“Cha lại đi thêm một quãng đường,,,”, những lời Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết cách đây hơn 30 năm, lúc ngài mới bị đưa đến quản thúc tại giáo xứ Cây Vông, giờ đây nếu đọc lại, chúng ta sẽ thấy đây là lời tiên tri về cuộc đời của ngài:
”Cha lại đi thêm một quãng đường,
Chông gai, mịt mù và vô định,
Trên đường Cha gặp lắm lữ khách,
Cha đã xem tất cả là bạn,
Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu,
Vì tất cả là hồng ân.”
Tóm lược tiểu sử
ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928–2002) là một Hồng y của Giáo hội Công giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Công giáo Rôma. Ngài nói thông thạo bảy ngôn ngữ: Pháp, Anh, Ý, Ðức, Latinh, Nga, Trung Quốc.
Ngài sinh ngày 17 tháng 04 năm 1928 tại Huế trong một gia đình có truyền thống Công giáo, từng chịu tử đạo trong thế kỉ XVII.
Năm 1953, ngài được thụ phong linh mục do Giám mục Tông Toà Giáo phận Huế Jean-Baptiste Urrutia Thi chủ phong. Tháng 4 năm 1967, linh mục Phanxicô Xaviê Thuận được Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Chánh toà Giáo phận Nha Trang, kế vị Giám mục Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi.
Ngày 23 tháng 4 năm 1975, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó của Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ngài tạm hoãn về Sài Gòn, đến ngày 7 tháng 5 mới về để nhận nhiệm vụ mới. Ngày 1 tháng 7 năm 1975, chính quyền yêu cầu Giám mục Nguyễn Văn Thuận trở về chức vụ cũ tại giáo phận Nha Trang như trước đây. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, ngài bị bắt, bị tù và cải tạo suốt 13 năm.
Năm 1989 ngài được phép xuất ngoại sang Úc thăm cha mẹ, sau đó sang Roma gặp Giáo hoàng. Quay trở về Việt Nam, tháng 11 cùng năm, ngài mắc bệnh viêm tiền liệt tuyến, đã được nhập viện Bệnh viện Việt Đức Hà Nội và được giải phẫu, nhưng bệnh tình nặng, nên đi Roma tiếp tục điều trị. Ngài đến Roma tháng 4 năm 1990. Trong khi đang được điều trị bệnh tại Roma, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố ngài không còn được trở lại Việt Nam.
Năm 1994, ngài từ chức Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Năm 1998, Hồng y Roger Etchegaray về hưu, ngài đảm nhận chức vụ Chủ tịch, khiến ngài trở thành người Công giáo Việt Nam nhận chức vụ cao nhất trong Giáo hội Công giáo Rôma từ trước đến nay.
Tháng 1 năm 2001, Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn ngài làm hồng y, và theo các báo quốc tế, ngài cũng được đánh giá là ứng cử viên sáng giá kế vị giáo hoàng Gioan Phaolô II già yếu. Ngày 16 tháng 9 năm 2002, vì bị ung thư tiền liệt tuyến, ngài qua đời tại Rôma.
Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Giáo hội Công giáo Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho ngài.
Ngày 05 tháng 07 năm 2013, người Công giáo Việt Nam tưng bừng tổ chức lễ bế mạc của các giai đoạn giáo phận của tiến trình phong chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Mặc dù ngài chưa được phong thánh, các tín hữu Việt Nam đã coi ngài là một vị thánh và xem ngài như một biểu tượng của Giáo hội Việt Nam.
Thiếu thời
Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928 tại Phủ Cam, Huế. Ngài là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em, cha ngài là ông Tađêô Nguyễn Văn Ấm qua đời vào ngày 01 tháng 7 năm 1993 tại Sydney, Australia, mẹ ngài là bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp. Đây là một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời, tổ tiên của ngài từng chịu bách hại vì đạo.
Từ khi còn nhỏ, ngài đã được giáo dục đức tin bởi người mẹ gương mẫu của mình. Mỗi buổi tối, bà kể chuyện cho con trai mình qua Kinh thánh và những vị tử đạo của Việt Nam, đặc biệt là của tổ tiên mình. Bà giới thiệu ngài với gương Thánh Têrêsa thành Lisieux, dạy ngài cách yêu thương, tha thứ, và yêu mến quê hương Việt Nam.
