Alleluia, alleluia!
- Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. - Alleluia.
-----------------
"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Chúng ta đã từng đọc bài Tin Mừng này ở tuần II Chúa nhật Phục Sinh nhưng hôm nay mang lại cho ta một ánh sáng mới, vì lẽ có các bài khác cùng đọc ở ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ví dụ như sự kiện nêu lên trong Lễ Chúa Thánh ThầnHiện Xuống trong sách Công Vụ Tông Đồ là cho chúng ta chú ý ngay đến hơi thở:
« 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần » (Ga 20, 22) ;
Sách Công Vụ TĐ nói « 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp » (Cv 2, 2).
Trong lúc đó bài TV hôm nay Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống chép: « 30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên » (Tv 103 30);
Cùng một tiếng vang ấy trong sách Sáng Thế: « 7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật » (St 2, 7). Đó có nghĩa là Thánh Linh đối với chúng ta là hơi thở đem lại sự sống, và ơn sủng của Ngài làm cho chúng ta được sự tái sinh.
Điều thứ hai chúng ta lưu ý về hơi thở: Hình như thứ tự các sự kiện thánh sử Gio-an chọn về Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là cho chúng ta một bài học. Tôi xin chép lại 3 câu theo thứ tự :
1/- « 21 Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em »
2/- " 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
3/- 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Câu thứ nhất và câu thứ ba là 2 sứ vụ đóng khung cho câu giữa là ân sủng Chúa Thánh Thần. Tất cả để muốn nói ơn Chúa Thánh Thần ban cho là để chu toàn nhiệm vụ. Chúng ta không có lẽ sống nào khác ngoài nhiệm vụ ấy. Nhiệm vụ ấy là « tha tội ». Đó cũng là điều Chúa Giê-su đã làm; vì thế ngài nói: « Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em ». Chúa Giê-su là đấng được sai đi, đó là một đề tài thánh Gio-an yêu chuộng.
Tới phiên chúng ta Chúa Giê-su cũng gởi chúng ta ra đi, và thánh Gio-an cũng dùng một ngôn ngữ như thế. Đức Chúa Cha gởi Chúa Giê-su đi, và chúng ta được Chúa Giê-su gởi đi. Chúng ta có cùng một sứ vụ của Chúa Giê-su, Ngài đã gởi chúng ta ra đi. Nói như thế để thấy trách nhiệm, sự tín nhiệm nơi chúng ta; điều này dành cho tất cả những ai nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội. Sứ vụ ấy của Chúa Giê-su, nếu chỉ theo Tin Mừng thánh Gio-an là thanh tẩy mọi tội lỗi của thế gian – tôi có khuynh hướng muốn nói « diệt tận rễ tội lỗi » thế gian – vì là con chiên Thiên Chúa: « Chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội trần gian » như ông Gio-an Tẩy Giả nói. Con chiên là kẻ « hiền và nhân hậu » đứng trước các đao phủ của mình (như tiên tri I-sa-i-a nói (Is 52-53). Đó cũng là con chiên vượt qua mà máu của nó đã đánh dấu ngày được Thiên Chúa giải thoát dân Ngài. Ngoài việc giải cứu ra khỏi Ai-cập câu sau đây của ông Gio-an Tẩy giả còn muốn nói giải thoát khỏi hận thù và bạo lực.
Chúa Giê-su cũng thường nói về sứ vụ của Ngài: « 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ … để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, » (Ga 3, 17 ;3 16b). Có lẽ các lời Chúa Giê-su về sứ vụ của Ngài làm sáng tỏ câu khá khó hiểu của bài hôm nay: « 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ ». Chúng ta chấp nhận tất nhiên dễ dàng phần đầu của câu ấy, phần thứ hai làm cho chúng ta bối rối. Để tôi thử nói rõ thêm câu này, hi vọng không làm sai nghĩa: « Anh em tha tội cho ai thì tội của người ấy được tha, anh em không tha tội cho người nào, thì tội người ấy sẽ không được tha »
Không thể nào tưởng tượng Cha chúng ta trên trời có thể không tha tội. Từ Cựu Ước mọi điều đều được sáng tỏ rằng sự tha thứ của Thiên Chúa còn đi trước lòng sám hối của chúng ta. Nơi Thiên Chúa sự tha thứ không phải là một hành động nhất thời, bản chất Ngài là tha thứ. Chúa là ơn cho không và tha thứ. Đặc điểm của lòng thương xót Thiên Chúa là nghiêng về kẻ khốn cùng, và chúng ta là kẻ khốn cùng.
Thế ra Chúa trao cho các Tông đồ quyền loan báo lời tha thứ của Thiên Chúa; và đồng thời một trách nhiệm kinh khủng trong đoạn thứ hai của câu trên: Không loan báo lời tha thứ ấy của Thiên Chúa, để cho thế gian không hiểu biết gì về lòng tha thứ ấy của Ngài là để thế gian trong sự tuyệt vọng. Nghe tới đây chúng ta muốn ra đi thi hành ngay! (Lời người dịch: Sứ vụ của người Cursillista )
Sự tha thứ của Chúa phải được loan truyền bằng hai phương cách: lời nói và hành động. Điều đòi hỏi nơi chính chúng ta là Tha thứ. Chúng ta đối với thế gian là những chứng nhân của lòng tha thứ của Chúa. Đó là sự tạo dựng mới, Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta lòng tha thứ của Ngài. Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ơn tha thứ đã được thổi và chúng ta. Chúa thổi vào, nhắc nhở (Người dịch: chữ thổi và nhắc nhở đồng nghĩa của chữ souffler) chúng ta những lời thứ tha. Cũng như trong rạp trình diễn kịch, hay cải lương từ cái lỗ trước sân khấu có người nhắc cho diễn viên. Kể từ nay có đấng nhắc nhở chúng ta có những lời và hành động tha thứ. Chúa Thánh Linh biến chúng ta thành những con chiên của Thiên Chúa và ban cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng vòng xoắn của hận thù và bạo lực. Đấy cuối cùng là « ngày thứ 8 » mà Cựu Ước loan báo, ngày mà tất cả nhân loại sống trong tình yêu và tha thứ.
***