"Họ sẽ nhìn thấy Đấng họ đã đâm thâu qua."
Trích sách Tiên tri Dacaria
Lời sấm.
10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng
.11 Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giê-ru-sa-lem, như người ta than khóc thần Ha-đát Rim-môn ở cánh đồng Mơ-ghít-đô.
13, 1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế
Đây là một bài liên quan hàng đầu đến đời sống chúng ta, vì một trong những câu hỏi chúng ta thường đặt cho mình là: nói rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ…nhưng Chúa cứu chúng ta khỏi những gì ? và như thế nào ? Các Ki-tô hữu sơ khai cũng đặt câu hỏi như chúng ta và đi tìm lời giải trong sách Da-ca-ri-a này.
Câu trả lời có hai vế. Thứ nhất, Chúa Giê-su cứu chúng ta khỏi gì ? Ngài cứu chúng ta khỏi hận thù, bạo lực, ích kỷ, là nguồn gốc mọi sự dữ của chúng ta. Để mượn lời tiên tri Da-ca-ri-a, có thể nói: Ngài thay trái tim bằng đá ra tim bằng thịt. Da-ca-ri-a nói « 10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện ». Vế thứ hai, Chúa Giê-su cứu chúng ta như thế nào ? Trả lời: cho ta nhìn thấy thân thể Ngài bị đâm thâu. Thánh Gio-an cũng trích từ sách Da-ca-ri-a để nói về cuộc Thương Khó Chúa Giê-su, câu bất hủ sau đây: « Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta… Đấng chúng đã đâm thâu » và Da-ca-ri-a tiếp tục: « 1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế »
Ngày nay chúng ta tự hỏi, ơn cứu độ đó đã được hoàn tất chưa trong lúc nhân loại còn sống trong hận thù, bạo lực, ích kỷ và hỗn loạn đủ thứ. Bây giờ xin đề nghị chúng ta đọc lại bài này tuần tự từ đầu.
« Lời sấm », trong chương 12 cụm chữ này được nhắc lại nhiều lần. Tác giả có vẻ như muốn nói với chúng ta « các bạn sẽ thấy khó tin, nhưng những lời hứa đó sẽ được thực hiện vì chính Chúa đã cam kết như thế » (xin lưu ý trong bản tiếng Pháp đoạn này các động từ được chia theo thể « tương lai » là điều chắc chắn, chứ không theo thì « có thể xảy ra »…vì đây là một xác tín).
Cụm chữ « Ngày ấy » cũng được nhắc lại nhiều lần để nói lên một sự kiện hoàn tất được chờ đợi từ muôn thuở. « Ngày ấy » ngụ ý nói ngày của Thiên Chúa; ngày của chính Chúa cũng chờ đợi, ngày này là lý do tại sao Ngài tạo dựng thế giới và loài người; ngày ấy sẽ hoàn tất dự án của Ngài. Ngày ấy « 10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem ». Đối với người Do Thái, câu này ngụ ý nói về Đấng Mê-si-a, mỗi lần Thánh Kinh nói đến nhà Đa-vít, đó là nói đến Đấng Mê-si-a. Và cái « Ngày » bất hủ của Thiên Chúa, chính là ngày Thiên Chúa hoàn tất công trình Cứu Độ.
Vấn đề là từ khi bị lưu đày Ba-by-lon It-ra-en không còn có vua, càng không có ai kế vì vua Đa-vít. Biết như thế mà ngụ ý của ngôn sứ Da-ca-ri-a rất rõ ràng: « Ngày ấy...Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem », điều này nói lên, mặc cho bề ngoài như thế, nhà Đa-vít không bị loại; nơi đây Chúa vẫn tiếp tục công trình của Ngài. Còn phải hiểu Giê-ru-sa-lem - tức là dân tộc It-ra-en - vẫn là dân của Thiên Chúa chọn để mang lại cho loài người ơn cứu độ mà mọi người hằng chờ mong.