Ngài tin rằng Thánh Thể là sức mạnh và sức sống dưỡng nuôi nhân loại vì nhờ Thánh Thể mà người ta được kết hiệp thường xuyên với Thiên Chúa. Điều này ngài có được từ thiếu thời. Mẹ ngài kể lại chuyện chị cả của bà mắc bệnh lao và qua đời tại Huế. Lúc ấy, lao là một chứng nan y vì thế không một giúp lễ nào theo cha xứ đi trao Mình thánh cho dì. Thế mà ngài lại tự nguyện hăm hở đi theo vị Linh mục Chánh xứ già nua lội bộ tới nhà dì cả sau mỗi buổi tan trường. Ngài giúp đỡ chăm nom cho đến ngày dì qua đời.
Tu Tập & Linh mục
Năm lên 12 tuổi, vào tháng 08 năm 1940, ngài gia nhập Tiểu chủng viện An Ninh, tại Cửa Tùng, Quảng Trị, sau đó, theo học triết và thần học tại Đại chủng viện Kim Long, Huế.
Ngày 11 tháng 6 năm 1953, thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được thụ phong linh mục tại Nhà thờ chính tòa Phủ Cam, do Giám mục Jean-Baptiste Urrutia Thi (thuộc MEP) - Giám mục Đại diện Tông Tòa Huế làm chủ phong.
Sau khi được chịu chức, Tân linh mục được cử đến Giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, làm phụ tá cho linh mục Đa Minh Hoàng Văn Tâm. Sau đó, được chuyển đến Giáo xứ Phanxicô Xaviê - Huế, làm phụ tá cho Linh mục Richard Barbon, tên Việt là Triết. Sau một vài tháng tại giáo xứ Phanxicô Xaviê, Giám mục Urrutia lại bổ nhiệm Linh mục Thuận làm tuyên úy của Viện Pellerin, Bệnh viện Trung ương, và các nhà tù tỉnh. Linh mục Thuận tình nguyện làm tuyên úy cho nhà tù, nhà thương, trại cùi.
Từ năm 1956 đến năm 1959, ngài đi du học tại Phân khoa Giáo luật thuộc Ðại học Giáo hoàng Urbaniana, Roma. Ngài hoàn thành việc học với văn bằng tiến sĩ Giáo luật qua việc bảo vệ xuất sắc luận án: “Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo” ( "Tổ chức Tuyên úy Quân đội trên thế giới"). Trong thời gian du học, ngài có dịp tiếp xúc, sinh hoạt với các phong trào Ðạo Binh Ðức Mẹ, Hướng Ðạo, Cursillos, Focolare. Các phong trào này ảnh hưởng đến đường lối hoạt động của ngài sau này.
Trở về nước, năm 1960, Linh mục Phanxicô Xaviê Thuận được cử làm giáo sư Tiểu Chủng viện Huế. Trong thời gian ngắn, ngài khởi Công xây cất cơ sở mới và thành lập Tiểu chủng viện Hoan Thiện ở ngay thành phố Huế, cạnh trường Thiên Hữu.
Từ năm 1962, ngài làm Giám đốc Tiểu chủng viện Hoan Thiện.
Năm 1964, khi mới 36 tuổi, Tổng giám mục Huế Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục chọn ngài làm Linh mục Tổng Đại diện Tổng giáo phận Huế cho đến năm 1967.
Giám mục.
Ngày 13 tháng 4 năm 1967, linh mục Phanxicô Xaviê Thuận được Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Chánh toà Giáo phận Nha Trang người Việt Nam tiên khởi, thay thế Giám mục Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi (thuộc MEP). Ngày 24 tháng 6 năm 1967, vào lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, ngài được tấn phong giám mục bởi Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas, cùng với hai Giám mục khác là Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Philípphê Nguyễn Kim Điền và Giám mục Jean-Baptiste Urrutia (Thi) - Nguyên Tổng giám mục Hiệu toà Isauropolis, Giám quản giáo phận phận Huế là phụ phong. Khẩu hiệu của ngài là: Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy vọng), tên của Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vaticanô II.
