"Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng Cha tôi"
3 Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
12 Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
17 Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
19 Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Câu sau cùng bài thánh vịnh này có thể làm cho ta hiểu lầm một cách tồi tệ: « 19 Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê. » Chúa có vui gì lãnh khi nhận hy lễ dâng tấm lòng tan nát giày vò ? Làm sao câu này có thể hài hoà với các câu trong Thánh Kinh ? Ví dụ như trong sách Xuất Hành, chính Chúa nói về Mình: « Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín » (Tv 86, 15). Hay tất cả các dịp khác Ngài quả quyết Thiên Chúa là Cha, là Tình Yêu và tha thứ… Những khẳng định ấy đã có từ Cựu Ước chứ không đợi đến Tân Ước mới khám phá ra Thiên Chúa là Tình Yêu.
Không thể nào tưởng tượng Chúa có thể tìm một lý do gì để hài lòng khi thấy chúng ta đau khổ. Nghĩ như thế là xúc phạm Ngài: chính chúng ta là cha, là mẹ bất toàn mà còn không thể nào nhìn con chúng ta đau khổ… làm sao có thể nghĩ rằng Người Cha Hoàn Hảo lại có thể vui được… nhưng nếu nghĩa đen câu này làm cho chúng ta phẫn nộ, là điều tốt đấy!
Nhưng thế là làm sao, câu này viết rõ ràng: «… tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê. » Thật ra cụm chữ « tấm lòng tan nát giày vò » mang một ý nghĩa khác, không như chúng ta tưởng. Phải hiểu rằng tấm lòng tan nát giày vò này không do tác giả thánh vịnh nghĩ ra mà đã có từ lâu và trong bối cảnh khác. Mặc dù không ai rõ bài Tv 50 được viết vào năm nào, nhưng điều chắc chắn là, ít nữa những câu sau cùng được viết khi trở về sau những năm lưu đày Ba-by-lon: bằng chứng là bài Tv nói về việc thành Giê-ru-sa-lem bị Na-bu-cô-đô-nô-so phá huỷ và nguyện xin Chúa xây dựng lại vì lúc ấy vua Đa-vít chẳng lưu tâm gì về việc phục hồi Đền thờ.
Đây là những câu sau cùng bài Tv: « 20 Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on, thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại » Như vậy hẳn là chúng ta đang trong thời kỳ vừa mới được hồi hương từ Ba-by-lon. Chỉ những năm tháng lưu đày ngôn sứ Ê-dê-ki-en mới triển khai từ ngữ « trái tim bằng đá và trái tim bằng thịt » … chính xác là trong Ê-dê-ki-en chương36 câu 26: « 26 Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt »
Tác giả bài Thánh vịnh hôm nay gợi lại hình ảnh của Ngôn sứ Ê-dê-ki-en: bài nói lòng tan nát dày vò (Chú thích: trong Pháp ngữ và đa số các tiếng gốc La-tinh chữ lòng và quả tim có thể dùng cùng một từ ngữ), đấy là trái tim bằng thịt sau khi trái tim bằng đá, cái vỏ bên ngoài, bị vỡ tan. (Giống như cái hạt hạnh nhân, khi đập tan cái vỏ cứng bên ngoài lộ ra « phần thịt » bên trong, ăn ngon miệng). Chúa Giê-su cũng dùng từ ngữ này: « tôi có lòng (trái tim) hiền hậu và khiêm nhường» (Mt 11, 29). Điều này phản ảnh quan hệ chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân: trong quan hệ chúng ta với Chúa quả tim bằng thịt khác với cứng cổ như ông Mô-sê nói trong Bài đọc 1 hôm nay: « Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ » (Xh 32, 9). Còn mối quan hệ với tha nhân, là trái tim bằng đá đã được đập vỡ ra « tan nát », là trái tim bằng thịt, đó là lòng trắc ẩn, thương xót, một trái tim mềm mỏng, thương yêu.
Hình ảnh « trái tim bằng đá, hay bằng thịt, hay tan vỡ » là điều mới thật, nhưng hy lễ là từ tấm lòng, thì không có gì khác xưa. Vì lẽ Lề luật lúc nào cũng phải có hy lễ để tạ ơn, trong lúc các ngôn sứ không ngớt cực lực chỉ trích thái độ dễ dãi, hiến dâng hi lễ trong Đền mà không thay đổi gì lòng mình. Tiên tri I-sa-i-a thay mặt Chúa nói: « Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ » (Is 29, 13). Hô-sê cũng nói: « Ta muốn tình yêu chứ không cần hi lễ » (Hs 6, 6)… Hay khi ngôn sứ Mi-kha nói với những kẻ muốn làm vui lòng Chúa và tự hỏi Thiên Chúa muốn loại hy lễ nào Chúa ưa chuộng: bê non, dê đực hay tinh dầu ? « 6 [Dân tự hỏi mình rằng: ]"Tôi sẽ mang gì vào chầu ĐỨC CHÚA và cúi mình trước Thiên Chúa tối cao? Phải chăng tôi sẽ mang những lễ toàn thiêu, những con bê một tuổi vào chầu Đức Chúa? 7 Phải chăng ĐỨC CHÚA ưa thích từng ngàn dê đực, và hằng vạn suối dầu? Phải chăng tôi sẽ dâng con trai đầu lòng để chuộc lỗi cho tôi, dâng con ruột để đền tội cho chính mình? » (Mk 6, 6-7). Mi-kha có câu trả lời tuyệt vời, không phải mấy thứ ấy: « "Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn. » (Mk 6, 8)
Rõ ràng tác giả bài thánh vịnh ghi nhận tất cả những bài học ấy và cống hiến bài này cho dân chúng lên Đền Giê-ru-sa-lem để cử hành nghi lễ, vì họ cũng tự hỏi làm gì để đẹp lòng Chúa. Muốn thể hiện tôn vinh lòng tha thứ của Chúa, dân chúng ví mình như vua Đa-vít: khi xưa vua cũng phạm tội. Mặc dù là vua được Thiên Chúa ưu đãi mọi bề, ông được sở hữu tất cả mọi thứ. Trước kia Đa-vít chỉ là một chú mục đồng nhỏ bé, được Chúa yêu chọn, đùm bọc, ban tràn ơn Chúa… (các bạn hẳn còn nhớ điều mà bây giờ người ta gọi là « Tội Đa-vít »: câu truyện nàng Bét-xa-bê yêu kiều được Đa-vít nhìn thấy qua cửa sổ; rước nàng về hoàng cung trong lúc chồng nàng còn nhiệm vụ nơi chiến trường, Đa-vít tìm cách ám hại người chồng để không còn bị cản trở) … sau khi lỗi lầm Đa-vít bị ngôn sứ Na-than khiển trách và trở nên danh tiếng nhờ sự hối cải của ông.
Dân Ít-ra-en cũng ví mình như Đa-vít, được Thiên Chúa ban cho đủ điều, nhận mình tội lỗi và tuyên xưng lòng thương xót của Chúa. Họ muốn tạ ơn… và tự hỏi làm điều gì tốt nhất để tạ ơn Ngài ? Và đây là câu trả lời của bài thánh vịnh: « tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê » Bài học này thật tuyệt vời và đáng khích lệ: rốt cục làm Chúa vui lòng rất dễ: chỉ cần yêu thương .
(Có thể xem các suy niệm khác về bài Tv này trong chúa nhật thứ nhất Mùa Chay năm A và chúa nhật thứ V Mùa chay năm B)
***