Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT IV TN - C (Gr 1, 4-5,17-19) 31-01-2016

"Ta sẽ đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc"

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

 

4 Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng:

5 "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,
Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân."

17 Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng.
Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng
tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.
Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ;
nếu không, trước mặt chúng,
chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.

18 Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi
nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ:
từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh,
các tư tế và toàn dân trong xứ.

19 Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được,
vì -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA-
có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi."

 

Đây là một vị tiên tri tâm sự với chúng ta. Ngài chia sẻ với chúng ta về ơn gọi của ngài và cùng lúc về ý nghĩa cuộc đời của ngài. «4 Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: 5 "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi». Chữ biết trong Thánh Kinh có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự hiểu biết sâu xa, thầm kín của những người yêu quý nhau. Còn chữ «thánh hoá» có nghĩa là đặt để riêng ra. Đến từ Chúa, có nghĩa là được chọn, có ơn gọi trở thành điều gì Chúa muốn. Nói cách khác, từ giây phút đầu tiên của đời sống cho đến cuối đời, Giê-rê-mi-a được hướng về sứ mạng Chúa trao ban. Thánh Phao-lô cũng nói như thế trong thư gửi tín hữu thành Ga-lát, rằng ngài ý thức được Chúa chọn «Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ» (Gl 1, 15)

«Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân». Ngôn sứ là một phát ngôn viên: sứ vụ của người là «cho» kẻ khác. Chỉ rõ cách cư xử trong đời sống của dân chúng và những quan hệ với các nước láng giềng. Trong những lúc lịch sử bị xáo trộn, Lời của người ngôn sứ, mặc dù chủ yếu có tính cách tôn giáo, nhưng không thể nào tránh được liên quan đến chính trị. Điều này có nghĩa là chữ «thánh hoá» mà chúng ta hiểu «đặt để riêng ra», không có nghĩa loại ra, nhưng là một cách tách ra một cách tuyệt vời, ngày nay chúng ta gọi là đặt trên tháp ngà. Tất cả những sứ vụ trong Thánh Kinh, đều luôn luôn có nghĩa tách ra riêng để chu toàn một sứ vụ: «Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. 16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại» (Gl 15, 15-16a)

«17 Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chổi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn». «đừng run sợ», cụm chữ này nói lên sứ mạng này rất đáng sợ: Giê-rê-mi-a sống trong thời buổi cực kỳ khó khăn của dân Do Thái. Không ai rõ tiểu sử, ngày sanh hay ngày chết của ông, nhưng chỉ biết cuộc đời rao giảng của ông, trải dài từ khoảng năm 625 đến năm 580 trước Công Nguyên. Các cường quốc thời ấy, trong vùng, là Đế chế Át-sua, Ai-cập, và sau này là Ba-by-lon. Vương quốc Miền Bắc đã bị tiêu diệt một trăm năm trước do quân đội Át-sua. Giê-ru-sa-lem là một xứ nhỏ bé, bị chèn giữa những cường quốc. Khắp Trung Đông ai cũng muốn thống trị Giê-ru-sa-lem. Lúc thái bình, lúc chiến tranh, vua Giê-ru-sa-lem không biết phải liên minh với ai để đem lại độc lập cho xứ sở. Trên thực tế, lúc nào cũng là một chư hầu của ba cường quốc ấy.

Giê-rê-mi-a ở đây để nhắc lại Giao Ước duy nhất, phải quan tâm, đó là với Thiên Chúa, nhưng chính là điều không ai nói tới. Vì thế ngài dùng cách nói mà chúng ta quen thuộc nơi các ngôn sứ: lời đe dọa: «vì anh em không tôn trọng Giao Ước mà anh em đã hứa, các tai họa ấy mới xảy ra. Nếu không hoán cải, mọi việc sẽ còn bi đát hơn thế nữa. Dĩ nhiên những lời cứng rắn như thế gây chống đối, hay tệ hơn những lời mỉa mai châm biếm. Chúa đã báo trước: «19 Chúng sẽ giao chiến với ngươi». Thật vậy, trên thực tế Giê-rê-mi-a gặp rất nhiều chống đối trong khi thi hành sứ vụ, các bạn của ông ở đâu? Trên thực tế ,ông phải chạm chán với cả xứ.

Điều lạ kỳ trong câu truyện này, là để thực hiện công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi nhiều can đảm. Chúa lại chọn một người trẻ nhút nhát rụt rè và «… còn quá trẻ, … không biết ăn nói» (Gr 1, 6) (Chính Giê-rê-mi-a nói thế). Trong lúc đó, phải biết ăn nói, biết lớn tiếng, mạnh dạn rao giảng... đúng lúc đúng thời, đối đầu với cả dân chúng và cả với vua. Hơn nữa, ông là người nhạy cảm, ông sẽ bị chao đảo vì những cảnh tượng đau khổ của đất nước ông. Thế nhưng, không phải lúc thuỳ mị mà phải dồn hết nỗ lực để nhắc nhở (vô hiệu) phải cấp bách quay trở về… ông là một loại «cú đêm báo điềm dữ», loan báo toàn những tai ương, ai cũng ghét, khinh khi, chế diễu, ngay cả trong gia đình ông.

Thế nhưng, không có gì, và không ai làm ông lung lay chuyển hướng sứ vụ của ông được, vì Chúa ở cùng ông và đồng hành với ông trong mọi thử thách. Ông cảm thấy vô cùng khốn khổ, thực sự chỉ nơi Chúa, ông mới múc được nghị lực. Trong ít hàng trong bài này, tuy ngắn, nhưng chúng ta cũng có thể đoán được trải nghiệm thiêng liêng của Giê-rê-rê-mi-a. Chúng ta nghe như tiếng vang của những Mối Phúc Thật: «Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó …». Chính vì Giê-rê-mi-a có tâm hồn nghèo khó, ngài mới để quyền năng Chúa chiếm hữu. Nếu đọc kỹ đoạn này, chúng ta thấy chính Chúa mới là nhân vật chính trong đời Giê-rê-mi-a. Chính Ngài lấy tất cả sáng kiến cho Giê-rê-mi-a. «4 Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng;… Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân;… Ta sẽ truyền cho ngươi;… Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi». Còn các hình ảnh cũng cho chúng ta thấy mãnh lực nội tâm Chúa ban cho Giê-rê-mi-a: «18 Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ»

Các tác giả Tân Ước, có lẽ đã hơn một lần, có khuynh hướng đối chiếu Chúa Giê-su thành Na-da-rét và Giê-rê-mi-a. Khi các thánh sử nói về Chúa khóc trước cái chết người bạn thân; trước vận mệnh bi đát thành Giê-ru-sa-lem; khi nói về những chống đối kịch liệt Chúa Giê-su sắp phải đương đầu; để Chúa nói những lời cảnh báo với một thể văn tương tự như các ngôn sứ; hay các ngài miêu tả quyết tâm Chúa Giê-su quyết định lên đường về Giê-ru-sa-lem, trong lúc những người thân nhất của Ngài khuyên can, vì có nguy cơ rõ ràng đang chờ đợi Chúa. Còn Chúa Giê-su, Ngài rất có thể đã nghĩ tới Giê-rê-mi-a, khi Ngài nói trong Đền thờ Na-da-rét: «không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình» (Lc 4, 24).

***  


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com