Chúng ta hãy tiếp tục: « Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện ». Thời Mê-si-a bắt đầu bằng sự hoán cải của Giê-ru-sa-lem và dân Chúa chọn.
« Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu », cụm chữ, ngước nhìn lên, có nghĩa là quay về Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy cụm chữ này trong nhiều thánh vịnh (ví dụ như trong Tv 123: « Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa ») Điều này nói lên một ai đó bị dân Chúa chọn đâm thâu, sau này dân chúng sẽ nhận ra, Người ấy là Thiên Chúa « ngước nhìn lên », như ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa.
Nếu tôi không lầm, sứ điệp của ngôn sứ Da-ca-ri-a là: « Đấng Mê-si-a bị đâm thâu (tức là bị ruồng bỏ, không được nhận ra và bị giết) nhưng sau đó dân chúng mở mắt ra, nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a. Vì thế họ đắng cay nhận ra thái độ của họ, họ khóc lóc chịu tang: xin xem câu nói sau đây: « Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng. Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giê-ru-sa-lem », câu này ngụ ý nói đến truyền thống mang tang. Dĩ nhiên việc từ khước không công nhận Đấng Mê-si-a, sau này được hiểu như tội mưu sát một nhân vật quý giá nhất.
Sau khi mắt được mở thì đến con tim. Ê-dê-ki-en đã nói điều tương tư như thế: « 26 Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt » (Ed 36, 26). Khi bài này nói biết sống đẹp, thương tiếc, khóc than là nói lên con tim bằng đá từ nay tan nát, và trở nên những con tim bằng thịt. Và một khi con tim bằng đá dần dần tan vỡ để trở thành con tim bằng thịt trong mỗi chúng ta, thì chúng ta khám phá ra những thoả hiệp của chúng ta: tất cả những gì chúng ta làm ngơ, vì vô tâm hay vì hèn nhát… Chính Ê-dê-ki-en cũng nói thêm: « 43 Tại đó, các ngươi sẽ nhớ lại lối sống của các ngươi và tất cả các hành vi khiến các ngươi ra ô uế; các ngươi sẽ kinh tởm chính bản thân mình, vì mọi điều gian ác các ngươi đã làm » (Ed 20, 43). Một khi chúng ta trưởng thành và sống có ý thức, chúng ta không thể « rửa tay trước công chúng » như Phi-la-tô: « Chúng sẽ ngước nhìn lên… Đấng chúng đã đâm thâu », ngay cả những người không trực tiếp tham gia cũng khám phá ra sự đồng lõa của mình. Ngày đó sẽ có than khóc trong Giê-ru-sa-lem, tức là trong toàn dân chúng.
Còn câu chót : « 13, 1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế ». Một cách rất mầu nhiệm, có vẻ như sự hoán cải của dân chúng là hoa trái của cái chết vô tội ấy, và vì lẽ đó Đấng Mê-si-a phải đi đến cùng để mở mắt ( và mở lòng) dân của Ngài…Thật ra tội lỗi, điều ô uế , nhắm mắt không muốn thấy, từ chối không công nhận đồng lõa, đó chính là con tim bằng đá. Thế nhưng hành động giết chết Đấng Mê-si-a vô tội làm vọt ra một dòng suối cuốn đi hết, lau rửa hết. Thánh Gio-an - người từng biết rõ sách Da-ca-ri-a - sau này viết: « Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống » (Ga 7, 38b)
Còn một điều tối quan trọng: tất cả xảy ra như ngôn sứ Da-ca-ri-a tiên đóan (Đấng Mê-si-a bị đâm thâu thật) nhưng không thể nói lòng người được biến đổi hoàn toàn và vĩnh viễn. Trả lời làm sao đây, ngoài ra nói Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta là con người tự do ? Chính chúng ta phải chấp nhận ngước mắt lên Ngài. Chúa không dùng quyền lực để hoán cải chúng ta.
***