Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN I MC- C (Rm 10,8-13)14-02-2016

"Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Ki-tô

8 Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.

9 Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.

10 Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.

11 Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng.

12 Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.

13 Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát.

Thánh Phao-lô quả quyết «không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp» (Ghi chú của người dịch: bản tiếng Pháp chép: …«người Do Thái và người ngoại», trên thực tế đối với người đương thời thánh Phao-lô, người Hy-lạp thuộc người ngoại). Chúng ta có thể nói thánh Phao-lô thích tuyên bố những điều nghịch lý. Trước ngài, trái lại, tất cả đều khác nhau giữa người Do Thái và người ngoại, đến độ trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô nói có bức tường ngăn họ với nhau, và ngay cả bức tường ấy là bức tường hận thù (Êp 2, 14). Trên thực tế, phải đọc trọn câu: «không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa». Chỉ có Thiên Chúa mới đem lại sự hiệp nhất, và hình như sự hiệp nhất trong cộng đồng Rô-ma, là mối quan tâm hàng đầu của thánh Phao-lô trong bài đọc hôm nay.

Không ai rõ thành phần của cộng đồng Rô-ma: vì thế chúng ta chỉ có những giả thuyết. Đầu bài, thánh Phao-lô chỉ nói: «5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. 6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.» (Rm 1, 5-6)

Dấu hiệu đầu tiên là thánh Phao-lô nói với những Ki-tô hữu, đến từ các ngoại giáo chứ không phải từ đạo Do Thái như ngài. Nhưng chúng ta cũng biết, trong cộng đồng cũng có những tín hữu gốc Do Thái: lý do dễ hiểu là, trước thời Chúa Ki-tô đã có một cộng đồng Do Thái, đông đảo trong khắp đế quốc Rô-ma. Các nhà truyền giáo Ki-tô, dĩ nhiên đã đến đó rao giảng trước thánh Phao-lô và đã có những người Do Thái tại Rô-ma đã trở lại Ki-tô giáo.

Đến những năm 40 (41 hay 49?) hoàng đế Cơ-lau-đi-ô (41-54) trục xuất tất cả những người Do Thái khỏi Rô-ma, các người đã trở lại Ki-tô Giáo cũng bị ảnh hưởng và bị bắt đi đày: đó là trường hợp hai vợ chồng, chúng ta được biết qua sách Công Vụ Tông Đồ, A-qui-la, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la. Những Ki-tô hữu gốc ngoại không bị liên luỵ bởi đợt trục xuất người Do Thái. Cộng đồng Ki-tô được duy trì, nhưng từ nay không còn những người gốc Do Thái. Sau khi hoàng đế Cơ-lau-đi-ô băng hà, dưới thời Nê-rông, những người gốc Do-Thái (trong đó có A-qui-la và Pơ-rít-ki-la) quay trở lại Rô-ma, và hình như sau khi cộng đồng phát triển vắng mặt họ, cuộc hội ngộ gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là thánh Phao-lô cho chỉ thị phải cởi mở: «7 Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em» (Rm 15, 7). Nhưng, chúng ta có thể tưởng tượng hai bên đều có lỗi. Bên phía những người Do Thái đã trở nên Ki-tô hữu, họ khó chấp nhận những người trước kia ngoài đạo Do Thái, ngày nay vào Giáo Hội, họ gọi những người này là những «người không cắt bì».

«không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người (ngoại) Hy-lạp». Ồ có chứ! Nếu để tự nhiên, tất cả làm cho họ xa cách nhau; các đề tài tranh luận không thiếu: lề luật, cắt bì, lề thói ăn uống. Nhưng điều chính yếu không ở đó, và cũng vì thế, thánh Phao-lô dùng hết nghị lực nhắc lại họ rằng, Chúa không phân biệt giữa con người với nhau, và đó là điều cốt yếu: «không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người».

Có vấn đề khác quan trọng hơn được đặt ra: It-ra-en là dân được Chúa chọn. Từ trong dân này, Đấng Mê-si-a được sinh ra. Đúng lý ra, người Do Thái phải là nền tảng của Giáo Hội, vì thế có một vấn đề thường được đặt ra: chấp nhận những người không phải dân Do Thái trong Giáo Hội, phải chăng là một bất trung với Giao Ước, với sự chọn lựa của Thiên Chúa? Để đáp lại, thánh Phao-lô rút từ Thánh Kinh: «Bấy giờ, hết những ai kêu cầu danh ĐỨC CHÚA sẽ được ơn cứu độ». Đấy là một câu của ngôn sứ Giô-en nói về đấng Mê-si-a: «Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên tôi nam tớ nữ. Ở dưới đất cũng như trên trời, Ta sẽ cho xuất hiện nhiều điềm lạ là máu, lửa và cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA xuất hiện, Ngày vĩ đại, kinh hoàng. Bấy giờ, hết những ai kêu cầu danh ĐỨC CHÚA sẽ được ơn cứu độ» (Ge 3, 1-5)`

Đây là những luận chứng không thể chối cãi, vì đó là Lời Chúa, nhưng rất đỗi ngạc nhiên đối với những người đồng thời với thánh Phao-lô: Có phải chỉ kêu cầu danh Chúa là được cứu độ? Cho đến nay, phải cắt bì và phải sống giữ luật lệ nghiêm túc. Mọi việc đã khác rồi sao? Thật vậy, thánh Phao-lô trả lời: Chúa Giê-su Ki-tô đã thay đổi hết! Kể từ nay, mọi người có thể tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, và chỉ tin vào Ngài là được cứu độ. Cũng vì câu này khó được chấp nhận nên thánh nhân thấy cần phải lặp lại: «10 Quả thế, có tin (có nghĩa, mọi người tin…) thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng (có nghĩa, mọi người có xưng…) ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ». Tuy nhiên phải hiểu như thế nào là «tin». Thánh phao-lô nhấn mạnh đến hai chữ song song «ngoài miệngtrong lòng» là có ý nói đức tin không chỉ là một quan đìểm. Khi ngài dùng chữ trong lòng, hai chữ này thời bấy giờ được hiểu theo thánh Phao-lô muốn nói, tức là sự dấn thân thật sự sâu thẩm trong tâm hồn của cả con người.

Đây là Tin Mừng thánh Phao-lô gửi đến những ai được nhận phép rửa tội: Ơn cứu độ Chúa ban nhưng không cho chúng ta không hệ tại, chúng ta có xứng đáng hay không? Chỉ cần tự do lãnh nhận trong đức tin: «9 Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.»

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com