"Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con"
1 Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
2 Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? "
5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
7 Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
9 Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
11 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!
Giống như chúa nhật tuần trước, đây là một bài thánh vịnh giới thiệu tâm tình một người Lê-vi. Bằng chứng là câu sau đây: « Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ », câu này ngụ ý nói đến quy chế đặc biệt của người Lê-vi. Khi chia gia tài phân cắt đất vùng Pa-lét-tin giữa các chi tộc con cháu ông Gia-cóp (Chia bằng cách bắt thăm), các thành viên chi tộc Lê-vi không được phần đất nào: phần của họ là Nhà Thiên Chúa, phục vụ Thiên Chúa… Trọn đời họ sẽ dành cho sự phụng thờ Thiên Chúa, họ không có thu hoạch nào khác. Đời sống của họ dựa vào tiền bố thí dâng cho Đền (Ngày nay chúng ta gọi là quỹ của Giáo Hội) và một phần cây trái ngũ cốc từ mùa gặt hái và số thịt dâng cúng cho nghi lễ trong Đền thánh. Có câu 6 cũng trong bài Thánh Vịnh hôm nay chúng ta không đọc, ngụ ý nói điều khác đặc biệt ấy: «6 Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn ». Có lẽ bài ca bất hủ Chúa là gia nghiệp đời con. « Xin Ngài bảo toàn thân con,vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc,và ở nơi Chúa con tìm thấy được nguồn vui,Chúa là gia nghiệp đời con » cũng được tìm cảm hứng nơi bài Tv này. Nhiều câu khác cũng ngụ ý nói về các người Lê-vi: «ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con » hay là: « 8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt » bởi vì các Lê-vi thay phiên nhau giữ Đền ngày đêm.
Qua đó chúng ta cũng thấy quy chế đặc biệt, được ưu đãi của người Lê-vi, điều này được cảm nhận như hình ảnh của quy chế đặc biệt dành cho dân Chúa chọn, để phục vụ giữa mọi dân tộc. Sở dĩ điều này được nhấn mạnh lại với nhiều xác tín vì không đơn giản như thế. Ý thức dân It-ra-en được chọn đặc biệt là một điều: sống hằng ngày những đòi hỏi xuất phát từ ân huệ ấy là một việc khác nữa. Như Ê-li-dê (trong Bài đọc 1 hôm nay) phải kiên quyết chọn lựa để đáp lại lời kêu gọi của Ê-li-a, cũng như thế, dân Chúa chọn cũng phải có những chọn lựa tương tự để cưỡng lại nhiều thứ cám dỗ, ngõ hầu sống trung thành với Giao ước. Sở dĩ Ê-lia và Ê-li-dê phải cực lực đấu tranh như thế vì sống trung tín với Chúa. It-ra-en không phải tự nhiên mà có. Chúng ta còn nhớ cuộc chiến không đội trời chung chống lại đạo thờ bụt thần Ba-an.
Có lẽ muốn hiểu mức độ trầm trọng của vấn đề, phải đặt vào não trạng dân thời ấy. Đối với chúng ta ngày nay, Chúa duy nhất là điều hiển nhiên, nhưng hồi thời ông Mô-sê, hay ngay cả Ê-li-a hay Ê-li-dê không có vấn đề là Chúa duy nhất: dân It-ra-en có Chúa It-ra-en, các dân tộc khác có thần các dân tộc khác để bảo vệ họ, còn có khi có vẻ còn hữu hiệu hơn cả It-ra-en, ít nữa là nhìn từ bên ngoài. Vì thế họ có khuynh hướng làm vui lòng tất cả các thần. Ngoài ra họ ký giao ước với các vua láng giềng. Các giao ước ấy thường dưới hình thức hôn nhân, với các công chúa nước ngoài. Của hồi môn có thể là những bụt thần, cách tôn thờ của họ, cùng với đoàn tuỳ tùng đi theo để phục vụ, trong đó có các tư tế và ngôn sứ thần Ba-an (Đó là câu truyện của A-kháp vua Ít-ra-en cưới nàng I-de-ven, con vua Xi-đôn).
Trong giai đoạn đầu của sự Mặc khải, các ngôn sứ không chống lại những thần các xứ láng giềng, nhưng tranh đấu mãnh liệt để dân chúng trung tín với Thiên Chúa It-ra-en. Sau này họ nhận ra Thiên Chúa It-ra-en cũng là Thiên Chúa các dân tộc khác (Đó là ý nghĩa của sách Giô-na chẳng hạn), nhưng lúc đầu không ai tưởng tượng có thể như thế. Mỗi dân tộc có một chúa, một thần để bảo vệ họ. Dân Ít-ra-en có Chúa Ít-ra-en, Chúa duy nhất, đây cũng là một bước tiến tuyệt vời của mặc khải: chúng ta còn nhớ bên Ai cập có biết bao nhiêu thần.
Thiên Chúa It-ra en có một đòi hỏi khắt khe: Ngài hứa cho họ tự do và hạnh phúc, nhưng đáp lại Ngài ban luật cấm mọi hình thức thờ lạy các bụt thần, hay mọi thứ hình ảnh. Bài thánh vịnh 15 diễn tả cuộc chiến có lúc khốc liệt, của lòng trung tín, đức tin thực sự đặc biệt của dân tộc Ít-ra-en từ muôn thuở. Bài phát biểu như một lời cam kết: « 2 Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? " 5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên ». Điều này muốn nói lên chúng con không tìm nương tựa nơi nào khác hơn Ngài. « Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu »
Ngược lại, chúng ta cũng còn nhớ những lời hứa của Thiên Chúa, những lời chúc phúc, vì những đòi hỏi của Thiên Chúa xuất phát từ tình yêu. Sở dĩ Chúa ban lề luật bó buộc như thế đó là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc và tự do thật sự. Điều này không ai quên: « 7 Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,… 11 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống ».
Câu sau cùng ấy rất quan trọng: « Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống ». Điều này có nghĩa là Chúa sẽ cho dân Ngài tuyển chọn, vượt qua tất cả những gian truân suốt dòng lịch sử, chỉ vì Chúa đã hứa như thế. Đó là ý nghĩa các câu sau cùng: « 10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ… trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! ».
Như trong mọi thánh vịnh, đây là lời của tất cả dân chúng. Không đề cập đến sự phục sinh cá nhân: thời các thánh vịnh này được viết ra, sự phục sinh con người không ai có thể tưởng tượng có thật. Lòng tin vào sự phục sinh chỉ bắt đầu chớm nở vào khoảng năm 165 trước CN. Vì thế ý nghĩa các câu đầu bài chúng ta đọc nói lên tính bất diệt của cả dân tộc Ít-ra-en. Dĩ nhiên, ngày hôm nay sau Mặc Khải của Thiên Chúa bao nhiêu thế kỷ, và nhất là sau sự Phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta có thể hiểu qua những câu này ý nghĩa của sự xác tín đầy lòng hoan hỉ và cậy trông cho riêng mỗi chúng ta: « 10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ… trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! »
***