Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXVI TN Năm C (Lc 16, 19-31) 25/09/2016

"Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

 

19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.

20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,

21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.

24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!

25 Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,

28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!

29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.

30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.

31 Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

 

Câu này hai lần kinh khủng: « người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin ». Trước hết kinh khủng vì dường như tuyệt vọng, không có gì có thể thay đổi một trái tim bằng đá! Càng kinh khủng hơn nữa vì nó xuất phát từ Đức Giê-su: Chúng ta tự hỏi khi nói như thế Ngài có nghĩ về Ngài hay không, « người chết có sống lại »… Và khi Thánh Lu-ca viết bài Tin Mừng này, thánh sử dư biết, sự phục sinh Chúa Giê-su không cải hoá mọi người, mà lại còn nảy sinh nhiều người chai đá hơn nữa .

Chúng ta hãy trở lại câu truyện ông nhà giàu và La-da-rô. Bài không cho chúng ta biết gì nhiều về người nhà giàu ấy; tên của ông cũng không; bài cũng không nói ông đặc biệt là người dữ, trái lại, sau này còn nói ông thương tình nghĩ đến việc cứu anh em của ông khỏi hoả ngục. Chỉ biết ông vô tư sống trong thế giới của ông, trong sự thoải mái, có thể nói trong « tháp ngà » của ông, như những người Xa-ma-ri-a của ngôn sứ A-mốt nói trong Bài Đọc Một. Chễm chệ trong tháp ngà của ông đến nỗi không thấy ngoài cửa ngõ của mình người ăn mày đang đói, thèm thuồng ngay cả những thùng rác của ông.

Người ăn mày thì lại có cái tên: « La-da-rô » có nghĩa là « Chúa cứu giúp », ngay cả việc này cũng là cả một chương trình. Chúa giúp, không phải anh thánh thiện, nhưng chỉ vì anh nghèo, thế thôi. Đây hẳn là một sự ngạc nhiên Chúa dành cho những kẻ đến nghe Chúa giảng, bằng bài dụ ngôn này. Thực ra mọi người đều đã biết câu truyện, nguồn gốc đến từ Ai-cập, nhưng thường khi được nhấn mạnh tội lỗi của ông nhà giàu và nhân đức của người ăn mày: một khi qua đời các việc lành việc dữ của hai người được đưa lên cán cân. Rốt cuộc câu truyện như thế không làm ai ngạc nhiên: kẻ lành dù giàu hay nghèo đều được thưởng, kẻ dữ dù giàu hay nghèo đều bị phạt… Tất cả đều theo thứ tự, tự nhiên.

Các kinh sư Do Thái, trước Chúa Giê- su cũng thuật lại câu chuyện tương tự như thế, xuất phát từ truyện cổ tích Ai-cập. Trong ấy cũng nói về cán cân đo kỹ lưỡng những việc nhân đức kẻ này, người nọ, và dĩ nhiên người thánh thiện được công trạng hơn con cái người thu thuế. Chúa Giê-su đến xáo trộn một chút cái lô-gíc ấy: Chúa không tình toán các công đức, các việc lành thánh, vì thế trong bài không có chỗ nào nói La-da-rô đức hạnh còn ông nhà giàu là xấu cả. Chúa Giê-su chỉ nhận thấy ông nhà giàu vẫn giàu suốt đời, và người nghèo vẫn nghèo trước cửa nhà ông: đó là cách nói cái hố sâu của sự khác biệt, hay có thể nói sự mù quáng phủ lên giữa người giàu và người nghèo, chung qui chỉ vì người giàu không bao giời hé cửa của mình.

Có một chi tiết quan trọng trong bài tường thuật của Chúa Giê-su: nói rằng ta không biết gì về ông nhà giàu thì không hẳn đúng. Thực ra ta biết ông ăn mặc như thế nào: (Bản dịch Việt ngữ chúng ta gần với bản gốc Hy-lạp nói y phục màu đỏ tía, màu dành cho vương tước, đế vị và bằng vải lanh, một loại vải quý.) Bản dịch chúng ta nói « lụa là gấm vóc ». Gấm màu đỏ tía trước kia dành cho vương tước, sau đó dành cho các thượng tế, vì họ phục vụ cho các vua. Y phục của thượng tế được thiết kế bằng gấm. Các điều này nêu lên từ Chúa Giê-su, hẳn có một chút châm biếm hướng về thính giả, rất thánh thiện nhưng vô tâm đến cảnh bần cùng của kẻ khác. Đại để Chúa Giê-su muốn nói như sau: « Thượng tế hay không thượng tế, nếu các ngươi khinh miệt anh em ngươi, thì các ngươi cũng không xứng đáng con cái Áp-ra-ham. »

Vì lẽ ấy, chúng ta nhận thấy tên Áp-ra-ham được nêu lên bảy lần trong bài, hẳn điều này là chìa khoá để hiểu. Chung qui, Chúa muốn hỏi ai thật sự là con cái Áp-ra-ham ? Câu trả lời của Chúa là: « Nếu các bạn không nghe Lề Luật và các Tiên tri, các bạn không lưu tâm gì đến sự đau khổ khó khăn của người anh em, các bạn không phải là con cái Áp-ra-ham. »

Chúa Giê-su còn đi xa hơn: người nghèo ao ước ăn được những mảnh vụn, nhưng phần đó dành cho chó, còn chó chỉ đến liếm ghẻ chốc người nghèo. Nhưng vì chó là loài ô uế… cho dù ông nhà giàu có mở cổng bước ra đi nữa, ông cũng sẽ ghê tởm và tránh xa người nghèo bị chó liếm… Đây lại là bài học của Chúa Giê-su: « nếu các bạn hết sức quan tâm đến sự quan trọng các công nghiệp của các bạn, các bạn muốn giữ không bị ô uế, các bạn hãnh diện là con cái Áp-ra-ham … nhưng các bạn quên điều chính yếu. Điều chính yếu ấy được viết trong Lề Luật và qua bao nhiêu Ngôn sứ, » thật ra có quá nhiều không biết phải chọn lời nào. Ví dụ như sách I-sa-i-a chúng ta có thể đọc ở (Is 58, 7-8): «7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? 8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi. » Không cần một dấu hiệu bên ngoài nào để hoán cải, chúng ta có Lề Luật, các Ngôn Sứ, các Phúc Âm. Phần chúng ta là chỉ phải nghe theo và sống những điều ấy.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com