Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XXVI TN Năm C (1Tm 6, 11-16) ) 25/09/2016

"Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến"

Trích thư thứ nhất Thánh Phao-lô Tông đồ gửi Ti-mô-thêu.

 

11 Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà

.12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng.

13 Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Ki-tô Giê-su là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh:

14 hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện

15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi,
là Chúa Tể vạn phúc vô song,
là Vua các vua, Chúa các chúa.

16 Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử,
ngự trong ánh sáng siêu phàm,
Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.
Kính dâng Người danh dự
và uy quyền đến muôn đời. A-men.

 

Không thể nào ước mơ có một tổng thể toàn vẹn hơn tất cả những gì là đức tin và đời sống một Ki-tô hữu. Đồng thời chúng ta ngạc nhiên vì giọng thật trịnh trọng của Thánh Phao-lô trong đoạn này. Ví dụ như: «13 Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Ki-tô Giê-su …, tôi truyền cho anh »

Tại sao Thánh Phao-lô vẽ lên đại loại như một bích họa ? Đọc qua chúng ta có cảm tưởng như nghe tiếng vang đâu đó những khó khăn trong cộng đồng Ê-phê-sô, trong ấy Ti-mô-thê là người trách nhiệm « 12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin ». Trước đó trong Thư này thánh nhân cũng đã nói: « 18 Anh Ti-mô-thê, đó là chỉ thị tôi trao cho anh là người con của tôi, chiếu theo các lời ngôn sứ trước đây đã nói về anh, để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, 19 với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm » (1Tm 1, 18-19). Thế là bài này chứng tỏ có một cuộc đấu tranh để xác tín đức tin. Thời buổi lúc bấy giờ rất hệ trọng vì lẽ ấy giọng thánh nhân có vẻ trịnh trọng: điều này liên quan trực tiếp với sự sống còn với lòng trung tín của cộng đồng sơ khai này đối với phép Rửa Tội họ mới lãnh nhận.

Đoạn chúng ta đọc hôm nay nằm giữa hai đoạn gần giống nhau, nói rõ hơn vấn đề. Hai nguy cơ nên tránh, trước hết đó là những giáo lý sai lầm, thứ hai là lòng ham muốn tiền bạc.

Về điểm thứ nhất, phải tin rằng có những vấn đề thật sự: «20 Anh Ti-mô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu. 21 Có những kẻ, vì chủ trương cái tri thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh em được ân sủng » (1Tm 6, 20-21). Cũng trong hướng ấy, có mấy câu trước đó: «3 Nếu có ai dạy một giáo lý khác, không theo sát các lời lành mạnh, tức là các lời của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, 4 thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu» (1Tm6, 3-4)

Vấn đề đã xảy ra từ đầu, ngay phần đầu trong thư, Thánh Phao-lô cũng đã khuyên Ti-mô-thê ở lại Ê-phê-sô: «3 Khi đi Ma-kê-đô-ni-a, tôi đã khuyên anh ở lại Ê-phê-xô để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác, 4 cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường và những gia phả dài dòng; những cái đó chỉ gây ra tranh luận, chứ không đóng góp vào kế hoạch của Thiên Chúa mà đức tin cho chúng ta biết » (1Tm 1, 3-4)

Về điểm thứ hai, thánh nhân nói rõ: « 10 Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé. » (1Tm 6, 10).

Đấy là hai hiểm họa tệ hại nhất cho đức tin, dưới mắt Thánh Phao-lô. Về phần Ti-mô-thê anh phải cố gắng trung thành bám vào phép Rửa Tội của anh. Không phải ngẫu nhiên Thánh Phao-lô dùng hai lần một từ ngữ. Trước hết về Ti-mô-thê ngài nói trong câu 12: « 12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin… và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng ». Đây là cách nhắc lại Bí Tích Rửa Tội của Ti-mô-thê. Thời thánh Phao-lô Bí Tích Rửa Tội được cử hành trước mặt toàn thể cộng đồng, việc tuyên xưng đức tin là một thời điểm tối quan trọng… Thánh Phao-lô cũng dùng y chang câu ấy với Chúa Giê-su: «… Đức Ki-tô Giê-su là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp ». Thánh nhân muốn ám chỉ, lúc bấy giờ anh hãy múc lấy sức mạnh trong lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô. Câu trả lời xin vâng của anh múc lấy nguồn gốc trong « xin vâng » của Đức Ki-tô với Cha Ngài.

Chữ « Vâng » trong Bí Tích Rửa Tội, lúc bấy giờ phải có thể được lập lại mỗi ngày. Hình như Ti-mô-thê phải cần nhiều sức mạnh, vì thế Thánh Phao-lô không ngớt gửi đến anh vô số lời khuyên bảo: « 12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng ». Khí giới của cuộc thi đấu ấy là đức tin, tình yêu, tính kiên trì và diệu dàng. Thật lạ lùng cho một cuộc thi đấu, trong ấy khí giới chính là sự dịu dàng. Cuộc chiến thật sự cho đức tin theo thánh Phao-lô không có chút gì giống một cuộc thánh chiến: theo quan điểm của ngài, là tình yêu, sự dịu dàng, lòng nhẫn nại, kiên trì. Chúng ta thường quên như thế… . Trong lúc ấy lịch sử mọi tôn giáo chứng minh rằng tất cả các cuộc thánh chiến không đem lại sự trở lại đạo cho phe nào bao giờ.

Sau cùng, trong bài này thánh nhân nhắc lại đến ba lần mục tiêu nào chúng ta luôn phải nhìn đến. Trong các thư khác của ngài, chúng ta cũng đã chú ý tư tưởng ngài luôn hướng về tương lai. Tuy nhiên phải hiểu tương lai theo ngài là gì: phải viết « tương lai » bằng hai từ ngữ, điều sắp xảy ra, ngài gọi là « đời sống vĩnh cửu », hay là « hiển linh Chúa Ki-tô »: « 14 hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện » (có nghĩa ngày ấy chỉ có Chúa biết).

Thánh Phao-lô kết thúc bài này đại để bằng một cách tuyên xưng đức tin, và mặc cho bất cứ chuyện gì có thể xảy ra, chính điều này Ti-mô-thê phải tuyên xưng một cách dịu dàng, kiên trì và cương quyết, Thiên Chúa là: « 15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa, 16 Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời ». Không thể nào nói rõ hơn, Thiên Chúa là Đấng Siêu việt; không thể sở hữu được Chúa hay tự cho mình biết về Ngài (như các nhà ngụy thông thái) .

Chương cuối này thật tuyệt vời. Chúng ta tìm lại đề tài Cựu Ước ưa chuộng, đó là tính siêu việt của Thiên Chúa: Chúng ta không thể nào với tới Thiên Chúa, Ngài là Đấng Siêu Việt, tự chúng ta, chúng ta không thể với tới Ngài… nhưng Ngài lại là đấng thật gần gũi. Chính Ngài là «  15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi »

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com