Tân Phúc Âm hóa đời sống Giáo xứ

 
TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ

BẰNG CÁCH XÂY DỰNG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỚI

Kết quả hình ảnh cho tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ

I. VÀO ĐỀ

Trong kỳ họp thường niên cuối năm 2014 tại Nha Trang, Hội đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã chọn việc “tân phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn thánh hiến” làm đường hướng mục vụ cho toàn Giáo Hội Việt Nam trong năm 2015. Và HĐGMVN đã mời gọi các linh mục, tu sĩ và giáo dân chiêm ngắm cộng đoàn tín hữu đầu tiên trong Sách Công vụ Tông đồ (Cv 2,42-47; 4,32-35) để rút ra những bài học cho việc canh tân đổi mới (tức tân phúc âm hóa) đời sống cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn thánh hiến của mình.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cộng đoàn tín hữu đầu tiên là cộng đoàn hiệp thông sâu sắc, phong phú và hiệu quả. Nói thế, tuy rất đúng, nhưng quá cao siêu, trừu tượng và khó hiểu. Chúng ta có thể nói một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành hơn là: cộng đoàn tín hữu đầu tiên là cộng đoàn có các mối tương quan chiều dọc và chiều ngang rất tốt đẹp. Tương quan chiều đọc là tương quan của cộng đoàn với Thiên Chúa. Tương quan chiều ngang là tương quan của cộng đoàn với nhau và với người xung quanh.

Từ các mối tương quan tốt đẹp ấy của cộng đoàn tín hữu đầu tiên, chúng ta rút ra được những gợi ý cho việc xây dựng các mối tương quan trong giáo xứ của chúng ta ngày nay, để tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ theo định hướng mục vụ của HĐGHVN.

II. TRÌNH BÀY

2.1SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ TƯỜNG THUẬT THẾ NÀO VỀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU ĐẦU TIÊN VÀ TƯỜNG THUẬT Ở NHỮNG CHƯƠNG NÀO?

2.1.1 Tường thuật 1 (Cv 2.42.47): 42 Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

43 Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.

44 Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. 45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.

46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.  47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. 

2.1.2 Tường thuật 2 (Cv 4,32-35): 32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.

33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.

2.2 NĂM ĐẶC ĐIỂM CỦA CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU ĐẦU TIÊN TRONG TƯỜNG THUẬT CỦA SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ.

Cộng đoàn tìn hữu đầu tiên có 5 đặc điểm sau đây:

* Một là lắng nghe Lời Chúa qua lời giảng dậy của các Tông đồ [ĐỜI SỐNG LỜI CHÚA].

** Hai là không ngừng cầu nguyện, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa [ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN].

*** Ba là siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh tức Thánh Lễ Mi-sa [ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH PHỤNG VỤ].

**** Bốn là đồng tâm nhất trí, yêu thương, san sẻ [ĐỜI SỐNG HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG BÁC ÁI].

***** Năm là làm chứng cho Tin Mừng và lôi cuốn người khác vào đạo [ĐỜI SỐNG LÀM CHỨNG/TRUYỀN GIÁO].

2.3 TẠI SAO CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CHỌN LÀ MẪU/MÔ HÌNH CHO CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ?

có 2 lý do chính:

* Một là cộng đoàn tín hữu đầu tiên là cộng đoàn được chính các Tông đồ thiết lập và lãnh đạo, sau Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-13). Cộng đoàn ấy tràn đầy ơn sủng của Thánh Thần chẳng những nơi các Tông đồ, Kỳ mục mà cả nơi các tín hữu nữa.

* Hai là cộng đoàn tín hữu đầu tiên là cộng đoàn có đầy đủ các đặc điểm của một cộng đoàn môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô.

2.4AI LÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM LÀM CHO CÁC GIÁO XỨ NGÀY NAY NÊN GIỐNG CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU THỜI GIÁO HỘI SƠ KHAI?

Nói cách khác: Ai là người có trách nhiệm tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ?  Nói một cách khác nữa: Ai là người có trách nhiệm tạo cho giáo xứ các mối tương quan tốt?

Có hai cách trả lời tùy theo thời điểm trước hoặc sau Công đồng Vatican II (1962-1965):

* Trước Công đồng Vatican II người ta sẽ trả lời là: Đức Giám mục giáo phận và các linh mục chính/phó xứ là người có trách nhiệm làm cho giáo xứ chúng ta nên giống cộng đoàn tín hữu đầu tiên.

