"Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Ki-tô"
Trích thư thứ hai của Thánh Pho-lô gửi Ti-mô-thê
8 Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô,
Đấng đã sống lại từ cõi chết,
Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít,
9 Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!
10 Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời.
11 Đây là lời đáng tin cậy:
Nếu ta cùng chết với Người,
ta sẽ cùng sống với Người.
12 Nếu ta kiên tâm chịu đựng,
ta sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.
13 Nếu ta không trung tín,
Người vẫn một lòng trung tín,
vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.
Trong thư cho Ti-mô-thê này câu thứ 8 nói về Đấng Mê-xi-a Thiên Chúa hứa từ bao thế kỷ, được truyền lại từ cha ông qua đức tin: « 8 Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, … Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít ». Câu này được lấy làm nhiều bài thánh ca Pháp quen thuộc. Trong môi trường Do Thái, xác tín rằng Chúa Giê-su đến từ dòng dõi Đa-vít rất quan trọng, nếu không, Ngài không thể được công nhận là Đấng Mê-xi-a. Thánh Phao-lô còn tiếp: « Đấng đã sống lại từ cõi chết ».
« 9 Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ », Thánh Phao-lô dùng chữ Tin Mừng là đúng nghĩa gốc của Phúc Âm. Đối với Thánh Phao-lô tin mừng của Ki-tô giáo chỉ nằm trong cụm chữ: « Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh ». Vì thế chúng ta hiểu hai bức thư cho-Ti-mô-thê được viết để phản bác lại ai.
Các Chúa nhật gần đây chúng ta được nghe những đoạn trích từ hai thư cho Ti-mô-thê và nhiều lần chúng ta cảm nghiệm một bầu khí tranh chấp nhau, nhưng thánh nhân không nói rõ là gì. Rất nhiều lần, Thánh Phao-lô khuyên Ti-mô-thê giữ lòng can đảm tiếp tục cuộc đấu tranh tốt đẹp cho đức tin. Thánh nhân nhắc lại anh đã lãnh nhận Thần Khí, không phải để sợ sệt mà để tranh đấu mãnh liệt, dùng phương pháp nhẹ nhàng chống lại những kẻ đối kháng.
Nhưng ai là những kẻ đối kháng ? Thánh Phao-lô thật sự không nói rõ trừ trong bài này: thật thế trong vài câu sau Thánh Phao-lô gọi tên hai người « Hy-mê-nê và Phi-lê-tô »(2Tm 2, 17b), hai người này không tin vào sự phục sinh. Chúng ta còn nhớ trong Thư gửi dân thành Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô cũng đã phải đương đầu với sự tranh cãi này. Trước mắt thánh nhân, đây là điểu rất quan trọng: tất cả nền tảng đức tin dựa và Chúa Ki-tô Phục Sinh. Sau đây là vài câu trong thư Thứ Nhất cho Tín hữu Cô-rin-tô chương 15: « 13 Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. 14 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng » (1Cr 15, 13-14)
Phục sinh là cốt lõi của đức tin Ki-tô. Thế nhưng nếu trong môi trường Do Thái, sự Phục Sinh được đa số dân chúng tin, thì trái lại trong giới người Hy-lạp, điều này khó được chấp nhận. Chúng ta hẳn còn nhớ cuộc rao giảng thất bại của Thánh Phao-lô tại A-thê-na: trong dịp này họ có những lời nặng nhẹ chống lại Thánh nhân.
Ngài bị tống ngục chính vì tuyên xưng quá mạnh mẽ, quá lớn tiếng thể hiện lòng tin vào sự phục sinh trong một môi trường chưa sẵn sàng chấp nhận. « Đấng đã sống lại từ cõi chết, … 9 Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi ». Và ngài cũng không lạ gì, Ti-mô-thê cũng sẽ đau khổ để tuyên xưng đức tin. Trong vài câu trước Thánh Phao-lô nói với anh: « 3 Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su » (2Tm 2, 3).
Thánh Phao-lô bị xiềng xích nhưng không cấm cho sự thật được loan truyền. Ngài truyền ngọn lửa lại cho Ti-mô-thê để rồi đến phiên anh rao giảng cho kẻ khác. Đoạn khác thánh nhân nói: « 2 Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác » (2Tm 2, 2). Có thể xiềng xích một người, cản không cho lên tiếng nhưng không thể nào xiềng xích sự thật. Không sớm thì muộn thế nào cũng sẽ chói lên trong ánh sáng. Thánh Phao-lô nói: « tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! » Chúa Giê-su cũng đã nói điều tương tự, ngày nọ dân chúng tôn vinh Ngài như Đấng Mê-xi-a, mấy người Pha-ri-sêu nói Chúa bảo họ làm thinh, Chúa Giê-su trả lời: « Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên! » (Lc 19, 40). Không có gì ngăn cản được sự thật.
Thánh Phao-lô tiếp tục: « tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời ». (Người dịch: Câu này cũng được phổ nhạc ở Pháp thành một bài thánh ca bất hủ ). Qua Bí tích Rửa tội chúng ta là những người được tuyển chọn, nhận ơn Cứu độ, và sự vinh quang đời đời của Chúa Ki-tô.
Những câu kế tiếp có thể là một bài tụng ca hát trong nghi lễ Rửa tội « 11 Đây là lời đáng tin cậy », công thức này mở đầu một bài nổi tiếng: « Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. 12 Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta ». Đây là mầu nhiệm của Phép Rửa, như Thánh Phao-lô đã triển khai trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma, chương 6. Bởi Phép Rửa chúng ta được dìm vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Ki-tô, chúng ta được ghép vào Ngài: không có gì có thể tách lìa chúng ta ra được. Cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh gắn liền nhau, đó là một sự kiện độc nhất, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Sau cùng, hai câu chót có vẻ đối kháng nhau: « 12 Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. 13 Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. » Những từ sau cùng này không làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta đều biết trung tín là chính tên Chúa Giê-su: nếu chúng ta bất trung với Ngài, Chúa luôn vẫn trung tín, chúng ta không bao giờ ngờ vực điều ấy.
Như thế có phải câu trước nói lên điều trái lại ? « Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta ». Thực ra câu này có ý đề cập đến sự tự do của chúng ta… Chúa không bao giờ ép buộc chúng ta: nếu chúng ta cố tình chối từ Ngài, Chúa sẽ không bao giờ ép ta cưỡng lại. Trong Thánh Kinh, khi Chúa gọi ai, Ngài luôn nói « Nếu anh muốn … ». Có sự khác biệt giữa từ khước và bất trung: từ khước là cố tình chối từ dự án tình yêu của Ngài và Thiên Chúa yêu ta đến nỗi tôn trọng sự từ chối ấy (đó là ý nghĩa của cụm chữa: « Người cũng sẽ chối bỏ ta »). Trái lại « không trung tín » không phải từ chối dự án tình yêu của Chúa nhưng chúng ta không giữ được hướng đi chúng ta. May thay « 13 Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình ».
***