Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN VI PHỤC SINH Năm C (Ga 14, 23-29) 01/05/2016

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

-----------------

"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

23 Đức Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.

26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.

29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

 

Chúng ta đang trong những giờ phút cuối cùng của đời sống Chúa Giê-su, ngay trước cuộc Thương Khó. Đây là lúc thật nghiêm trọng… Trong giây phút này có thể đóan được tâm trạng xao xyến lo lắng của các nhân vật khi đọc những hàng sau đây của bài, chúng ta thấy Chúa lặp lại nhiều lần những lời trấn an các môn đệ: « Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi ». Ở đầu chương Chúa cũng đã nói: « 1 Anh em đừng xao xuyến! » (14, 1). Suốt bài giảng thật dài của Chúa, các Tông Đồ không ngừng ngắt lời, đặt những câu hỏi chứng tỏ các ông không hiểu Chúa và tiết lộ sự lo lắng của các ông.

Nhưng, lạ thay Chúa lúc nào cũng rất thanh thản. Ở đây cũng như suốt cuộc thương khó thánh sử Gio-an miêu tả Chúa Giê-su hoàn toàn tự do. Chính Ngài trấn an các Tông đồ chứ không phải ngược lại! Ngài loan báo những gì sẽ xảy đến: « 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin ». Chẳng những Chúa biết đuợc những gì sẽ xảy ra mà Ngài còn chấp nhận: Ngài không làm gì để thoái thác. Chúa loan báo Ngài sẽ ra đi nhưng giải thích như đây là điều kiện ắt phải có và là khởi đầu của một sự hiện diện mới: « Thầy ra đi và đến cùng anh em ».

Sự « ra đi » này, sau khi Phục Sinh được xem như một Lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su. Cũng chính thánh sử Gio-an nói trong chương 13: « 1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha » (13,1)… Cuộc Thương Khó của Chúa được so với sự giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, sự kiện luôn được sống trong ký ức người dân Do Thái nhất là mỗi khi đến Lễ Vượt Qua. Vì thế, nếu là cuộc giải phóng thì không phải lý do để dìm các Tông Đồ trong u sầu: « Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha ». Câu này thật kinh ngạc đối với các môn đệ, khi thấy Ngài là đấng mà các ông theo sát gót suốt ba năm liền, nay bị giáo quyền truy lùng. Mà giáo quyền là ai? Là nơi dân Do Thái tin tưởng những gì thuộc về Thiên Chúa, tức là những gì người Dân Do Thái gắn bó nhất trong đời.

Đây lại là giáo quyền, nhân danh Thiên Chúa nhất quyết đối lập với Chúa Giê-su. Phải công nhận họ cũng có lý do của họ. Từ nhiều thế kỷ, khám phá lớn lao nhất của dân được Chúa chọn, và cũng là do chính Thiên Chúa mặc Khải, đó là Thiên Chúa Duy Nhất: « 4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất » (Đnl 6, 5). Tất cả các ngôn sứ cũng đã dốc mọi nỗ lực để giữ niềm tin ấy qua mọi thời đại. Thiên Chúa duy nhất, vừa là Chúa Gần Gũi loài người vừa là Đấng Khác Biệt, Đấng Chí Thánh. Đức Giê-su cũng giảng Thiên Chúa là đấng gần gũi con người, đặc biệt đối với người nhỏ bé thấp hèn… Thế nhưng Ngài tự xưng mình chính là Thiên Chúa: dưới mắt người Do Thái đúng là một điều phạm thượng, xúc phạm đến Thiên Chúa Duy Nhất, với Thiên Chúa Thật Khác Biệt. Trong bài chúng ta được đọc chúa nhật hôm nay, Chúa Giê-su nhấn mạnh quan hệ mất thiết giữa Ngài và Đức Chúa Cha: được nêu lên năm lần trong những câu này! Ngài còn quả quyết, trong câu sau đây bằng cách nói chung với Đức Chúa Cha: « Ai yêu mến Thầy… Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy ».

Đây không phải lần đầu tiên Chúa nói như thế. Trước đó mấy câu Chúa trả lời câu hỏi của Phi-líp-phê: « Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha » Chúa cũng đã ung dung trả lời « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha » (Ga 14, 9). Trong bài chúng ta đang đọc Chúa cũng nói « lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. ». Nói cách khác, Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đi. Kể từ nay Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ hiểu và ghi tạc trong lòng. Chìa khoá chính yếu của bài này có lẽ ở chữ « lời », chữ này được lặp đi lặp lại nhiều lần, nếu xét chung với những câu trước đó, thì không thể nào ngờ được, lời nhất định phải ghi nhớ ấy, đó là « Giới răn Tình Yêu »: « anh em hãy yêu thương nhau ». Điều này có nghĩa là hãy phục vụ cho nhau, và để cho hiểu điều này, Chúa đưa ra một mẫu gương rất thực tế, Ngài rửa chân cho các môn đệ.

Thế thì trung thành với lời ấy tức là yêu thương phục vụ thiết thực anh em đồng loại. Bài hôm nay nói: « Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy », có thể hiểu rằng: « Ai yêu mến Thầy, thì phục vụ anh em mình và Chúa Cha yêu người ấy, Chúa Cha và Ta sẽ ở lại trong người ấy. Những ai không thương yêu Ta thì không phục vụ anh em mình… Điều răn tình yêu ấy, không đến từ Ta nhưng đến từ đấng sai ta đó là Đức Chúa Cha… Đấng Bảo Trợ, Thánh Thần Chúa, Thánh Thần Tình Yêu mà Chúa Cha sai đến nhân danh Ta, sẽ dạy cho người ấy biết mến yêu, và làm cho nhớ lại Điều Răn Yêu Thương

Đấng Bảo Trợ dạy tất cả và làm cho nhớ lại: vì lẽ đó mà được gọi là kẻ Bảo Trợ, Đấng hằng che chở chúng ta. Vô phúc nhất cho chúng ta là quên điều chính yếu: yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com