Ngày 10 tháng 7 năm 1967, ngài về nhận Giáo phận Nha Trang. Trong 8 năm làm giám mục tại đây, ngài rất thành Công trong việc phát triển Giáo phận, ngài chú trọng việc đào tạo nhân sự, gia tăng con số các Đại chủng sinh từ 42 lên 147, số Tiểu chủng sinh cũng gia tăng từ 200 lên đến 500, học trong 4 Tiểu chủng viện. Ngài tổ chức các khóa thường huấn linh mục cho sáu giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế, ngài thành lập và phát triển các hội đoàn giáo dân, phong trào Công Giáo tiến hành như: Phong trào Công lý và Hòa bình, Cursillo, Focolare, Hướng đạo, Cộng đoàn La vang, Tu hội Hy Vọng. Ngài cho phổ biến nhiều thư với các chủ đề: Tỉnh thức và cầu nguyện vào năm 1968; Vững mạnh trong Ðức tin để Tiến bước trong An bình, năm 1969; Công lý và Hòa bình, năm 1970; Sứ vụ Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta, năm 1971; Kỷ niệm 300 năm vào năm 1971; Năm Thánh Canh tân và Hòa giải, năm 1973.
Năm 1970, nhân kỷ niệm 300 năm Giám mục Lambert de la Motte (phiên âm tên Việt là Lâm Bích) đến Giáo phận Nha Trang, Giám mục Nguyễn Văn Thuận đã sáng lập Chủng viện Truyền giáo Lâm Bích.
Tham gia Hội Ðồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam, ngài đảm nhận những nhiệm vụ: Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình; Chủ tịch Ủy Ban Truyền thông xã hội; Chủ tịch Ủy Ban Phát triển Việt Nam; Phụ trách Ủy ban Di dân; Cộng tác trong việc thành lập Ðài Phát thanh Chân Lý Á Châu. Từ năm 1971-1975, ngài được chọn làm Cố vấn Hội Ðồng Giáo hoàng về Giáo dân; Ngài cũng được bổ nhiệm làm Cố vấn và thành viên của Thánh Bộ Truyền giáo; Thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích.
Ngày 24 tháng 4 năm 1975, ÐGH Phaolô VI đã bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Xaviê làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị, Hiệu tòa Vadesi. Vâng lời Đức Thánh Cha, ngày mùng 7 tháng 5 năm 1975, Đức Tân Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê rời Giáo phận Nha Trang, đến nhận nhiệm vụ mới tại Sài Gòn. Nhưng ngài đã bị ngăn trở và không thể thi hành nhiệm vụ được Tòa Thánh trao phó cho đến khi ngài chính thức từ chức Tổng Giám mục Sài Gòn vào ngày 24 tháng 11 năm 1994. Trước đó, vào ngày mùng 9 tháng 4 năm 1994, ĐGH Gioan-Phaolô II đã bổ nhiệm ĐTGM Phanxicô Xaviê vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.
Trong suốt thời gian bị “Cản Tòa” từ năm 1975 đến năm 1994, ĐTGM Phanxicô Xaviê đã phải trải qua 13 năm bị giam cầm. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Vị Mục tử của Tổng Giáo phận Sài Gòn bị bắt cho đến ngày 21 tháng 11 năm 1988, nhằm lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ, ngài mới được ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội. Chính trong thời gian bị giam cầm, ngài đã biên soạn quyển sách rất nổi tiếng, sách: “Đường Hy Vọng”, tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Trong tù, ngài vẫn cử hành thánh lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ngài, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử. Với những thứ đó, mỗi ngày ngài dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Bí tích Thánh Thể (thánh lễ). Buổi tối, khi ngài và các tù nhân khác phải đi ngủ, họ nằm sát nhau để cử hành thánh lễ, sau đó lén chuyền Thánh Thể cho nhau qua các tấm màn chống muỗi. Họ dùng bao thuốc lá để cất giữ Thánh Thể.
Viết sách trong thời gian quản chế
Ngày 16 tháng 8 năm 1975, một ngày sau khi bị bắt, ngài bắt đầu viết cuốn Năm chiếc bánh và hai con cá. Cùng viết song song với cuốn Năm chiếc bánh và hai con cá là cuốn Đường hy vọng với 1001 câu suy niệm ngắn gọn để giúp giáo dân sống đạo một cách kiên vững trong hoàn cảnh mới của đất nước - cuốn sách được đánh giá là một di chúc tinh thần xúc động đối với nhiều người Công giáo Việt Nam. Đến năm 1986 thì mới cơ bản hoàn thành cuốn sách. Năm 1997, ngài viết lời mở đầu cho cuốn sách này.
