Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXVIII TN Năm C (Lc 17, 11-19) 09/10/2016


 Alleluia, alleluia!

- Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến!
Bình an trên trời và vinh quang trên các tần trời! – Alleluia

-----------------

"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

 

11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.

12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa

13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "

14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.

15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.

16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.

17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?

18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? ".19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."

19 "Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông"

 

Câu truyện xảy ra trên chuyến đi sau cùng của Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Đúng là chuyến đi sau cùng trước khi bước sang con đường Thương Khó dẫn đến sự chết và phục sinh.

Có gần một chục lần trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, ngài bắt đầu câu truyện bằng một câu tương tự: « 11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem » như ở đây hoặc « Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem » (Lc 18, 31). Thế nhưng nếu chúng ta xem lại các chặng đường Chúa đi qua thì không thể được: trong chương 9, Thánh Lu-ca nói Chúa Giê-su « 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.» (Lc 9, 53), nhưng sau đó Ngài kể những câu chuyện xảy ra lúc thì Miền Bắc, lúc thì Miền Nam, không một thứ tự hiển nhiên nào cả. Thế thì không phải một chi tiết về địa lý để thoả mãn tính tò mò của chúng ta. Nếu Thánh Lu-ca cố tình cho chúng ta những chi tiết ấy hẳn những gì thánh nhân muốn kể cho chúng ta có mối liên hệ trực tiếp với mầu nhiệm cứu độ của Chúa Ki-tô mang lại cho loài người.

Như vậy Chúa Giê-su đi qua Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Mười người bị bệnh hủi đi tìm Chúa và đứng đàng xa, Lề Luật cấm họ đến gần bất cứ ai. Họ có thể lây lan, trên mọi phương diện: về thể lý bệnh hủi là một bệnh rất dễ lây, hơn nữa thời ấy bệnh này được xem như một dấu hiệu của hình phạt thần thiên, dấu hiệu của tội lỗi.

Vì thế mười người phong hủi dừng lại xa Chúa Giê-su, và từ xa la lên hướng về Chúa. Tiếng kêu la và lời gọi « Thầy » họ gán cho Chúa, vừa là lời nhận sự yếu hèn của, họ vừa nói lên lòng cậy trông của họ nơi Chúa Giê-su. Ngài đứng yên, không đến gần họ. Có một lần khác, Thánh Lu-ca (Lc 5, 15) cũng có kể việc chữa lành một người bị bệnh phong hủi: lần ấy người bệnh đến gần Chúa, Ngài đưa tay đặt lên người ấy để chữa lành. Lần này trong đoạn chữa mười người phong hủi, Chúa đứng từ xa nói với họ: « Hãy đi trình diện với các tư tế ». Trình diện với các tư tế là một thủ tục người phong hủi phải thực hiện để chính thức hoá việc họ được chữa lành. Lệnh báo cho các tư tế của Chúa Giê-su, thật ra là một lời hứa chữa lành.

Thái độ Chúa Giê-su trong đoạn chữa lành mười người phong hủi rất giống với câu truyện ngôn sứ Ê-li-dê đối với Na-a-man trong Bài đọc 1. Cũng như Chúa, ông Ê-li-dê không làm một cử chỉ gì, ông chỉ nói với người đầy tớ của ông ấy: «Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước » (2V 5, 10). Thật vậy cả hai trường hợp vâng lời lệnh được ban ra là các người bệnh hủi được chữa lành. Trong bài của chúng ta các người bệnh hủi lên đường tìm gặp tư tế và trên đường đi các ông mới nhận ra mình được lành bệnh. Thật sự, lòng tin của họ đã cứu họ. Cơn bệnh đã đem họ gần nhau, trong khi lành bệnh, tâm hồn thật sự của mỗi người mới hiện ra: họ không còn là mười người bệnh hủi nữa, bây giờ họ là chín người Do Thái tốt lành và một người Sa-ma-ri, tức là một người ngoại giáo.

