"Dân được chọn tuyên xưng đức tin".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
4 Tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh (em) và đem đặt trước bàn thờ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em)
.5 Bấy giờ, anh (em) sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) rằng:
Ong tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó cùng với một số người ít ỏi, tại đó người đã trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông.
6 Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi.
7 Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu.
8 ĐỨC CHÚA đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập.
9 Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật.
10 Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con."
Hình thức của bài này thực ra cũng khá lạ lùng! Ông Mô-sê ra lệnh cho thực hiện một nghi lễ hiến dâng, nhưng rốt cuộc là một bài tuyên xưng đức tin! «lấy giỏ từ tay anh (em) và đem đặt trước bàn thờ ĐỨC CHÚA »…. «5 Bấy giờ, anh (em) sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em)». Sau đó là cả một bài thuyết trình về công trình Thiên Chúa cho dân Ngài. Tất cả có thể tóm gọn trong một câu: Tất cả sở hữu của chúng ta, và chúng ta được nên thế nào ngày hôm nay, tất cả là ân huệ Chúa ban.
Đây là một lời nài nỉ quan trọng, và cũng là một điều mới lạ trong cả Thánh Kinh, đặc biệt là sách Đệ Nhị Luật. Các nghi lễ hiến dâng thuộc mọi tôn giáo trên toàn thế giới, nhưng thông thường là để xin một ơn gì đó từ các đấng thần thiêng. It-ra-en làm trái ngược hẳn nghi lễ: Cử chỉ hiến dâng được cảm nghiệm như một cử chỉ tri ân. Hiến dâng cho Chúa của lễ, không phải để xin Ngài điều chi đã thuộc về ta, nhưng nhìn nhận, tất cả những gì chúng ta có, là từ Ngài ban cho. Chúng ta không đến, tay mang đầy của cải, nhưng nhìn nhận không có Chúa, thì ta chỉ có hai bàn tay không. Trong tinh thần đó, dâng của lễ là một cử chỉ tưởng niệm.
Nếu sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh như thế có lẽ không phải vô ích! Thật vậy, dân chúng trở nên mất trí nhớ, không còn biết những ơn lành Chúa đã trao ban. Trong sa mạc nắng nôi khô cằn, dĩ nhiên dân chúng hiểu rằng sự sống của họ tuỳ thuộc vào Thiên Chúa và chỉ Ngài mà thôi. Thế nhưng một khi đã đến đất hứa, họ có khuynh hướng quên đi sự lệ thuộc căn bản ấy. Đó là điều Hô-sê trách họ: «10 Nó đâu biết rằng chính Ta đã ban cho nó lúa mì, rượu mới với dầu tươi, cũng chính Ta đã tặng cho nó bạc vàng nhiều vô kể» (Hs2, 10). Hô-sê rao giảng trong vương quốc Miền Bắc, nhưng ở Miền Nam cũng như thế (chỉ cần đọc sách Giê-rê-mia). Lý do là khi tới đất Ca-na-an (Ngày nay gọi là It-ra-en), dân có Giao Ước với Thiên Chúa phải đối đầu với những tôn giáo các xứ khác. Các dân thờ thần Ba-an, thần mưa, thần làm cho vườn tược, thú vật phì nhiêu.
Tất cả vấn đề của các tiên tri là giữ cho dân It-ra-en trung tín với Giao Ước, vì điều răn thứ nhất rất rõ ràng: «2 Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.» (Xh 20, 2-3). Bất cứ giá nào, không để họ bị chiêm nhiễm bụt thần của môi trường chung quanh. Điệp khúc ấy được các tiên tri nhắc đi nhắc lại là: «Ba-an không có thật», chỉ có một Thiên Chúa, Thiên Chúa của Mô-sê, đấng đã giải thoát dân Ngài khỏi tay quân Ai-cập, đấng đã đồng hành với họ suốt lịch sử và cuối cùng ban cho họ đất này.