* Sau Công đồng Vatican II chúng ta phải trả lời là: sau [hay cùng với] Đức Tổng Giám mục giáo phận và các linh mục chính/phó xứ, tất cả mọi Ki-tô hữu giáo dân, đứng đầu là quý chức, là những người có trách nhiệm làm cho các giáo xứ ngày nay nên giống cộng đoàn tín hữu đầu tiên tức xây dựng các mối tương quan tốt cho/trong giáo xứ.

2.5LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÁO DÂN CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC CÁC MỐI TƯƠNG QUAN (CHIỀU DỌC + CHIỀU NGANG) TỐT?

- Trước hết và trên hết là mối tương quan của mỗi cá nhân và của cộng đoàn giáo xứ với Thiên Chúa. Đây là tương quan chiều dọc. Câu hỏi được đặt ra là:

2.5.1 LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÁO DÂN CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC MỐI TƯƠNG QUAN SÂU SẮC, MẬT THIẾT VỚI THIÊN CHÚA?

* Phương châm: “Vô tri bất mộ” - “Không biết thì phải học, phải tìm hiểu để biết”

* Một số việc cụ thể:

(1o) Học Giáo lý, Thần học, Cộng đồng Vatican II, Giáo huấn xã hội của Giáo hội..

(2o) Đọc/Học Thánh Kinh, Nghe giảng, Đọc bài giảng.

(3o) Chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ.

(4o) Cầu nguyện chung và riêng.

(5o) Tham dự và lãnh nhận các Bí tích.

(6o) Thực thi Ý Chúa (Lời Chúa), nhất là giới răn yêu thương.

- Kế đến là các mối tương quan chiều ngang. Vì có nhiều đối tượng khác nhau (với giám mục và linh mục, với người đồng đạo và với đồng bào) nên chúng ta phải đặt  nhiều câu hỏi khác nhau:

2.5.2 LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÁO DÂN CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC MỐI TƯƠNG QUAN TƯƠNG KÍNH, HỢP TÁC VỚI ĐỨC GIÁM MỤC VÀ CÁC LINH MỤC XỨ ?

Từ nền giáo dục đức tin công giáo và văn hóa dân tộc người giáo dân Việt Nam nào cũng hết lòng kính trọng, vâng lời các vị có quyền chức trong Giáo hội. Nhưng có một điều mà rất nhiều giáo dân chưa biết (vì chưa nghe nói đến bao giờ) là tài liệu của Công đồng Vatican II nói nhiều đến trách nhiệm của hàng giáo phẩm và giáo sĩ đối với giáo dân hơn là của hàng giáo dân đối với hàng giáo phẩm và giáo sĩ. Chúng ta hãy đọc số 37 của Hiến Chế Giáo Hội và số 9 của Sắc lệnh Đời sống và Chức vụ linh mục.

a) Với hàng giáo phẩm, giáo dân có

[Tham khảo HC Lumen Gentium, số  37]

(1o) QUYỀN được các chủ chăn ban phát dồi dào ơn trợ lực từ Bí tích và Lời Chúa.

(2o) QUYỀN được bày tò khát vọng và nhu cầu chính đáng. 

(3o) KHẢ NĂNG và NGHĨA VỤ nói lên suy nghĩ của mình về những gì liên quan tới Giáo hội.

(4o) BỔN PHẬN tuần theo những chỉ thị của hàng giáo phẩm.  

b) Với giáo dân, hàng giáo phẩm

[Tham khảo HC Lumen Gentium, số  37]

(1o) Phải NHÌN NHẬN và NÂNG CAO phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân.

(2o) Nên CHẤP NHẬN những ý kiến khôn ngoan của giáo dân.

(3o) Nên KHUYẾN KHÍCH giáo dân lãnh lấy trách nhiệm.

 (c) Với giáo dân, các linh mục phải

[Tham khảo SL/Presbyterorum Ordinis, số  9]

(1o) Chân thành NHÌN NHẬN và THĂNG TIẾN phẩm giá giáo dân.

(2o) Chân thành KÍNH TRỌNG sự tự do chính đáng trong lãnh vực trần thế của giáo dân.

(3o) Phải sẵn lòng LẮNG NGHE giáo dân.

(4o) Phải lấy TINH THẦN ĐỨC TIN khám phá các đoàn sủng nơi giáo dân.

(5o) Đặc biệt LƯU TÂM đến những ơn lôi kéo người khác sống thánh thiện. 

(6o) Phải biết TIN TƯỞNG và GIAO PHÓ cho giáo dân trách nhiệm phục vụ Hội thánh để cho họ được tự do và có điều kiện hoạt động và KHUYẾN KHÍCH họ có sáng kiến mà hành động.

