 - Sứ Mạng Đấng Cứu Chuộc, 1991)
a) Những người có đức tin: Công tác Phúc Âm hóa trước hết giúp cho những người đã là tín hữu để làm cho niềm tin của họ được vững vàng hơn.
b) Những ngươi mất đức tin: Thứ hai là cho những người đã mất đức tin, họ cần được “Tân Phúc Âm hóa”, tức là làm cho người đã từng là Công giáo nhưng đã xa rời Chúa trở lại với Chúa Kitô.
c) Những người không có đức tin: Lãnh vực thứ ba, chúng ta cần chú tâm đặc biệt đến những người không Công Giáo, bởi vì nếu không lưu tâm đến họ thì công tác Phúc Âm hóa trở thành không tưởng.
4. NHỮNG YẾU TỐ PHÚC ÂM HÓA THEO THỨ TỰ TIẾN TRÌNH
Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô cũng đã đề ra những yếu tố Phúc Âm hóa theo thứ tự tiến trình như sau:
a. Yếu tố 1: Chứng Nhân – Với danh xưng “Chứng Nhân”, người môn đệ Chúa cần sống đức tin một cách có ý thức, lấy Tin Mừng chiếu soi mọi tâm tư và cuộc sống của mình. Và do đó qua cuộc sống thường nhật, qua lời nói và việc làm của người môn đệ Chúa, người khác có thể nhận ra Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh của chúng ta (Go & Preach, P.104)
b. Yếu tố 2: Tuyên Xưng Tiên Khởi. - Công tác Phúc Âm hóa ta phải luôn liên kết trực tiếp với Chúa Kitô, nếu không sẽ không có Phúc Âm hóa chân thực. Cụ thể, ta hãy tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống cùng với lời giáo huấn, cuộc đời, lời hứa nơi nước Thiên đàng và mầu nhiệm của Ngài (PAH, số 22).
c. Yếu tố 3: Cải Đổi - Công tác Phúc Âm hóa cần nhắm đến sự cải đổi. Cải đổi tức là sửa đổi lại lối sống sao cho phù hợp với Phúc âm của Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy cởi bỏ kiều sống xưa kia, con người cũ đã ra hư hỏng buông theo những đam mê lầm lạc... Hãy mặc lấy người mới được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa...” (Ep 4, 22-24).
d. Yếu tố 4: Chịu Phép Thanh Tẩy -Trong công tác Phúc Âm hóa, yếu tố này giúp cho những người ngoài Công giáo khi bắt đầu có niềm tin, có sự cải đổi sống theo Tin Mừng, ta cần khuyến khích họ gặp tu sĩ, linh mục để được chịu phép Thanh Tẩy.
e. Yếu tố 5: Gia nhập Giáo Hội Địa Phương và Cộng Đồng Kitô Hữu.
Yếu tố sau cùng trong công tác Phúc Âm hóa là khuyến khích người tân tòng cũng như những người được Tân Phúc âm hóa gia nhập Giáo hội địa phương (Giáo xứ, Cộng đoàn) và Cộng đồng Kitô hữu. (nhóm tôn vương, cầu nguyện, đoàn thể, phong trào v.v...) để đời sống Kitô hữu của họ được triển nở và vững vàng hơn.
5. NGƯỜI CURSILLISTA LÀM SAO CÓ THỂ PHÚC ÂM HÓA MÔI TRƯỜNG ?
a. Tự trang bị: - Bằng cách sống điều căn bản là Kitô hữu trong cuộc sống của người rao giảng, cụ thể là ta không thể cho người khác cái mà ta không có.
b. Là muối là men: - Sau khóa Ba ngày ta trở thành Cursillista và ta cần sống kết hợp với Chúa cùng lãnh những ân sủng của Ngài. Tuy nhiên đôi khi ta cần tự hỏi mình rằng muối của ta còn mặn không và đèn ta có còn sáng không?
c. Hòa mình vào trong các sinh hoạt của môi trường, làm nồng cốt cho các hoạt động của môi trường.
d. Khi hoạt động không nên mang danh nghĩa Cursillo: hướng vào mục tiêu chung của Phong trào, chú trọng vào chiều sâu hơn là hình thức bên ngoài..
e. Ta ý thức rằng Phúc Âm hóa là việc làm có tính cách trường kỳ thiết yếu trong mọi nơi và mọi lúc, mỗi người đều được mời gọi nhận lãnh sứ mệnh rao truyền Phúc Âm và không ai được quyền từ chối, vì “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm” (1Cor 9,16)
6. TẬP THỂ CURSILLO LÀ TIỀM NĂNG LỚN TRONG VIỆC PHÚC ÂM HÓA MÔI TRƯỜNG
Trong thông điệp Đại Hội Ultreya Thế Giới kỳ 3 tại Roma năm 2000, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “... phương pháp Cursillo nhằm giúp đỡ cải đổi theo cách thức Kitô giáo tất cả những môi trường có người sinh sống và làm việc cho sự dấn thân hoạt động của những người mới, nam cũng như nữ, mà có được như thế là nhờ họ đã tìm gặp Chúa Kitô”. (Go and Preach, P.118).
