Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN III MC - C (Tv 102, 1-4.6-8-11) 28/02/2016

"Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót."

 

1 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

2 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

3 CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

6 CHÚA phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,

7 mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.

8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,

11 Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

 

Chúng ta lại được đọc thánh vịnh 102 (103) tuyệt vời này, nhưng với những câu khác và trong một bối cảnh khác. Lần trước, trong chúa nhật thứ bảy Thường Niên, như tiếng vang cho bài sách Sa-mu-en. Đa-vít từ chối không báo thù Sa-un và các câu Thánh Kinh ca tụng lòng tha thứ của Thiên Chúa, tất cả Thánh Kinh mời gọi chúng ta noi gương Ngài.

Lần này, trong Bài Đọc Một Chúa mặc khải Tên Ngài: «Ta là Đấng Hiện Hữu» (Xh 3, 14), có ý ám chỉ Ta luôn ở với các con, trong những lúc đau khổ và ngay cả những lúc phẫn nộ của các con. Như một tiếng vang, bài thánh vịnh chúng ta nói: «8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, 11 Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao». Hai cách diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa «Ta là Đấng Hiện Hữu» và «8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương» bổ sung cho nhau. Chúng ta biết rằng không nên hiểu cụm từ «Ta là Đấng Hiện Hữu» như một định nghĩa, một triết lý để định nghĩa một khái niệm. Động từ «Ta là» được lập lại nhiều lần, trong tiếng Do thái có ý dùng để nhấn mạnh điều gì. Chúa bắt đầu nhắc lại suốt lịch sử của Giao Ước với các Tổ Tiên: «ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp» (Xh 3, 15). Điều này để nói lên lòng trung tín của Thiên Chúa từ nhiều thế kỷ, suốt lịch sử dân Ngài. Sau đó Ngài nói về lòng thương xót Ngài với dân chúng lầm than, bị khinh khi, làm nô lệ ở Ai-cập; và sau cùng mà thôi, Ngài mới mặc khải: «Ta là Đấng Hiện Hữu»

Điều ông Mô-sê khám phá đầu tiên ở Si-nai là sự hiện diện mãnh liệt của Thiên Chúa trong lòng những người đau khổ. Họ luôn giữ trong ký ức sự mặc khải thật kỳ lạ này. «7 ĐỨC CHÚA phán:"Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.8 Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập» (Xh 3, 7). Họ ghi nhớ sự mặc khải ấy đến độ có thể từ đó múc ra nghị lực khôn lường, biến một người đơn độc, nô lệ, bị mọi người ruồng bỏ trở nên một lãnh đạo không mệt mỏi, một nhà giải phóng dân tộc mà ai cũng biết.

Khi dân tộc Ít-ra-en còn nhớ đến cuộc phiêu lưu tuyệt vời ấy, họ ý thức đấng đầu tiên giải thoát họ chính là Thiên Chúa; ông Mô-sê chỉ là khí cụ. Chữ «Lạy Chúa con đây» của Mô-sê (của Áp-ra-ham hay của nhiều người khác nữa sau này) là câu trả lời đã làm cho Chúa có thể thực hiện bao kỳ công giải thoát nhân loại. Và kể từ đây khi chúng ta nói CHÚA là cách chuyển ngữ bốn chữ cái (YHWH) từ tên Thiên Chúa, chúng ta nghĩ đến sự Hiện Diện của Thiên Chúa giải thoát.

Thị kiến của Mô-sê sau khi Chúa mặc khải Tên của Ngài giúp cho có thể đi vào mầu nhiệm của sự Hiện Diện Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ đầu câu truyện bụi gai bốc cháy: «2 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi» (Xh 3, 2). Chúa mặc khải bằng hai cách, trong thị kiến và trong Lời nói Tên Ngài.

Ngọn lửa bừng cháy từ bụi cây không bị thiêu rụi, mời gọi Mô-sê hiểu rằng Thiên Chúa được ví như ngọn lửa giữa dân chúng (bụi gai). Và sự Hiện Diện của Ngài không phá huỷ, như lửa không làm bụi cây cháy rụi. Phản ứng đầu tiên của Mô-sê tuy lấy tay che mặt nhưng hiểu rằng không có chi phải sợ. Cùng lúc, được nói lên sứ vụ của dân Ít-ra-en: đó là nơi Thiên Chúa mặc khải sự Hiện Diện của Ngài. Kể từ nay, dân Chúa chọn sẽ là chứng nhân cho nhân loại rằng Chúa hiện diện giữa con người, và mọi người không có chi phải sợ hãi.

Bài Thánh Vịnh hôm nay, Tên của Thiên Chúa được biểu hiện bằng cụm chữ mà chúng ta hằng biết: «8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu». Đó là cách nói lập lại giống y như sự mặc khải của Chúa cho Mô-sê (Xh 34, 6). Hai mặc khải đó chỉ là một và bài thánh vịnh triển khai «6 CHÚA phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức, 7 mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người, cho con cái nhà Ít-ra-en thấy những kỳ công Người thực hiện» (c6-7). Dĩ nhiên đây nói về Xuất Hành. Nhưng Thiên Chúa vẫn là Ngài. Từ muôn thuở, Ngài là sự Hiện Diện, ngọn lửa, giữa chúng ta, ngọn lửa từ bi và nhận hậu.

Và chính điều này chúng ta phải làm chứng tá. Sở dĩ Chúa chọn một dân tộc để minh chứng cho thế giới về Ngài, vì trước hết thế giới cần đến sự chứng tá đó (con người chết vì không biết ngọn lửa ấy), và hơn nữa, lời chứng của cả một dân tộc hằng sống mới có thể mặc khải được. Vì thế các ngôn sứ rao giảng hai mặt ấy của sứ vụ Ít-ra-en: Thứ nhất dám làm chứng đức tin của mình, về sự mặc khải được lãnh nhận; Thứ hai làm giống như hình ảnh của Chúa mình, thi hành lẽ công chính, bênh vực quyền lợi kẻ bị áp bức.

Điểm thứ nhất, về chứng tá, đó là cuộc đấu tranh mãnh liệt của các ngôn sứ chống bụt thần. Một dân tộc đã có trải nghiệm trong suốt lịch sử, sự Hiện Diện của Thiên Chúa bên mình, Ngài thấu hiểu những nỗi đau khổ, nghe lời kêu cầu khẩn toàn dân, không thể nào tin vào các bụt thần bằng gỗ hay bằng đá được. «Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai không ngửi không nghe» (Tv 115, 5-6). Còn I-sa-i-a chế nhạo những kẻ chẻ khúc gỗ làm hai, một bên để đốt lò sưởi một bên để tạc một pho tượng rồi quỳ lạy trước pho tượng đó. Ngài tiếp: «Tượng đứng yên, không rời chỗ. Thế nhưng giả như có ai kêu, nó chẳng đáp lời, cũng chẳng cứu ai khỏi cơn khốn quẫn» (Is 46, 7)

Điểm thứ hai, các ngôn sứ cũng rất rõ ràng. Đây là một lời chứng tá, hằng năm chúng ta nghe trong Mùa Chay:
«6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:

mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?

7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?» (Is 58, 6-7)
Chỉ như thế chúng ta mới là hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa từ bi và nhân hậu.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com