Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT III TN - C (Lc1, 1-4, 4, 14-21) 24-01-2016

Alleluia, alleluia!

- Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó,
loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. - Alleluia.

-----------------

"Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta

.2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta.

3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài,

4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

4,14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.

15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.

17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,

19 công bố một năm hồng ân của Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.

21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. »

 

Chúng ta được biết rất ít chung quanh cách viết Thánh Kinh như thế nào, đặc biệt về thời gian nào, nhưng những câu đầu bài hôm nay giúp chúng ta vài chi tiết chính xác. Chắc chắn đã có những bài giảng trước đó rồi, trước khi Tin Mừng được viết ra, vì thánh Lu-ca nói với ông Thê-ô-phi-lô, bài này giúp ông có thể «soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta». Thánh Lu-ca cũng nhìn nhận không được chứng kiến tận mắt, điều này làm cho chúng ta hiểu hai người còn sống lúc ấy. Những dữ kiện này cho phép chúng ta đoán biết rằng việc rao giảng về sự Phục Sinh của Chúa bắt đầu khi Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và Tin Mừng theo thánh Lu-ca được viết sau đó, dù sao cũng trước khi các chứng nhân trực tiếp chết. Điều này giúp chúng ta suy ra khoảng năm 80-90 sau CN.

Sau những lời tựa ấy, thánh Lu-ca viết ngay bài tường thuật «vững chắc» (Lc 1, 4) những gì xảy ra. Chúng ta cũng đã đọc nhiều đoạn trong Mùa Vọng và chung quanh Lễ Giáng Sinh. Bài chúng ta đọc hôm nay, là sau khi Chúa chịu phép Rửa và các cám dỗ trong sa mạc. Câu sau cùng của bài tường thuật đó là: «13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ» (Lc 4, 13). Kế sau đó là bài chúng ta đọc: «4, 14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.»

Dường như mọi sự đều tốt đẹp cho Người mới đi rao giảng. Nhưng không được bao lâu đâu, chúng ta sẽ thấy ngay tuần sau. Nhưng trong lúc chờ đợi, hôm nay mọi người khen ngợi Ngài. Sáng nay mọi sự xảy ra đều tốt đẹp: Đấng Giê-su là một công dân Do Thái tốt, như mọi người vừa đi xa về, vào tham dự lễ trong đền thờ sáng Thứ Bảy như những người Do Thái tốt lành.

Và cũng tự nhiên thôi, khi được chọn đọc sách thánh. Mọi giáo dân đều có quyền đọc Sách Thánh. Buổi lễ trong đền được diễn ra như thường lệ…cho đến lúc Chúa Giê-su đọc đoạn sách I-sa-i-a mọi người đều thuộc, và phá tan sự thinh lặng sốt sắng sau bài đọc, Ngài thản nhiên tuyên bố một điều «động trời» «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.». Có lẽ mọi người bắt đầu thinh lặng thời gian ngắn để hiểu Ngài nói gì. Chúng ta khó tưởng tượng sự táo bạo của lời tuyên bố có vẻ bình thản của Chúa, vì đối với những người đương thời, bài đáng kính ấy của I-sa-i-a dành cho đấng Mê-si-a.

Có lẽ chúng ta cũng nên nhớ lại việc chờ đợi đấng Mê-si-a diễn biến như thế nào trong dân It-ra-en. Khởi đầu, chữ Mê-si-a (Mê-si-a theo tiếng Do Thái, Ki-tô theo tiếng Hy-lạp, đồng nghĩa với nhau) có nghĩa là kẻ được xức dầu, chữ Mê-si-a có nghĩa là vua, vì vua được xức dầu ngày được phong vương. Sự xức dầu ấy là dấu chỉ của sự hiện diện Thánh Thần Chúa được ban cho để chu toàn sứ vụ cứu độ dân chúng.

Từ đó ý nghĩa chữ Mê-si-a tiến triển dần. Từ ngữ này có hai nghĩa: đấng được Thánh Thần Chúa ngự trị, và cũng là đấng có sứ vụ dẫn dắt và cứu độ dân của Chúa. Hai ý nghĩa ấy đầu tiên được áp dụng cho vua, nhưng không chỉ cho vua, vì vua không phải là kẻ duy nhất có sứ vụ ấy. Dân chúng ý thức rằng, các kinh sư cũng có sứ vụ dẫn dắt và cứu độ dân chúng, các ngôn sứ cũng thế. Vì những lẽ đó, sau này người ta áp dụng chữ Mê-si-a cho một người, rõ ràng được Thánh Thần Chúa ngự, mặc dù trong thực tế không được «xức dầu».

Đó là trường hợp các tiên tri. Thông thường các tiên tri không được xức dầu, chỉ trừ Ê-li-dê (1V 19, 16), nhưng Thánh Thần Chúa ngự trong họ. Trong thời Chúa Giê-su, người ta chờ đợi đấng Mê-si-a vừa là vua vừa là tiên tri được Thánh Thần Chúa ngự hoàn toàn. Vì thế khi Chúa Giê-su quả quyết: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe…18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.». Ngài nói trắng ra, tôi là đấng Mê-si-a, mọi người chờ đợi. Dĩ nhiên ai nấy ngạc nhiên. Ông ấy là tiên tri chăng?, Có thể; sau này sẽ rõ, bây giờ mọi người có thiện cảm. Nhưng vua, thì không phải rồi! Mọi người chờ đợi một đấng Mê-si-a - Vua vinh hiển. Xứ Pa-lét-tin lúc bấy giờ bị quân Rô-ma chiếm, mọi người chờ đợi một đấng đến để giải phóng khỏi người Rô-ma. Đó là điều họ mong ở đấng cứu độ, cấp bách nhất, đó lạ sự cứu độ chính trị. Đấng Mê-si-a vinh thắng, nơi Giê-su một thanh niên của đất này, con ông thợ mộc, không thể nào được, ít ra bề ngoài như thế.

Chúa Giê-su không ngớt làm cho người đương thời ngạc nhiên: Ngài là đấng Mê-si-a nhưng khác hẳn với đấng mọi người trông đợi. Thánh Lu-ca, để giúp độc giả, ngay từ đầu đã cẩn thận nói ngay là ngài đã nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc của Chúa. Hơn nữa ngài đã lưu ý độc giả rằng, Chúa Giê-su được sức mạnh Thánh Thần Chúa đồng hành, đó là đặc tính của đấng Mê-si-a.

Điều sau cùng cần chú ý về Tin Mừng này. Bài I-sa-ia Chúa đọc và gán cho Mình vang lên như một bài tuyên bố chương trình của Mình: «18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức». Đấy là tác động của Thánh Thần Chúa trên những người Ngài ngự trị. Lắm lúc chúng ta tìm những tiêu chuẩn nhận định, thì đây những điều trên đây dành cho chúng ta. Những gì nói cho Chúa Ki-tô, có thể áp dụng cho những người đă nhận được phép Thêm Sức như chúng ta, dĩ nhiên trong chừng mực khiêm nhường hơn.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com