Sau này, Hồng y Roger Etchegaray cho biết Hồng y Thuận đã kể lại cho ngài nghe khoảng thời gian viết quyển sách Đường hy vọng:
Một buổi sáng tháng mười năm 1975, tôi ra dấu cho một cậu bé 7 tuổi tên là Quang, đi dự lễ 5 giờ về, khi trời chưa sáng: “Con nói với mẹ mua cho cha mấy bloc lịch cũ!” Chiều tối, khi mặt trời bắt đầu lặn, Quang đem lại cho tôi các cuốn lịch bloc. Từ khi ấy, trong tháng mười và tháng mười một năm 1975, hằng đêm tôi viết cho dân tôi thngài điệp từ cảnh tù đầy. Mỗi sáng, đứa bé tới lấy các tờ lịch, đem về nhà cho các anh chị chép lại thngài điệp…
Trong thời gian quản chế ở Giang Xá, cách Hà Nội 17 cây số, từ 1978 đến 1982, ngài cũng đã viết thêm hai cuốn sách với chủ đề hy vọng. Ðó là cuốn Ðường Hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa và Cộng đồng Vatican II và cuốn Những người lữ hành trên Ðường Hy vọng. Những năm biệt giam sau đó, ngài đã viết khoảng 400 bài suy niệm bằng tiếng ngoại quốc để thành tập "Cầu nguyện Hy vọng".
Ngày 21 tháng 9 năm 1991, ĐTGM Phanxicô Xaviê rời Việt Nam và không bao giờ có dịp quay trở lại quê hương nữa.
Công việc tại Giáo triều
Tại Vatican, ngài được mời làm thành viên Ủy ban Quốc tế về Di trú và Di dân. Ngày 9 tháng 4 năm 1994, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cũng trong thời gian này ngài từ chức Tổng Giám mục phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (mặc dù ngài không được chính quyền Việt Nam công nhận nhưng trên lý thuyết ngài vẫn được Công nhận bởi Tòa Thánh cho đến ngày từ chức).
Trong Mùa Chay năm 2000, ngài đã nhận được lời mời từ Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời ngài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo triều Vatican, vào lúc bắt đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Trong Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 tháng 03 đến 18 tháng 03 năm 2000, ngài giảng tĩnh tâm cho Giáo hoàng và các thành viên Giáo triều Rôma. Những bài giảng của ngài được in thành sách Chứng nhân Hy Vọng. Khi Giáo hoàng gặp ngài trong buổi triều yết riêng và cho ngài một chén thánh, Hồng y Thuận cho biết: 24 năm trước, tôi cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay của tôi, tôi sẽ không bao giờ có nghĩ ngày hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ cho tôi một chén mạ vàng. Chúa của chúng tôi là rất nhân lành và do đó là tình yêu của Người.
Chiều ngày 20 tháng 8 năm 2000, ngày bế mạc ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ XV tại Roma, ngài đã tiếp đón hai Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, giám mục Chánh toà Giáo phận Thái Bình, chủ tịch Ủy ban phụ trách Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Chánh toà Giáo phận Phát Diệm, cùng phái đoàn Việt nam tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại nhà của ngài. Trong cuộc gặp, ngài cũng mời một số linh mục hiện làm việc tại Roma, trong đó có Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền Giáo, và Ðức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, phụ trách cộng đồng Công giáo Hải ngoại.
Các giải thưởng
Ngày 11 tháng 5 năm 1996 ngài được nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại Đại Chủng Viện Notre Dame ở New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế cho Hồng y Roger Etchegaray nghỉ hưu.
Ngài được tặng thưởng nhiều huân chương do bởi đời sống chứng tá và các hoạt động xây dựng Công lý và hòa bình: Ngày 9 tháng 6 năm 1999, tại Tòa Đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh, Chính phủ Pháp đã trao tặng ngài huy chương “Commandeur de l’Ordre National du Mérite”.
