"Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân"
1 Thánh vịnh.
Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân;
3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4 Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Tôi chỉ đề nghị với quý bạn hai nhận xét:
1/ Trước hết, bài thánh vịnh này là một tiếng hét chiến thắng, trên chiến trường sau khi vinh thắng, người Do Thái gọi là « Tê-ru-ah ». Chữ chiến thắng trở lại ba lần trong những câu đầu (Bài dịch Việt ngữ dùng chữ « ơn cứu độ » trong lúc bài tiếng Pháp dùng « chiến thắng ») Chữ chiến thắng này có một chỗ đứng quan trọng trong phụng vụ dân Do Thái, vào mùa thu nhân dịp ngày Lễ Lều tại Giê-ru-sa-lem. Lễ này kéo dài tám hôm, và gồm có nhiều nghi lễ: lễ sám hối, hiến tế tạ ơn, và « lễ cho vua ». Những tiếng la chiến thắng ấy dành cho vua, bằng cách kêu lớn tiếng lời « Tê-ru-ah » chiến thắng, hoà với tiếng kèn, tiếng tù và tiếng vỗ tay của dân chúng. Điều lạ lùng là họ làm « lễ mừng vua », trong dịp Lễ Lều, sau khi từ Ba-by-lon về (thế kỷ thứ VI trước CN và sau đó), không còn vua nào ở It-ra-en! Đúng ra là không còn vua hữu hình nữa.
Nhưng trước hết mọi người còn nhớ lời hứa của Thiên Chúa: họ biết có một vị vua, con cháu vua Đa-vít sẽ đến vì thế, họ mừng trước. Đó cũng là một cách duy trì lòng cậy trông. Hơn nữa ở It-ra-en - ngay khi có một vua đang trị vì - họ cũng không quên vị vua duy nhất trên thế gian, uy quyền duy nhất, vị thủ lãnh duy nhất, đó là Thiên Chúa. Đó là Đấng Thánh vịnh 97 tôn vinh.
2/ Nhận xét thứ hai là Thiên Chúa có hai tình yêu: It-ra-en, dân Ngài chọn và toàn cõi nhân loại. Chúng ta đọc lại câu 2: « chư dân », là những dân ngoại, những kẻ ngoài dân Chúa chọn. Khi hát bài này, họ tưởng tượng một ngày kia (họ tin chắc là Chúa sẽ đến) Chúa sẽ thực sự là vua toàn trái đất, tức là toàn thế giới sẽ công nhận. Rồi đến câu 3: « … dành cho nhà Ít-ra-en », đó là cách nhắc lại « It-ra-en được tuyển chọn ». Điều này có ý muốn nói: vâng, It-ra-en là dân được chọn, để là người anh cả, chứ không phải đứa con một. Chúa yêu cả nhân loại chứ không riêng It-ra-en. Và khi dân It-ra-en, trong Lễ Lều, họ tôn vinh Thiên Chúa là Vua, họ hiểu rằng làm như thế họ nhân danh cả nhân loại. Chúng ta cũng nhận xét cấu trúc đặc biệt: một câu trung tâm (3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en) được kẹp giữa hai câu trước và sau gần như đồng nghĩa: (2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân) và ( Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta). Như chúng ta đã thấy trong nhiều thánh vịnh, đây là một cấu trúc cố tình làm nổi bật lên ý nghĩa câu trung tâm. Thật vậy « tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en » là ý trung tâm nhưng xin đừng quên điều này phải chiếu sáng cho cả nhân loại, cấu trúc hai câu này có ý nói lên điều ấy.
Hơn thế nữa, chúng ta có thể chiêm ngắm phụng vụ kỳ diệu ngày hôm nay cho chúng ta tôn vinh Thiên Chúa là Vua, chính ngay các bài Lời Chúa mặc khải chỉ có Chúa là Tình Yêu… Thật là một phương pháp tuyệt vời nhắc lại chúng ta chỉ có Tình Yêu mới là quyền năng, chỉ có Tình Yêu mới là vua.
***