Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN II PHỤC SINH Năm C (Tv 117, 2-4, 22-24, 25-27a) 03/04/2016

"Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở"

 

1 Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

4 Ai kính sợ CHÚA hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

23 Đó chính là công trình của CHÚA,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

24 Đây là ngày CHÚA đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

25 Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ,
lạy CHÚA, xin thương giúp thành công.

26 Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA.
Từ nhà CHÚA, chúng tôi chúc lành cho anh em.

27 ĐỨC CHÚA là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.

 

Bài Thánh Vịnh này thường được đọc Mùa Phục Sinh, rất tiếc năm nay câu 29 không được chọn « Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương », câu đầu (1) và câu cuối (29) giống như nhau, để chúng ta có thể thưởng thức một thể văn đặc biệt, nội dung được « vùi » giữa hai câu giống nhau. Chỉ vỏn vẹn câu này cũng đủ nói lên nội dung cả bài thánh vịnh. Đối với một người Do Thái, hai câu này cũng đủ rồi! Nó nói lên tất cả trải nghiệm dân It-ra-en, khám phá mạc khải của Thiên Chúa về chính mầu nhiệm của Ngài: một Thiên Chúa Tình Yêu, một Thiên Chúa Tín Trung. Phải Ngài mạc khải con người mới có thể dám nghĩ như thế !

Có một câu chúng ta thường nghe, nhưng ý nghĩa khá khó hiểu được «vùi » giữa hai câu ấy, cùng với ý nghĩa sâu xa ý niệm bài thánh vịnh: « 22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 23 Đó chính là công trình của CHÚA, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta ». Đầu tiên, chính Chúa Giê-su đã nói câu ấy, trước cuộc Thương Khó của ngài, điều này hình như để soi sáng phần nào Mầu Nhiệm của Ngài.

Sự kiện xảy ra trong cuộc tranh luận với các kinh sư và bô lão, khi Ngài kể cho họ một dụ ngôn, ngày nay chúng ta gọi là dụ ngôn « những tá điền sát nhân »: « Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu » (Mt 21, 33-46). Đối với những người đối thoại với Chúa Giê-su, mọi chi tiết có tầm quan trọng đặc biệt. Những chi tiết ấy cho biết Chúa muốn nói vườn nho nào. Bởi vì I-sa-i-a cũng dùng chính những từ ngữ ấy để nói về dân It-ra-en.

Người chủ vườn nho là Thiên Chúa, dĩ nhiên rồi. Trong bài dụ ngôn trong Cựu Ước tiên tri I-sa-i-a than phiền cây nho không sinh ra trái mặc dù được chăm sóc kỹ lưỡng. Chúa Giê-su dùng lại bài dụ ngôn ấy nhưng Chúa thêm một chương: người chủ giao vườn nho cho những tá điền rồi « trẩy đi xa ». Điều này chứng tỏ ông tin cậy các tá điền. Khi tới mùa thu hoạch, ông sai tôi tớ đi thu phần của chủ nơi các người làm vườn nho. Nhưng các tá điền tóm lấy các tôi tớ ông chủ. Chúng đánh đến chết người thứ nhất, giết người thứ hai và ném đá người thứ ba. Người chủ phản ứng ra sao ? Ông gởi thêm tôi tớ khác, nhiều hơn nữa, nhưng tất cả đều chịu cùng chung số phận. Cuối cùng ông chủ gởi chính con của mình: dù sao họ cũng tôn trọng cậu chứ, ông nghĩ thế. Trái lại các tá điền cũng giết cậu… chính vì là con ông chủ, tức là người thừa tự.

Cũng như thường lệ sau một dụ ngôn, Chúa Giê-su đặt một câu hỏi với những người đến nghe: theo các bạn, người chủ vườn nho sẽ làm gì? – Câu trả lời quá rõ: ông sẽ xử đích đáng họ và trao vườn nho cho những người khác canh tác. Chúa Giê-su liền tiếp: « Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta » (Mt 21, 42). Ở đây Chúa đọc nguyên câu trong Thánh Vịnh chúng ta ngày hôm nay.

Nhưng Chúa Giê-su còn nói tiếp: « 43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. 44 Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt » (Mt 21, 43-44). Đá tảng góc tường này như con dao hai lưỡi, có thể là đá quý cho những kẻ biết dựa vào đó - khi ấy là công trình tuyệt vời của Thiên Chúa - còn đối với kẻ khác có thể là rất đáng sợ. Nói trong ngành xây dựng, điều này rất hữu lý: các tảng đá dùng để xây tường Đền Giê-ru-sa-lem khổng lồ, chúng thật là kiên cố, thế nhưng cũng là một tai hoạ nếu rơi vào ai.

Tiên tri I-sa-i-a cũng đã dùng hình ảnh ấy để nói về Thiên Chúa: « 14 Người sẽ là một thánh điện, và một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho sẩy chân đối với hai nhà Ít-ra-en, một dò lưới và một cạm bẫy đối với người dân Giê-ru-sa-lem » (Is 8,14). Điều này muốn nói Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống cho những ai tin, nhưng đối với những ai khinh miệt, họ sẽ biến thành chính tai họa cho họ.

Nơi đây chúng ta tìm thấy chủ đề hai con đường rất thường triển khai trong Thánh Kinh, hai con đường trong cuộc sống của chúng ta: một con đường dẫn đến Chúa, và con đường đối ngược lại. Đã nói đến con đường thì nó phải đưa đến một nơi nào đó. Nếu đi đúng hướng nó sẽ đưa ta đến gần đích, khi đến ngã ba, nếu đi sai hướng sẽ đưa xa dần đích đến. Vì thế những ai tin vào Chúa Giê-su - « lãnh nhận » Ngài như trong Tin Mừng theo thánh Gio-an - kẻ ấy sẽ lớn lên dần mỗi ngày trong bình an, trong ánh sáng, trong hiểu biết về Chúa. Còn trái lại những ai, chỉ vì không biết từ chối không tin, dần dần bị lôi kéo sâu thẳm hơn theo con đường mù quáng. Ví dụ như trong sách Công Vụ Tông Đồ trong chúa nhật hôm nay, thật lạ lùng thấy các nhân vật trong giáo quyền Giê-ru-sa-lem tự hại mình, sau khi thủ tiêu được Đức Giê-su, họ chỉ nghĩ đến làm câm miệng các môn đệ Ngài, không đặt lại vấn đề niềm xác tín của mình, ngay khi chứng kiến những phép lạ sờ sờ trước mắt họ.

Đối với những ai chấp nhận tin, tất cả trở nên trong sáng, Chúa Thánh Thần dần dần trao cho họ sự khôn ngoan của Lời Chúa. Lần lượt được giải mã, để hiểu kế hoạch Thiên Chúa thực hiện từng chút, từng chút trong lịch sử loài người, họ có thể nói: « Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương »

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com