Alleluia! Alleluia!
Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy – Alleluia !
-----------------
"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải "
Tin Mừng theo thánh Lu-ca
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.
2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."
3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?
5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.
7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?
9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.
10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."
Điều đáng lưu ý nhất đến từ miệng các kinh sư và người Pha-ri-sêu: « Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng », câu này đến từ họ là một lời phê phán, nhưng đối với tác giả Tin Mừng và đối với chúng ta, hay đối với Thánh Phao-lô (xem Bài Đọc 1, thư gửi Ti-mô-thêu) đây đương nhiên là một lý do cho chúng ta thán phục! Vì sao thế ? Vì chúng ta không ai táo bạo cho mình là thuộc về chín mươi chín người công chính như trong bài dụ ngôn thứ nhất. Mỗi chúng ta là một người tội lỗi được kêu gọi mang lại niềm vui trên trời qua sự hoán cải của chúng ta.
Cũng nên đồng ý với nhau về chữ « hoán cải », trước hết là một sự đổi hướng hoàn toàn. Trước kia chúng ta quay lưng với Chúa nay ta quay về với Ngài. Thì đấy, chúng ta có thể nói, mỗi lần chúng ta lấy quyết định quay lại như thế, chúng ta mang lại niềm vui trên trời.
Niềm vui là màu sắc chủ đạo của hai bài dụ ngôn này: niềm vui của Thiên Chúa. Một lần nữa đây là đường nét chính của Cựu Ước, được thể hiện một cách tuyệt vời qua lời tiên tri Xô-phô-nia, Ngài nói Chúa « nhảy múa » : « 17 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng » (Xp 3, 17). Vì sao có niềm vui lớn như thế khi chúng ta lên đường quay trở về ? Vì Chúa quan tâm đến chúng ta như chính con ngươi mắt Ngài. Dùng từ ngữ này không quá lời đâu, vì được trích chính từ Cựu Ước, chính xác từ sách Đệ Nhị Luật: « Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. » (Đnl 32, 10)
Thật vậy, Ngài quan tâm đến độ tự mình đi tìm con chiên lạc, vì Ngài biết nó sẽ không tự ý quay trở về. Ngài quan tâm đến nỗi lục khắp cả nhà để tìm đồng xu đánh mất. Trong bài dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, sở dĩ người cha không đích thân đi tìm vì ông tôn trọng tự do của con, nhưng ông cũng quan tâm đến độ, ngày ngày đứng tựa cửa nhà trông về đứa con bất hiếu bỏ nhà ra đi, để rồi làm lễ ăn mừng khi nó trở lại, chẳng cần tìm hiểu động cơ nào khiến nó quay trở về. Vì chúng ta cũng tự hỏi phần đóng góp của nó trong cuộc hội ngộ này có hoàn hảo không. Và rồi sau đó người Cha phải năn nỉ đứa anh cả nó, kẻo ngày vui không trọn vẹn nếu thiếu một đứa con.
Điều sau cùng đáng chú ý: Chúa Giê-su nhắc đến những trải nghiệm bản thân của chúng ta: « 4 "Người nào trong các ông … lại không đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? » Hình như, một cách nào đó, chúng ta cũng giống Ngài, thật vậy, điều này không có chi lạ. Có phải chăng, mỗi lần chúng ta ăn mừng vì một đứa con trở lại, mỗi lần chúng ta tha thứ cho một người bạn, người chồng, người vợ (kẻ thù nữa), mỗi lần chúng ta nỗ lực giúp một người nào đó tránh sa ngã về thể xác cũng như tinh thần, là mỗi lần chúng ta giống Thiên Chúa. Chúng ta là hình ảnh của Ngài. Chung quy có phải chăng đó là ơn gọi của chúng ta ?
***