Thế nhưng dù là ngoại giáo đi nữa, người Sa-ma-ri ý thức rằng sự sống, việc được chữa lành đến từ Thiên Chúa, vì thế ông quay lại. Ông quay lại và lúc ấy đã được chữa lành, ông đến gần Chúa Giê-su. Thánh Lu-ca nói: ông « lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa » và « 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn », đó là một tư thế chỉ được dành khi đến trước mặt Thiên Chúa. Người Sa-ma-ri này vừa gặp Đấng Mê-xi-a và nhận ra Ngài. Không nói ra nhưng ông nhận ra muốn thật sự tôn vinh Thiên Chúa, không cần đến đền Giê-ru-sa-lem mà quay lại với chính Chúa Giê-su.

Quay lại chính là ý nghĩa sự « trở lại ». Chúa Giê-su công nhận sự trở lại của người Sa-ma-ri, Ngài phán: « Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh » "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Chúa Giê-su hỏi « 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? » Họ cũng đã gặp Đấng Mê-xi-a chứ nhưng họ không nhận ra. Đây là một đề tài thường gặp trong Thánh Kinh: ơn Cứu Độ là cho mọi người, nhưng thường thì những người không phải những kẻ gần gũi nhất lại là những ngưòi tiếp nhận tốt nhất. Tin Mừng theo Thánh Gio-an nói « 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận » (Ga 1, 11). Cựu Ước thường nhấn mạnh khía cạnh hoàn vũ của ơn Cứu Độ. Chúng ta cũng vừa được nghe trong Thánh Vịnh 97 Chúa nhật hôm nay. Bài Đọc 1 cũng nói đến ơn trở lại của vị tướng xứ Xi-ri là Na-a-man, ông cũng là một người dân ngoại.

Trong vài câu trên cũng trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, Chúa Giê-su cũng bình luận sự kiện này để phê bình những người đương thời mù quáng về Ngài. Chúa bắt đầu nhận xét rằng : « Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình » (Lc 4, 24), rồi Chúa tiếp: « 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi » (Lc 4, 27). Chúa vừa nói câu này, cả hội đường nổi giận (Lc 4, 27). Sau này, trong sách Công vụ Tông đồ Thánh Lu-ca nhấn mạnh sự kiện cả một phần lớn dân It-ra-en chống lại Tin Mừng, tương phản với sự thành công Chúa rao giảng cho dân ngoại.

Đây là một vấn đề làm cho những Ki-tô hữu sơ khai bối rối. Thời điểm Thánh Lu-ca viết sách Tin Mừng cộng đồng Ki-tô hữu vừa mới thành lập không đồng tâm nhất trí về một điều cốt lõi: muốn được Rửa Tội, có nhất định phải là Do Thái hay không ? Hay nhận Rửa Tội cả người ngoại ? Bài tường thuật người Sa-ma-ri được chữa lành, đó là một người ngoại và nhất là câu truyện kể sự hoán cải nội tâm của người ngoại này, đến thật đúng lúc để nhắc lại ba sự thật không nên quên.

Điều thứ nhất ơn cứu độ khởi đầu từ Chúa Giê-su Ki-tô qua cuộc Thương Khó của Ngài, cái chết của Ngài và sự phục sinh được ân ban cho mọi người không trừ một ai. Điều thứ hai, tôn vinh Thiên Chúa là sứ vụ của dân Chúa chọn, nhưng nhiều khi những người nước ngoài, bị xem như dân ngoại lại lại làm tốt hơn. Điều thứ ba, thường khi chính những người nghèo mới có tâm hồn quảng đại đón nhận Thiên Chúa. Nói cách khác: trên con đường đến Giê-ru-salem - tức là đường cứu độ - Chúa Giê-su kéo theo Ngài tất cả những ai muốn. Bất cứ chủng tộc nào, tôn giáo nào, chỉ cần sẵn sàng hoán cải, quay đầu lại theo Ngài.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com