Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT III TN - C (Nkm 8, 2-4a.5-6.8-10) 24-01-2016

"Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc".

Trích sách Nơ-khe-mia.

 

2 Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn

.3 Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật.

4 Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. Bên cạnh ông, phía tay mặt, có các ông: Mát-tít-gia, Se-ma, A-na-gia, U-ri-gia, Khin-ki-gia và Ma-a-xê-gia; phía tay trái, có các ông: Pơ-đa-gia, Mi-sa-ên, Man-ki-gia, Kha-sum, Khát-bát-đa-na, Dơ-khác-gia và Mơ-su-lam.

5 Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy.

6 Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: "A-men! A-men! " Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy ĐỨC CHÚA.

8 Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc.

10 Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng: "Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của ĐỨC CHÚA là thành trì bảo vệ anh em."

 

Chúng ta không ai thích thánh lễ dài quá một giờ, nếu tham dự loại lễ này có lẽ chúng ta sẽ được «thoả mãn»! Đứng từ sáng sớm đến trưa! Tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ con, mọi người như một! Suốt buổi nghe các bài đọc bằng tiếng Do Thái cổ, không ai còn hiểu tiếng này. Cũng may, người đọc thỉnh thoảng dừng lại để có người thông dịch sang tiếng A-ram, là tiếng thông dụng tại Giê-ru-sa-lem thời ấy.

Dân chúng không có vẻ gì thấy thời gian quá dài: Trái lại nhiều người khóc vì xúc động và hát to, không ngớt đưa cao hai tay miệng hô «Amen». Thầy tư tế Ê-tra, và vị toàn quyền Nê-hê-mi-a, có thể hài lòng: họ đã thắng cuộc! Có thể nói sự thách đố này là làm sao đem lại lòng tin cho dân chúng, cho họ một tâm hồn. Lý do là họ đang trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Chúng ta đang ở Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 450 trước CN. Cuộc lưu đày Ba-by-lon đã chấm dứt, đền Giê-ru-sa-lem rồi cũng được xây lại (mặc dù không đẹp bằng thời vua Sa-lô-mon), cuộc sống đã khởi đầu lại. Từ xa nhìn có thể tưởng mọi việc đều trong quên lãng. Thế nhưng không ai có tinh thần. Dường như dân chúng mất lòng cậy trông, vốn xưa nay hằng có, như một đặc tính của Do Thái. Sự thật vì họ chưa được chữa lành khỏi những vết thương của các thảm kịch trong thế kỷ vừa qua. Thật ra, không dễ gì quên được cảnh đất nước bị xâm lăng, thành trì bị đổ nát…Nhiều thế kỷ sau vẫn còn mang như những vết thương chưa hẳn lành. Có những vết sẹo của chính cuộc lưu đày, và có những vết sẹo lúc trở về.

Khi bị lưu đày Ba-by-lon, bị mất tất cả, lúc trở về sau bao nhiêu năm ước mơ, cũng không có chi là thần diệu, chúng ta đã có dip biết điều này. Cũng nên đánh giá đúng mức sự tàn phá của cuộc lưu đày sang Ba-by-lon: Giê-ru-sa-lem bị quân của Na-bu-cô-đô-nô-so chiếm đóng, Đền thờ tuyệt vời, do vua Sa-lô-mon xây bị đốt phá, cướp của…. Dân chúng một phần tử vong, phần còn lại kiệt quệ bị bắt đi đày, chống cự không nổi sau một thời gian dài thành bị vây hãm… phải nói lời vĩnh biệt thành đô, không biết bao lâu nữa mới được gặp lại? Đất nước này mang lấy lời hứa của Thiên Chúa, đất Ngài chọn…chào vĩnh biệt Giê-ru-sa-lem…thế Chúa chúng ta ở đâu? Đền thánh là dấu chỉ của sự hiện diện Ngài giữa dân Ngài chọn. Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Ngài chăng? Dĩ nhiên là không, các ngôn sứ giúp khám phá ra Thiên Chúa không có biên giới và Ngài không bao giờ bỏ dân Ngài, nhất là lúc bị gian truân.

Đó là giai đoạn thật khủng khiếp nhưng cũng mang lại hoa trái: Lòng tin dân It-ra-en vẫn sống như một phép lạ sau những thử thách. Không những dân này còn giữ lòng tin nguyên vẹn giữa bầu khí thờ phượng bụt thần mà còn giữ nguyên thuỷ tính dân tộc của mình, đức tin sốt sắng, lớn lên nhờ các tư tế và các ngôn sứ không ngơi thực hiện mục vụ của mình. Ví dụ như những lúc năng đọc và suy niệm Sách Thánh. Một trong niềm hy vọng của họ, suốt năm mươi năm lưu đày là hướng về niềm hy vọng một ngày trở về quê hương. Cũng vì lẽ đó, những thất vọng bất ngờ ngày trở về, như tát nước lạnh vào mặt họ, làm ngày về thêm khó khăn chua chát. Vì lẽ, thỉnh thoảng có hố sâu cách khoảng giữa những ước mơ và thực tế… Vấn đề lớn của ngày hồi hương, chúng ta đã thấy trong các bài sách I-sa-ia nhân dịp lễ Hiển Linh tuần vừa qua, đó là sự khó khăn thông cảm nhau giữa những người từ Ba-by-lon về đầy lý tưởng và dự án tốt đẹp với những người xưa kia còn ở lại. Không phải một hố sâu mà là một vực thẳm. Đa số là những người ngoại. Mối quan tâm hằng ngày của họ xa ngàn trùng với những yêu cầu của Lề Luật Do Thái.

