"Chư dân hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài"
2 Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
3 cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.
4 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!
5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.
6 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.
7 Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái:
Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc.
8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta!
Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!
Trước khi đọc bài Thánh vịnh này, phải tưởng tượng bối cảnh của nội dung. Chúng ta đang tham dự một đại lễ trong Đền Giê-ru-sa-lem. Cuối lễ các tư tế ban phúc lành cho cộng đoàn và dân chúng đáp: «4 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài! ». Bài thánh vịnh này được viết cho hai bè đối đáp (các câu của các tư tế và các đáp ca của cộng đoàn) như một điệp khúc. Các câu của các tư tế thỉnh thoảng dâng lên Chúa thỉnh thoảng hướng về cộng đoàn. Điều này luôn làm cho chúng ta khó hiểu nhưng rất thường trong Thánh Kinh.
Câu chúc phúc đầu tiên của các tư tế lập lại gần như nguyên văn một bài bất hủ trong sách Dân Số « 24 "Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)! 25 Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! 26 Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)! » (Ds 6, 24-26). Các bạn hẳn đã nhận ra bài này: đó là Bài đọc một của ngày đầu năm 01 tháng giêng hằng năm. Đó là những lời chúc lý tưởng cho ngày đầu năm! Không thể có lời chúc hạnh phúc nào tốt đẹp hơn.
Thật ra ban một phép lành là như thế đó: những lời chúc hạnh phúc. Cũng như những lời « chúc hạnh phúc », các phép lành thường được phát biểu như sau (dưới các thì của lối liên tiếp theo văn phạm Pháp ngữ): « Nguyện Chúa chúc lành; nguyện Chúa gìn giữ… ». Tới đây làm cho tôi nhớ đến một mẫu chuyện nhỏ: có một phụ nữ trẻ quen với tôi mắc bệnh phải nhập viện. Ngày chúa nhật có một linh mục bạn đến thăm và cho bà rước Mình Thánh Chúa, sau nghi lễ như thường lệ, linh mục nói: « Nguyện Chúa chúc lành cho bà », bà bệnh nhân bộc phát không suy nghĩ (ở bệnh viện có thể thông cảm) bà cười và trả lời ngay : « Chúa có thể nào làm gì được khác đâu! ». Một lời bộc phát dễ thương: người bạn trẻ vừa khám phá một sự thật vĩ đại. Thật vậy: Chúa chỉ chúc lành cho chúng ta, yêu thương và tràn ân phúc cho chúng ta mỗi khi mỗi lúc. Khi vị linh mục (dù trong Đền Giê-ru-sa-lem hay trong bệnh viện hay trong nhà thờ) nói « Nguyện Chúa chúc lành », không có nghĩa là Chúa có thể không chúc lành! Lời ước đó dành cho chúng ta: có nghĩa là mong rằng chúng ta lãnh nhận lời chúc lành mà Chúa không ngừng ban cho chúng ta…
Khi linh mục nói: « Chúa ở cùng anh chị em », cũng như thế, Chúa luôn luôn ở cùng chúng ta, nhưng cách nói ấy thể hiện sự tự do của chúng ta. Chính chúng ta mới không luôn ở cùng Chúa. Chúng ta cũng có thể áp dụng như thế cho câu « Nguyện Chúa thứ tha cho anh em ». Chúa luôn luôn tha thứ, chính chúng ta mới phải nhận sự tha thứ ấy, đi vào liên quan hoà giải Ngài đề nghị với chúng ta. Chúng ta biết rằng, về phần Thiên Chúa, những lời chúc chúng ta hạnh phúc là thường trực. Quý bạn hẳn còn nhớ câu sau đây từ Giê-rê-mi-a: « 11 Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng » (Gr 29, 11) Chúng ta đều biết Chúa là Tình yêu. Tôi thiết tưởng tất cả tư tưởng của Ngài về chúng ta là những lời chúc hạnh phúc.
Còn một hướng suy nghĩ khác giúp hiểu thế nào là lời chúc lành theo Thánh kinh. Tôi xin trở lại sách Dân Số khi nãy tôi đọc lên vì có phần giống bài thánh vịnh chúng ta hôm nay: « 24 "Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)! ». Trong sách Dân số nói: « 22 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê:23 "Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này » (Ds 6, 22), và câu sau cùng: « 27 Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng. » (Ds 6, 27). Khi các tư tế ban phúc lành, nhân danh Thiên Chúa, Thánh Kinh nói « Các vị gọi tên Chúa trên con cái It-ra-en », đúng hơn Thánh Kinh viết « đặt Tên Chúa trên các con cái It-ra-en ». Cụm chữ « đặt Tên Chúa trên các con cái It-ra-en », đối với chúng ta đồng nghĩa với ban phúc lành. Chúng ta cũng biết rằng trong Thánh Kinh, tên là một cá thể. Vì lẽ đó khi nói rằng « đặt dưới tên Thiên Chúa » tức là đặt trong sự hiện diện của Chúa, dưới sự che chở của Ngài, đi vào sự hiện diện của Ngài, trong ánh sáng của Ngài, trong tình yêu của Ngài. Một lần nữa xin nhắc lại tất cả những điều ấy luôn được trao ban cho chúng ta mỗi khi mỗi lúc. Thế nhưng chúng ta cũng phải ưng thuận chấp nhận. Vì lẽ đó mọi lời chúc lành đều có dự trù phần đáp của các tín hữu. Ví dụ như sau Thánh Lễ, chủ tế ban phép lành cho chúng ta, chúng ta trả lời « Amen », đó là lời chúng ta phát biểu sự chấp nhận của chúng ta.
Trong bài Thánh vịnh hôm nay, câu trả lời của các tín hữu là: « 4 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài! » Đây là một bài học tuyệt vời về tính cách hoàn vũ! Một khi dân Chúa nhận được phúc lành của Thiên Chúa, họ trao ngay lại cho chư dân. Câu chút kết hợp hai chiều kích ấy: « 8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! » (Ngụ ý nói chúng ta là dân Chúa chọn) « Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người! ». Điều này có nghĩa là dân It-ra-en không giây phút nào quên sứ vụ của họ phục vụ toàn nhân loại. Họ hiểu rằng sự trung thành với những lời chúc lành nhận nhưng không từ Thiên Chúa, hệ tại toàn nhân loại có khám phá ra tình yêu và lời chúc lành của Thiên Chúa hay không.
***