Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XXI TN Năm C (Dt 12, 5-7. 11-13) 21/08/2016

"Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến"

Trích thư gửi tín hữu Do Thái

 

5 Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách.

6 Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.

7 Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy

11 Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.

12 Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ.

13 Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.

 

« 7 Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy ». Qua những chương trước chúng ta được biết đối tượng của bài này là những kẻ đã đau khổ nhiều vì đức tin: « 32 Xin anh em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập. 33 Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ. 34 Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn lại vừa bền vững ». (Dt 10, 32-34)

Vì lẽ sự đau khổ, bất cứ từ đâu đến, luôn là một điều đáng căm phẫn, tác giả gắng giải thích, hay ít nữa đưa ra một ý nghĩa. Thánh kinh luôn bênh vực quan điểm đau khổ là sự dữ, nhưng có thể là một con đường: đó là một thử thách cho đức tin, và khả thi làm cho đức tin thêm trưởng thành. Có thể Chúa thinh lặng nhưng người tín hữu biết rằng dù gì đi nữa, không phải Ngài không nghe thấy hay vô tâm; trái lại Ngài đồng hành từng bước với chúng ta trên con đường khó khăn ấy. Vì thế cuộc thử thách có thể trở nên dưới mắt những kẻ nhìn chúng ta, một chứng tá cho lòng cậy trông của chúng ta, một sự bình an nội tâm của Thần khí. « 6 Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. » (Tv 130, 129).

Thư thứ nhất thánh Phê-rô mang lại cho chúng ta ánh sáng cho đề tài này: « 6 Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. 7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự ». (1Pr 1, 6-7). Sau đó vài câu, thánh nhân rút ra hệ luận rằng: « 12 Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. 13 Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.» (1Pr 4, 12-13)

Sự đau khổ có thể trở nên một trường học, nơi Chúa Thánh Thần dạy chúng ta sống, dù gì đi nữa: « 14 Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em » (1Pr 4, 14). Thánh Phao-lô, người có nhiều trải nghiệm, nói trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma: « chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; 4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy » (Rm 5, 3-4). Một lần nữa, không phải đau khổ là tốt hay do ý muốn của Thiên Chúa; nhưng đó là thân phận con người chúng ta: Chúa trao cho chúng ta vinh dự và trách nhiệm làm chứng nhân của đức tin. Sở dĩ sự bách hại không may nằm trên đời người Ki-tô, không phải vì Chúa muốn như thế, nhưng đó là từ con người. Khi Chúa Giê-su phán: « Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa » (Cv 14, 22)

Chính vì Thiên Chúa đồng hành với tín hữu Ngài trên con đường khó khăn ấy, Ngài được ví như một người Thầy. Sách Đệ Nhị Luật đã làm như thế: « (Trong sách Do Thái đọc giả cũng đã nhận ra)2 Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. 3 Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. 4 Bốn mươi năm qua, áo anh (em) mặc đã không rách, chân anh (em) đã không sưng lên. 5 Suy nghĩ lại, anh (em) phải nhận biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình. 6 Anh (em) phải giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mà đi theo đường lối của Người và kính sợ Người » (Đnl 8, 2-5). Trên hướng ấy, sách Châm Ngôn cũng đã nói: « 11 Này con, chớ khinh thường khi ĐỨC CHÚA sửa dạy con, đừng chán ngán khi Người khiển trách. 12 Vì ĐỨC CHÚA khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý. Niềm vui của người khôn ngoan » (Cn 3, 11-12).

Chúng ta cũng có thể đọc vài câu liên quan đến đề tài này trong sách Gióp: « 17 Phúc thay người được Thiên Chúa sửa trị! Chớ coi thường giáo huấn của Đấng Toàn Năng. 18 Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong, lại ra tay chữa lành » (G 5, 17-18); « 15 Nhưng Thiên Chúa dùng cái nghèo để giải thoát người nghèo, dùng khổ đau mà mở mắt họ » (G 36, 15). Song le, chỉ với điều kiện đừng quên những gì chúng ta vừa nghe qua, Chúa có thể làm rộ ra một sự lành, ngay cả từ một sự dữ. Tuy nhiên chính sự đau khổ, không phải Thiên Chúa muốn như thế.

Phần phụ trội :

Câu 12-13 đáng để minh hoạ kỹ thuật tác giả sách Do Thái nhắc lại lời người tiền bối: thật vậy hai câu này từ sách I-sa-i-a (Is 35 và Is 40) nói lên trong văn cảnh khác hẳn: lời khích lệ những kẻ bị đày Ba-by-lon. Phải chăng tác giả có ý đề nghị cho người Ki-tô bị bách hại: họ được ví như những tù nhân bị đày ?

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com