Đây chính là điều quan tâm hàng đầu của tác giả bài hôm nay: Tìm lại dĩ vãng, hãy nhớ lại công trình của Chúa ban cho họ từ lâu nay. Hơn nữa, chúng ta có thể nói, trọn sách Đệ Nhị Luật có thể gọi là bộ ký ức It-ra-en. Và nghi lễ hiến dâng các sản phẩm đầu mùa hôm nay, có thể được xem như buổi lễ tưởng nhớ đến lịch sử lập quốc. Vì lẽ đó, nghi thức được lược kê các công trình của Chúa làm nên cho dân tộc Ngài.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cử chỉ buổi lễ. Trong chữ sản phẩm đầu mùa có chữ «đầu». Đó là những quả đầu mùa, những luống lúa đầu tiên, những chùm nho đầu tiên, con vật đầu lòng… Tất cả những thứ đó được gặt hái đầu tiên và cũng là điều hứa hẹn: Nhận xét từ những gié lúa, những chùm nho đầu tiên, là sẽ biết mùa thu hoạch sẽ trúng hay không trúng. Các nghi lễ đầu mùa ấy đã có từ những nhà nông ở Trung Đông, trước thời Mô-sê. Từ ngàn xưa trong ký ức loài người đã có, vì thế trong Thánh Kinh về A-ben và Ca-en cũng nói đến. Như chúng ta thấy, cử chỉ này nguyên thuỷ là để xin ơn lành các thần thánh. Mô-sê không phải người sáng lập ra; ông cũng không bỏ đi, nhưng chỉ thay đổi ý nghĩa của nó. Từ nay, tất cả nghi thức lễ đầu mùa được cảm nghiệm như một nghi thức liên quan đến Giao Ước.
Đó là sứ điệp của bài này, giải thích ý nghĩa của cử chỉ hiến lễ đầu mùa. Không phải để cầu xin cho những ơn lành tương lai, vì họ tin, dù thế nào, cũng luôn có thể trông chờ nơi Chúa. Trước hết là nhìn nhận những ơn lành Chúa ban cho dân Ngài từ thời ông Áp-ra-ham. Bài này như một lời tuyên xưng đức tin, một tóm lược lịch sử It-ra-en: «Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt». Tất cả bắt đầu từ Áp-ra-ham, người A-ram được Chúa chọn để trở thành tổ phụ một dân tộc của Giao Ước. Cho tới lúc bấy giờ, ông là người thuộc dân tộc du cư, không thể xem ông như người phiêu bạt được, nhưng tác giả dùng chữ nguyên gốc có nghĩa là «lưu lạc-nay đây mai đó », có ngụ ý nói, trước khi được Chúa gọi, ông chưa được mặc khải Chúa duy nhất, ông còn thờ các bụt thần. Thật vậy, tác giả xem ông như là một người phiêu bạt theo nghĩa thiêng liêng. Phần thứ hai của câu «Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập», câu này không liên quan nữa đến Áp-ra-ham mà đến đứa con thừa tự là Gia-cóp, ông và các con sau này sinh sống ở Ai-cập.
Sau đó là phần lịch sử mà chúng ta từng biết: Các người di dân này ban đầu được chấp nhận nhưng dần dần, nhiều thế kỷ sau, bị bạc đãi. Lúc ấy Thiên Chúa mới can thiệp, đưa họ ra khỏi Ai-cập «8 ĐỨC CHÚA đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập». Nếu Mô-sê là tác giả bài này thì lời tuyên xưng đức tin sẽ ngưng ở đây, vì ông không bao giờ được đặt chân trên đất hứa. Ngược lại, sau này đứa con thiêng liêng của ông và cũng là tác giả sách Đệ Nhị Luật, có thể kể tiếp những hồng ân Chúa ban là đất hứa: «9 Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. 10 Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con»
Bây giờ đến phiên chúng ta, là chứng nhân của Giao Ước Mới, chúng ta cũng lập lại cử chỉ hiến dâng trong Thánh Lễ, chúng ta nhìn nhận những ân huệ vật chất Chúa ban: «Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người…». Đây là một lời nhìn nhận khiêm nhu, chúng ta chỉ là những người quản lý, chứ không phải chủ nhân những gì chúng ta thường gọi một cách sai lầm «của cải chúng ta». Đây đúng là một chiến dịch sự thật!
«Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con…». Sự xác nhận có tính cách cứu độ, vì cử chỉ được lập lại trong mọi Thánh Lễ, hoán cải dần dần chúng ta. Chính khi chúng ta sống thật sự dần dần trong đời, như những người quản lý các của cải thế gian, thì địa cầu này mới thật sự mặc khải Vương Quốc Thiên Chúa. Trong nghi thức Thánh Lễ gọi là Dâng Lễ, rất tiếc sao không gọi «Dâng Lễ cho Chúa».
***