Ngày 12 tháng 12 năm 2000, tại Tòa Thị chính Rôma, Hiệp hội “Cùng nhau xây dựng hòa bình” đã trao tặng Huy chương vinh danh ngài. Ngày 20 tháng 10 năm 2001, tại Torino, ngài được trao tặng Huy Chương Hòa bình do tổ chức SERMIG - Hiệp hội Truyền giáo của giới trẻ. Ngày 9 tháng 12 năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu G. Donati cũng đã trao tặng ngài Giải thưởng Hòa bình năm 2001.
Vinh thăng hồng y
Công bố
Ngày 21 tháng 1 năm 2001, Giáo hoàng Gioan Phaolô II Công bố tuyển chọn ngài vào Hồng y đoàn, tước hiệu Hồng y linh mục nhà thờ Santa Maria della Scala. Do không thể quay về Việt Nam nên ngài tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình ở Vatican với tư cách hồng y bậc phó tế, nên ngài là hồng y bậc phó tế đầu tiên người Việt Nam và là hồng y thứ 4 Việt Nam. Ngày 21 tháng 2 năm 2002 lễ nhận mũ hồng y của ngài được tổ chức.
Cũng được vinh thăng hồng y cùng ngài đợt này còn có các Giám mục từ các nơi như: Hồng y Jorge Mario Bergoglio người Argentina - sau này là Giáo hoàng Phanxicô; Hồng y Louis-Marie Bille tại Lyon, Pháp; Hồng y Ivan Dias tại Bombay, Ấn Ðộ,...
Huy hiệu
Huy hiệu Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, có khẩu hiệu Latinh nghĩa là: "Vui mừng và hi vọng"
Huy hiệu của ngài có nền màu xanh dương với ngôi sao trắng tượng trưng cho Đức Maria là ngôi Sao Biển. Ngôi sao dẫn đường cho những con thuyền trong cuộc du hành từ đời này cho đến vĩnh cửu. Mười khúc tre tượng trưng cho 10 điều răn. Tre là một biểu tượng Á Châu cho người quân tử. Nổi bật trên màu xanh và ngôi sao là ba ngọn núi biểu tượng của đại dương và lục địa. Ba ngọn núi còn là biểu trưng cho ba miền Việt Nam: Bắc, Trung, và Nam. Núi và biển cả cũng còn tượng trưng cho Nha Trang, là Giáo phận ngài làm Giám mục chính tòa.
Khẩu hiệu bằng tiếng La Tinh GAUDIUM ET SPES, nghĩa là "Vui mừng và hy vọng" cũng là nhan đề của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay, được Công đồng Chung Vaticanô II ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965, ngày cuối cùng trước khi bế mạc Công Ðồng kéo dài 3 năm 2 tháng này (11 tháng 10 năm 1962 đến ngày 8 tháng 12 năm 1965). Cùng với Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội Ánh Sáng Muôn Dân - " Lumen Gentium", qua Công Ðồng này, Giáo hội đã hoàn toàn muốn canh tân chính mình để có thể thực sự phản ánh Dung Nhan Chúa Kitô, trong sứ vụ Muối Ðất Men Bột của mình, ở một thế giới càng văn minh về vật chất và nhân bản lại càng có dấu hiệu và triệu chứng phá sản đức tin cũng như băng hoại luân lý.
Huy hiệu của Hồng y Thuận không những nói lên mục tiêu mà ngài đặt ra cho mình để theo đuổi suốt phần đời còn lại, mà còn là tất cả những gì ngài đã sống và làm việc, là gắn bó với Đức Maria, với đức tin của mình, với Giáo hội mà không tách khỏi quê hương và dân tộc Việt Nam.
Qua đời
6 giờ chiều ngày 16 tháng 9 năm 2002, ngài qua đời tại Roma do bệnh ung thư ruột. Thánh lễ an táng ngài được chính Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành trọng thể vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002, với 4.000 người tham dự, trong đó có 4 hồng y và 130 giám mục cùng với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Trong thánh lễ, Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận xét ngài:
Trong lúc chào vĩnh biệt Người Sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, đến độ tử đạo. […] ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là “chọn một mình Chúa mà thôi” như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người “Tin Mừng Hy Vọng” và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. [...] Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.
10 năm sau khi ngài được an táng tại nghĩa trang Verano, di hài ngài đã được cải táng về Nhà thờ hiệu tòa của ngài, Nhà thờ Đức Mẹ Scala, ở trung tâm Roma sáng ngày 8 tháng 6 năm 2012.