Đức Thánh Cha đã có ý nói về một sự thay đổi, một sự thay đổi trong con người Cursillista và nhờ vậy sẽ có sự biến đổi của toàn thể xã hội.
Tuy nhiên, muốn đạt được tiềm năng lớn trong công tác Phúc Âm hóa môi trường, Cursilista chúng ta cần nắm vững những điểm cốt yếu của Phong Trào, vì Phong trào thuộc về Giáo Hội.
Theo Linh Mục Frank Salmani trong sách “Những Người Môn Đệ Chúa Sai Đi” ngài nhấn mạnh về một Phong Trào Cursillo đích thực cần phải có những yếu tố chính yếu như sau:
- Điểm chính yếu thứ nhất: Không có Chúa Tình Yêu, không có Cursillo. Không có mối thâm tình giữa chúng ta với Chúa Giêsu, không có đời sống Kitô hữu đích thực thì mọi sự chúng ta nói hay làm đều là giả dối. Chúng ta phải tin nhũng điều chúng ta sống và sống điều chúng ta tin.
- Điểm chính yếu thứ 2: Chúng ta phải thân thiết với môi trường cũng như thế giới ta đang sống để có thể biến đổi những môi trường ấy trở thành những cộng đồng Kitô hữu (Go & Preach, P.120).
- Điểm chính yếu thứ 3: Chúng ta cần có sự hoán cải liên tục, bởi vì không có thể đạt ngay tột đỉnh của sự hoán cải trong một lần duy nhất, sự hoán cải cần phải được thực hiện từng bước, giúp chúng ta trưởng thành một cách sâu đậm hơn trong mối quan hệ giữa ta với Thiên Chúa.
- Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Mỗi ngày Phúc Âm Hóa lại trí óc và quả tim con, bằng cách đọc, suy gẫm say sưa uống lấy lời hằng sống, để từ tư Phúc Âm thấm nhuần sâu xa vào mọi tế bào, mọi thớ thịt của con. Đó là canh tân, cách mạng chắc chắn nhất (ĐHV Tr.251).
Người Cursillista chúng ta cần học hỏi Lời Chúa và chọn cho mình một vài câu Kinh Thánh mà có thể đã đánh động mình hầu làm kim chỉ nam cho cuộc sống ngày thứ Tư.
Ngoài ra mỗi Cursillista đều có bổn phận quan tâm xây dựng Phong Trào cho được tốt đẹp hơn bằng cách phát huy những điểm tích cực và giảm thiều tối đa những điều tiêu cực trong Phong Trào để Phong trào của chúng ta ngày càng được vững mạnh hơn, hầu phục vụ Chúa qua mọi người.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại Phúc Âm Hóa Môi Trường là đem Tin Mừng cho mọi tầng lớp trong nhân loại, và qua ảnh hưởng của Tin Mừng đem cho ta kết quả là biến đổi và canh tân nhân loại. Công tác Phúc Âm hóa nhằm vào mọi lớp người trong cả ba lãnh vực: có đức tin, mất đức tin và đặc biệt những người không có đức tin.
Vấn đề cần cho nỗ lực Phúc Âm hóa là sống điều căn bản là Kitô hữu trong cuộc sống của người Cursillista. Ta nên nhớ những yếu tố Phúc Âm hóa theo thứ tự tiến trình: Chứng nhân, tuyên xưng tiên khởi, cải đổi, chịu phép thanh tẩy, và gia nhập giáo hội địa phương cũng như cộng đoàn Kitô hữu.
Mục tiêu của Phong Trào Cursillo không chỉ đơn giản là canh tân Giáo hội mà là biến cải thế giới, để có thể Phúc Âm hóa môi trường, người Cursillista cần tự trang bị cho mình, là muối là men và hòa mình trong các sinh hoạt của môi trường để thay đổi môi trường.
Trong Phúc Âm hóa không có vấn đề thành công hay thất bại, chỉ có sự thất bại là ta đã chẳng làm gì cả, còn việc thành công hay thất bại là tùy thuộc vào Chúa. Như trên đã nói, công tác Phúc Âm hóa được minh định là sứ mạng căn bản của Giáo hội và cũng là của Phong Trào Cursillo. Mỗi người được mời gọi riêng trong công tác Phúc Âm hóa Môi trường và không ai được quyền từ chối vì “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng cứu độ (1Cor:9,16).
Tài Liệu Tham Khảo:
1) GO and PREACH – The Mission of The Cursillo Movement.
16th Asia Pacific Encounter of the Cursillo 10-13 Oct.2002, Sydney, Australia
2) ĐƯỜNG VÀO HY VỌNG Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, 1991, New York, USA
3) PHONG TRÀO CURSILLO TIẾN VÀO THẾ KỶ 21 Nguyễn Văn Tuyên, 2001, California, USA
Tài liệu sưu tầm
(Trích http://www.cursillo-online.org/)