Chúng ta còn nhớ việc xây lại đền thờ, gặp sự chống đối của họ và các thành phần trong cộng đồng ít sốt sắng có khuynh hướng buông thả theo bầu khí lúc bấy giờ. Điều làm cho giáo quyền quan tâm, chính là sự nguội lạnh việc đạo, càng ngày càng trầm trọng hơn vì có rất nhiều cuộc hôn nhân giữa người Do Thái và người ngoại. Không thể giữ được sự tinh tuyền và tất cả những gì đức tin đòi hỏi trong trường hợp này. Vì thế Thầy tư tế Ê-tra, và ông Nê-hê-mi-a, dù là ông này người ngoại cả hai cùng chung nỗ lực với nhau. Hai người xin được phép nơi Ác-tắc-sát-ta (*), vua xứ Ba-tư, sứ mạng tùng tru các tường thành Giê-ru-sa-lem và toàn quyền cai trị dân chúng. Vì lẽ chúng ta không quên It-ra-en đang ở trong thời kỳ bị Ba-tư đô hộ.

(*) Các sách Êtra và Nê-hê-mi-a cho những dữ kiện lịch sử trái ngược với nhau. Thời điểm các sự kiện rất khó xác định. Đặc biệt các sử gia có những lý do cho rằng hai nhân vật này không sống cùng thời, mặc dù có cùng sứ vụ xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem và đem lại lòng tin cho cộng đồng tôn giáo. Sau này người viết sách Nơ-khê-mia kết hiệp hai nhân vật với nhau, chung cùng thời.

Ê-tra, và Nê-hê-mi-a hợp lực với nhau làm tất cả để đảo ngược tình thế : phải nâng đỡ dân chúng, cho họ tinh thần. Trong lúc ấy cộng đồng Do Thái cần hơn lúc nào hết hiệp nhất với nhau vì hằng ngày phải chung đụng với Bụt Thần giáo, và bầu khí dững dưng tôn giáo. Trong lịch sử It-ra-en, sự thống nhất quốc gia luôn được dựa trên nền tảng Giao Ước với Thiên Chúa. Những điểm thiết yếu của Giao Ước vẫn là: Đất hứa, Thành thánh, Đền thờ và Lời Chúa. Đất hứa, thì chúng ta đang ở đây rồi; thành thánh Giê-ru-sa-lem thì vị toàn quyền Nê-hê-mi-a sắp hoàn tất; Đền thờ đã xây xong; chỉ còn Lời Chúa: Thì giờ đây, chúng ta sẽ tuyên xưng trong một buổi lễ lộ thiên vĩ đại. Không có gì hơn để hàn gắn lại gia đình bằng cách đề nghị thường xuyên những cuộc chung vui, hoan hỉ!

Mọi yếu tố đều được hội tụ và được dàn cảnh một cách chu đáo: điều này rất quan trọng. Một khán đài bằng gỗ được xây cao hơn chỗ dân chúng đứng: trên đó vị tư tế và những người thông dịch, xướng các bài đọc.

Ngày cũng được chọn chu đáo: Họ lập lại thói xưa, tổ chức ngày cử hành trọng thể nhằm ngày Đầu Năm «2 Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy». Dĩ nhiên bài giảng mời gọi ngày lễ này hãy vui mừng lên. Bấy giờ không còn phải khóc nữa, cho dù vì cảm động! Hãy ăn, hãy uống vì là ngày trọng đại được xum vầy chung quanh Lời Chúa. Chúng ta hãy rút lấy bài học: để cộng đoàn thêm hiệp nhất, Ê-tra, và Nê-hê-mi-a không giảng luân lý nhưng hai ông đề nghị một lễ hội chung quanh Lời Chúa.

 

Phần thêm :

Chữ «Amen». Cũng như Ha-lê-lu-ia hay Hô-sa-na, là một trong ba chữ Do Thái được giữ trong phụng vụ. Tại sao phải lưu giữ như thế? Lý do rất giản dị, vì không thể dịch được. Chỉ có hai từ, mà nói lên nhiều thứ! Có một thời người Pháp thay bằng, «Ước gì được như thế», nhưng điều này có vẻ như có điều gì không chắc chắn, trái hẳn với nghĩa chữ «Amen» Do Thái! Chữ Amen gợi lên sự vững chắc, không lung lay, sự kiên quyết, mọi người có thể dựa vào. Trong Do Thái ngữ các chữ như «Sự thật, đức tin, trung tín» có cùng một gốc với chữ «Amen». Khi chúng ta nói lên chữ này, dĩ nhiên hội tụ mọi nhiệt tình của chúng ta lại, để nói lên lòng xác tín vào những lời hứa của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, dễ hiểu chữ Amen chỉ dành nói với Thiên Chúa. Với con người ta nói «vâng» nhưng nói với Chúa ta nói «Amen», vì chỉ có Chúa là «sự thật». Có lẽ cách dịch rất ít sai trái nhất có thể là «Thật vậy, thật vậy», nhưng không nói lên lời tuyên xưng. Vì lẽ đó, ta từ chối không dịch nữa và như thế là tốt hơn hết: từ nay vĩnh viển chữ «Amen» luôn để nói lên Giao Ước Thiên Chúa và loài người.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com