Ở Tu viện Celittinen, Koeln, bây giờ có căn phòng dành riêng lưu giữ những hình ảnh cùng kỷ vật của ngài, và cũng tại nhà Dòng này ngài đã sống trải qua nhiều ngày năm tháng lúc còn sinh thời, nhất là đã dâng thánh lễ Misa với nhà Dòng tại nhà nguyện tu viện.
Mở án phong chân phước
Kinh xin ơn
Ngày 16 tháng 9 năm 2007, giám mục Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình viết kinh xin ơn ngài:
Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời, là Cha và Con và Thánh Thần, con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh gương chứng tá anh dũng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận.
Kinh nghiệm khổ đau trong ngục tù, được ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh, dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria, đã rèn luyện ngài nên một chứng nhân sáng ngời cho Hội Thánh và toàn thế giới, về sự hiệp nhất và tha thứ, cũng như về Công lý và hòa bình.
Con người dễ thương mến cùng với sứ vụ mục tử giám mục của ngài tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin, nhiệt tâm của niềm hy vọng và sức sống nồng ấm của đức ái.
Giờ đây, nhờ lời bầu cử của ngài và theo thánh ý Chúa, xin Chúa ban cho con được ơn đang cầu khẩn, với niềm hy vọng thấy ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ. Amen!
Thủ tục phong chân phước
Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Giáo hội Công giáo Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho ngài. Cùng ngày, từ dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, trong buổi triều yết, Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói:
Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. ĐHY Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngài đã soạn thảo bản Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của ngài.
Chúng ta tưởng nhớ ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta hồi tưởng lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho ngài luôn sống động và ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người.
Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng, ngài phổ biến niềm Hy Vọng cho tất cả những ai ngài gặp gỡ. [...] Đức Cố Hồng Y Phanxicô thường nhắc lại rằng: Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc âm. [...]
Và Giáo hoàng Biển Đức kết thúc: Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hy vọng Kitô này và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của ngài, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em.
Đây là lần đầu tiên có một người Việt Nam được khởi sự án phong chân phước mà không phải là Thánh tử đạo. Theo tiến trình phong thánh của Giáo hội Công giáo Rôma thì Hồng y Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa (một trong bốn bậc phong thánh: Tôi tớ Chúa, Đấng Đáng kính, Chân phước, Hiển Thánh). Ngày 16 tháng 1 năm 2009, Tòa giám quản Rôma ban Án lệnh chính thức để vận động thu thập những chứng cứ, tài liệu, tác phẩm của về ngài để phục vụ cho án phong chân phước.
Chính thức mở án phong Chân phước và Hiển Thánh
Vào sáng ngày 22 tháng 10 năm 2010, Hồng y Peter Turkson, chủ sự lễ cầu nguyện cho ngài tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Tham dự thánh lễ có các thành viên thuộc Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, các Hồng y, Giám mục, linh mục, thân nhân, bạn hữu của Hồng y Thuận. Tiếp đến, vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, tại Phòng Hòa Giải trong Dinh Laterano ở Roma, một phiên họp chính thức mở cuộc điều tra án phong Chân phước và phong thánh cho ngài. Nghi thức bắt đầu bằng một bài Thánh ca, sau đó là việc đọc biên bản. Tiếp đến, Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Rôma tuyên bố chính thức mở Án điều tra.
Kết thúc giai đoạn phong Chân phước tại Giáo phận
Ngày 05 tháng 07 năm 2013, người Công giáo Việt Nam tưng bừng tổ chức lễ bế mạc của các giai đoạn giáo phận của tiến trình phong chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Mặc dù ngài chưa được phong thánh, các tín hữu Việt Nam đã coi ngài là một vị thánh và xem ngài như một biểu tượng của Giáo hội Việt Nam.
Thánh bộ Vatican sẽ xem xét hồ sơ và nếu mọi việc thuận lợi thì ngài có thể sẽ được phong Chân phước, và sau đó cũng có thể được phong Thánh. Jean-Marie Schmitz, chủ tịch hiệp hội Bạn hữu Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cho biết có ba phép lạ được xem là của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong đó có một nữ tu bị mù đã được sáng mắt.
Những câu nói
“Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu.”