(d) Với các linh mục,  giáo dân phải

[Tham khảo ý kiến một nhà thần học Mỹ,

linh mục tiến sĩ Herchel H. Sheets]

Linh mục tiến sĩ Herchel H. Sheets trong bài viết “If I were a local Church Lay Leader” (Nếu tôi là một giáo dân lãnh đạo tại Giáo hội địa phương) đã nêu lên 6 điều giáo dân lãnh đạo nên làm đối với các linh mục. Tôi xin mượn gợi ý của ngài và mở rộng cho mọi giáo dân. 6 điều đó là :

(1o) Cố gắng ủng hộ cha xứ/phó hết mình và nếu có thể sẽ trở nên bạn thân của cha xứ/phó.

(2o) Tìm cách thể hiện sự thông cảm và lòng chân thành trong tương quan với cha xứ/phó.

(3o) Cầu nguyện và dấn thân xây dựng sự trưởng thành tình cảm và tâm linh của bản thân, giúp mình thoát khỏi những điều nhỏ nhen ti tiện.

(4o) Cẩn trọng trong lời nói của mình. [Wiesel nói rằng: “những vị hiền triết xưa kia tuyên bố rằng người ta mất ba năm để học nói và mất bảy muơi năm để học im lặng.”]

(5o) Xa lánh thái độ bi quan như xa lánh dịch hạch.

(6o) Tìm cách có được và gìn giữ một cái nhìn bao quát trên đời sống giáo xứ mình.

2.5.3 LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÁO DÂN CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC MỐI TƯƠNG QUAN THÂN ÁI, ĐOÀN KẾT VỚI NHAU GIỮA GIÁO DÂN TRONG GIÁO XỨ ?

* Phương châm: “Không ai cho cái mình không có”

“Đức tin không việc làm là đức tin chết”]

* Một số việc cụ thể:

(1o) Tránh NÓI HÀNH NÓI XẤU nhau/ Tập NGHĨ/NÓI TỐT về nhau.

(2o) TÔN TRỌNG ý kiến, quan điểm của nhau.

(3o) THĂM HỎI -  GIÚP ĐỠ - KHÍCH LỆ lẫn nhau.

(4o) CÙNG NHAU lo cho người khác, lo cho cộng đồng (vd xóa đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường, chăm sóc người cô đơn, tật nguyền, trẻ mồ côi v.v…).

2.5.4 LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÁO DÂN CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC MỐI TƯƠNG QUAN THÂN THIỆN, GẦN GŨI VỚI LƯƠNG DÂN XUNG QUANH?

* Một số việc cụ thể:

(1o) Cầu nguyện và hỗ trợ công cuộc Truyền Giáo.

(2o) Sống Lời Chúa trong đời sống cá nhân và cộng đoàn.

(3o) Đào tạo nhân sự Truyền giáo (Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ -  Giáo Lý Viên – Hội viên các Hội đòan).

(4o) Có những dự án Truyền Giáo cụ thể cho từng nhóm người, cho từng năm..

(5º) Tận dụng mọi cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng và lôi cuốn người khác vào đạo (lễ đạo, lễ đời, đám cưới, đám ma v.v…).  

III. TRAO ĐỔI/CHIA SẺ

3.1Ông/Bà Anh/Chị có cảm nghiệm, suy nghĩ, ý kiến, đề xuất gì khi nghe thuyết trình viên trình bày đề tài và các phát biểu của những người tham dự?

3.2Ông/Bà Anh/Chị thấy mình và các thành phần khác của giáo xứ phải thay đổi những gì và thay đổi như thế nào trong suy nghĩ cũng như hành động để tạo nên các mối tương quan mới trong giáo xứ ?

IV. KẾT LUẬN

Muốn tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ, mỗi giáo xứ phải xem giáo xứ mình cần làm những việc gì cơ bản nhất. Nhưng chắc chắn việc quan trọng nhất phải là việc nâng cao vai trò, địa vị và trách nhiệm của giáo dân. Nâng cao vai trò, địa vị và trách nhiệm giáo dân bằng các khóa học, các cuộc hội thảo và các buổi họp hành thảo luận bàn bạc.

Cũng có thể bằng cách canh tân việc tổ chức phân công trong điều hành những công việc chung của giáo xứ. Tất cả những việc ấy, các linh mục xứ và giáo dân trong xứ đều phải chung tay mới thành.  

Trong chiều hướng ấy phong cách lãnh đạo được nhấn mạnh và nêu cao trong Giáo hội ngày nay là lãnh đạo hợp tác (colloborative leadership), lãnh đạo tôi tớ (servant leadership), là cùng lãnh đạo hay đồng trách nhiệm (co-responsible leadership).

Sàigòn ngày 13/03/2015

[Kỷ niệm ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng được 2 năm]

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com