Alleluia, Alleluia!
Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến trong người ấy Alleluia
-----------------
"Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.
23 Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? " Người bảo họ:
24 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
25 "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! , thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!
26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.
27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!
28 "Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.
29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."
« … có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót ». Những kẻ đứng đầu trên phương diện Thiên Chúa là dân Do Thái: thánh Phao-lô nói: «4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; 5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ » (Rm 9, 4-5). Vì dân Do Thái là dân của Giao Ước. Chúa là đấng tối cao đã chọn họ, họ là những kẻ đầu tiên được mạc khải. Như sách Đệ Nhị Luật chép: « 15 Nhưng chỉ có cha ông của anh (em) là được ĐỨC CHÚA đem lòng quyến luyến yêu thương; sau các ngài, giữa muôn dân, Người đã chọn dòng dõi các ngài tức là anh em, như anh em thấy ngày hôm nay » (Đnl 10, 15).
Sự chọn lựa gây hứng cho biết bao bài thánh ca It-ra-en suốt dòng lịch sử: « 12 Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp » (Tv33). Nhưng sự chọn lựa ấy cũng là một sứ vụ: « Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất » (Is 49, 6). Sứ vụ ấy được kèm theo một lời hứa: « 2 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3 nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền » (Is 2, 2-3)
Qua dân tộc Ít-ra-en, tất cả nhân loại được mời tham dự buổi tiệc trên núi Thiên Chúa, tức là đền thánh Giê-ru-sa-lem: « 6 Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. 7 Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước » (Is 25, 6-7). Và chính vì thế bài dụ ngôn hôm nay của chúng ta loan báo rằng cửa bữa tiệc chẳng những chật hẹp nhưng còn đóng hẳn với phần đông những người đến nghe Chúa Giê-su. Không phải vì Chủ Nhân không muốn mời nhưng vì khách không muốn hiểu mình là những người đầu tiên được mời. Vì thế Chủ nhân rất thất vọng thốt lên: « 24 Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi. » (Lc 14, 24) Sau hơn hai nghìn năm đạo Ki-tô, chúng ta khó đo lường được ảnh hưởng của bài dụ ngôn này trong dân Chúa, có thể ví như một cuộc động đất.
Trong sách Công Vụ Tông Đồ thánh Lu-ca kể lại dong dài thảm kịch ấy. Một đoạn trong chương sau cùng sách này thật tiêu biểu. Câu chuyện xảy ra trong lúc thánh Phao-lô bị cầm tù tại Rô-ma: « 23…từ sáng đến chiều, ông dựa vào Luật Mô-sê và các ngôn sứ mà nói về Đức Giê-su, để cố thuyết phục họ. 24 Nghe ông nói, người thì được thuyết phục, người thì không chịu tin. 25 Khi giải tán, họ vẫn không đồng ý với nhau; ông Phao-lô chỉ nói thêm một lời: "Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ I-sai-a mà phán với cha ông anh em 26 rằng: Hãy đến gặp dân này và nói: Các ngươi có lắng tai nghe cũng không hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 27 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 28 "Vậy xin anh em biết cho rằng: ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gửi đến cho các dân ngoại; họ thì họ sẽ nghe » (Cv 28, 13-28)
Tuy đa số dân It-ra-en có vẻ cứng cổ cứng lòng, không phải hoàn toàn thất bại. Dân được Chúa chọn lúc nào cũng vẫn là dân Chúa chọn, vì như thánh Phao-lô nói: « Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý. » (Rm 12, 29). Trên thập giá Chúa Giê-su đã kêu lên: « Xin Cha tha tội cho họ vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34) Chắc chắn lời nguyện ấy và tất cả những lời nguyện khác cũng được Chúa Cha nhậm lời. Một lần nữa, từ một sự dữ, Chúa làm sinh ra một ân huệ. Thật rất nghịch lý, sự từ chối của It-ra-en khiến cho các Tông Đồ quay sang các dân tộc khác, sự kiện này làm cho người ngoại sớm vào Nước Trời. « …vì It-ra-en sa ngã mà Thiên Chúa cho các dân ngoại hưởng ơn cứu độ » (Rm 11, 11). Một ngày kia, tất cả cùng chung nhau, Do Thái và dân ngoại sẽ cùng được tham dự buổi tiệc được dọn trên núi.
***