—"Năm chiếc bánh và hai con cá"- Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận
“Con có một Tổ Quốc: Việt Nam. Quê hương yêu quý ngàn đời. Con hãnh diện. Con vui sướng. Con yêu non sông gấm vóc. Con yêu lịch sử vẻ vang.”
—"Năm chiếc bánh và hai con cá"- Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận
“Đồng tiền nếu bạn đặt dưới chân sẽ là bệ đỡ còn nếu bạn đặt trên đầu nó sẽ là gánh nặng”
—"Đường Hy Vọng"- Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận
“Thất bại lớn nhất của đời người là mất niềm hy vọng”
—Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận
Tác phẩm
Đường hy vọng (1975)
Đường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Đồng Vaticano II (1979)
Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng (1980)
Năm chiếc bánh và hai con cá (1975 - 1986)
Cầu nguyện
Hãy trao tặng tuổi trẻ nụ cười
Đức Cố Hồng y Phanxico Nguyễn Văn Thuận và lịch sử Phong trào Cursillo Việt Nam.
- Ngay sau khi Tòa Thánh ban hành thánh Công đồng Vatican II, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã rất quan tâm đến Phong trào Cursillo. Năm 1967, sau khi tham dự 1 khóa Cursillo tại Philippines, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận đã khởi xướng việc hình thành Phong trào Cursillo tại VN, cách riêng trong giáo phận Nha Trang, mỗi năm Ngài mở 2 khóa (xem cuốn Cha Tôi)
- Khóa tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại Tu viện Bêthania thuộc Tổng giáo phận Sài-gòn vào ngày 27/01/1967 do Tôi Tá Chúa - Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đứng ra tổ chức. Ngày 09/02/1967, khóa II cũng được tổ chức tại Bêthania. Từ đây, Phong Trào Cursillo bắt đầu lan rộng khắp miền Nam. Tiếp theo sau Sài Gòn và Xuân Lộc là 5 giáo phận Cần Thơ – Nha Trang – Long Xuyên – Vĩnh Long – Huế… lần lượt mở Khóa. Tính đến 30-4-1975, Phong trào Cursillo đã có mặt tại 7 giáo phận với con số trên hai ngàn cursillistas, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, xã hội thời bấy giờ.
- Sài Gòn: 27/1/1967 (không rõ có bao nhiêu khóa)
- Cần Thơ: 07/8/1969 (có khoảng 13 khóa)
- Nha Trang: 20/11/1969 (không rõ có bao nhiêu khóa)
- Long Xuyên: 19/02/1970 (không rõ có bao nhiêu khóa)
- Vĩnh Long: 01/6/1972 (không rõ có bao nhiêu khóa)
- Huế: 26/7/1973 (không or4 có bao nhiêu khóa)
- Xuân Lộc 14.12.1967 (có khoảng 23 khóa)
Sau 32 năm gián đoạn, Phong trào Cursillo tại Việt Nam tái khởi động từ năm 2006 tại giáo phận Vinh do quý cha và quý anh chị cursillista hải ngoại gốc quê hương giáo phận Vinh. Đức Ông Vinh sơn, Tổng Đại Diện GP Xuân Lộc, sau khi dự Khóa #451 tại Hoa Kỳ năm 2006, ngài đã gặp gỡ anh Giuse Nguyễn Đức Tuyên, một cursillista có lòng nhiệt tâm với Giáo Hội và PT Việt Nam, nhân chuyến về thăm quê hương cuối năm 2006 để gợi ý mở Khóa. Khi về Hoa Kỳ, anh đã kết nối một số anh chị cursillista tại Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu nhằm giúp Xuân Lộc tái mở Khóa vào năm 2007. Tiếp theo, năm 2009 là Sài Gòn và Phú Cường, năm 2010 là Nha Trang... Như vết dầu loang, các Khóa Cursillo lần lượt được mở tại các giáo phận khác. Sau 8 năm hoạt động, Phong trào Cursillo đã thực sự hồi sinh và phát triển tại 14 giáo phận: Long Xuyên, Cần Thơ, Mỹ Tho, Sài Gòn, Phú Cường, Xuân Lộc, Ban Mê Thuột, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Bắc Ninh, Hà Nội, Huế và Phát Diệm. Tổng số cursillistas trên toàn Việt Nam tính đến tháng 8/2015 ước lượng khoảng 3.650 cursillistas.
Tổng hợp.