"Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.
13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
14 Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi.
15 Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.
16 Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.
17 Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?
18 Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn.
19 Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được?
20 Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.
21 Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày."
22 Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất;
23 và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết.
24 Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn.
25 Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau.
26 Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.
27 Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận.
28 Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.
29 Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ,
30 ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?
Có thể nói cách khác, người nào việc nấy, nhưng hãy coi chừng, đừng hiểu lầm nhau. Bất cứ ai cũng cần đến người khác. Thánh Phao-lô triển khai đề tài này rất dài, ít ra ngài chứng tỏ một điều: Cộng đồng tín hữu Cô-rin-tô cũng có những vấn nạn giống hệt như chúng ta ngày nay. Để cho các tín hữu một bài học, thánh nhân dùng một phương pháp hiệu quả hơn tất cả những bài thuyết trình: Ngài đề nghị họ so sánh.
Thật ra, ngài không hoàn toàn sáng tác ra, nhưng ngài làm tốt hơn: Thánh Phao-lô dựa vào một bài ngụ ngôn thời ấy ai cũng biết và ngài cải biên lại cho hợp với mục tiêu. Bài ngụ ngôn này được lưu truyền thời Chúa Ki-tô, mang đề tựa: «Ngụ ngôn các chi thể và dạ dày». Như mọi bài ngụ ngôn, bài này cũng bắt đầu bằng «Một ngày kia» có một người như mọi người…nhưng nơi người này, tất cả các chi thể, bộ phận biết nói, biết thảo luận với nhau! Nhưng, dĩ nhiên tất cả không phải ai cũng tốt tính . Có lẽ nhiều thành phần cảm thấy mình không được tôn trọng, bị lợi dụng ít nhiều.
Một hôm, chân và tay phản đối với dạ dày, bởi vì dạ dày chỉ biết ăn biết uống những gì tứ chi cung cấp…Tất cả những gì sung sướng dành cho nó, không phải từ nó làm việc mệt nhọc, trồng tỉa vườn nho, đi mua sắm, thái thịt và mọi thứ …không thể kể hết. Ngày nọ mọi người quyết định đình công. Kể từ nay không ai làm gì hết: cho dạ dày biết chuyện gì sẽ xảy ra! Nếu nó có chết đói, mặc kệ…Thế nhưng có một điều chúng quên đi: nếu dạ dày chết đói thì không phải chỉ một mình nó. Thân thể ấy như mọi thân thể, là một tổng thể, ai cũng cần đến một ai!
Vì thế, thánh Phao-lô phỏng lại từ truyện ấy, một bài giảng dễ hiểu trong thành phố văn hoá của thời ấy. Trong trường hợp có người không hiểu, ngài còn chịu khó giải thích bài ngụ ngôn thân thể và các chi thể. Tuần vừa qua- trong phần đầu chương 12- thư ngài viết như một biện luận về tính đa dạng. Bài hôm nay, ngài triển khai khía cạnh thứ hai: qua tính đa dạng, chúng ta mới thực hiện được sự hiệp nhất. Những khác biệt giữa chúng ta là một điều may mắn, nếu chúng ta biết xử dụng như những khí cụ của hiệp nhất. Chính I-sa-ia có một câu tuyệt vời: «7 Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng» (Is 52, 7). Chúng ta nên lấy đó làm mẫu gương! Nếu chúng ta chịu khó cố gắng một chút để khám phá, mỗi chúng ta cũng mang lại chút gì đặc biệt cho đời sống gia đình, cho sở làm hay bất cứ nhóm sinh hoạt nào của chúng ta, chúng ta sẽ ngạc nhiên lắm…Có những người có đầu óc, những nhà nghiên cứu, những người có tài sáng chế, những nhà tổ chức, có những người tháo vác…, có người biết lo xa,. …có người có tài nói năng, có người viết lách giỏi…có người…và danh sách có thể kéo dài vô tận. Trong chúng ta những ai có trải nghiệm các buổi họp thành công, những hợp tác sinh nhiều hoa trái, sẽ không thễ nào muốn thiếu vắng những cơ hội ấy nữa.
Một trong những điều đáng chú ý của bài này, là thánh Phao-lô không có lúc nào đề cập đến phẩm trật, cấp trên, cấp dưới! Do thái hay người ngoại, nô lệ hay người tự do, tất cả những sự phân biệt rất thế gian của chúng ta, không có giá trị gì nữa. Kể từ nay, chỉ có một điều là quan trọng: Phép Rửa Tội duy nhất trong Thần Khí, tham dự vào thân thể duy nhất đó là Thánh Thể Chúa Ki-tô. Những cách nhìn nhân tính, không còn giá trị nữa: xem xét những giá trị kẻ trên người, dưới nay hết rồi. Thiên Chúa nhìn khác hẳn, Chúa nói với các tông đồ: «43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy» (Mc 10, 43).Thế nhưng, khó mà không nói tới giai cấp, thứ bậc, tăng lương, vinh dự!
Trái lại, thánh Phao-lô nhấn mạnh, phải tôn trọng mọi người vì điều duy nhất có giá trị: một khi đã là một thành phần của chi thể bất khả phân ly của Chúa Ki-tô, đó là cấp bậc cao nhất.
Chữ tôn trọng ở đây phải được hiểu theo nghĩa gốc của nó, đó là cách nhìn. Có lúc những người có vẻ không quan trọng, chúng ta không ghé mắt nhìn họ. Ngược lại, có những lúc chúng ta cảm nhận rằng dưới mắt một ai đó, chúng ta không đáng kể với họ. Họ lướt mắt thoáng nhìn qua chúng ta mà dường như không thấy chúng ta! Hình như thánh Phao-lô cho chúng ta, nơi đây một bài học tuyệt vời về sự tôn trọng: tôn trọng tính đa dạng và tôn trọng phẩm giá một người không kể chức vụ của họ.
***