Alleluia, alleluia !
– Chúa phán: « Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến ngừơi ấy,
và Chúng Ta sẽ đén và ở trong người ấy. » Alleluia.
-----------------
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người"
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
2 Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.
3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.
4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,
5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."
6 Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!
7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?
8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "
Phải chăng Thánh Lu-ca viết bài này cho một cộng đồng có nguy cơ nản lòng ? Câu sau đây là cho chúng ta nghĩ như thế: « Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? »
Câu này thật lạ lùng gồm hai vế: vế thứ nhất « Nhưng khi Con Người ngự đến » đây là một lời khẳng định, còn vế thứ hai: « liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? » có vẻ rất bi quan, nhưng thật ra là một lời cảnh báo cho tín hữu mọi thời đại: « Hãy coi chừng, nếu bạn không cảnh giác bạn có thể mất đức tin ». Rõ ràng bài này là một bài học về đức tin, vì câu cuối đặt vấn đề về đức tin và câu đầu nói đức tin phải như thế nào: « phải cầu nguyện luôn, không được nản chí ». Một lần nữa chúng ta đứng trước một cấu trúc « kềm kẹp », giữa hai câu nói về đức tin là bài đề nghị: mẫu người là một bà goá không mất niềm tin.
Tất cả xảy ra trong một bầu khí có thể nói là tận thế! Chúa Giê-su trên đường « lên Giê-ru-sa-lem »: Ngài tiến lên Cuộc Thương Khó, sự Chết và Phục Sinh. Các môn đệ không biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra tại Giê-ru-sa-lem nhưng có linh tính sẽ có một kết cuộc bi đát và bí hiểm. Một thời gian trước đó, họ đã van xin Chúa: « Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con. » (Lc 17, 5), điều này minh chứng sự lo lắng của các ông. Và ngay trước khi nói bài dụ ngôn này Chúa nói về Con Người sẽ đến.
Con Người là Đấng được mong đợi ngày tận thế. Các bạn hẳn biết xuất xứ cụm chữ này. Trong sách Đa-ni-en có thị kiến về Con Người (được giới thiệu lúc thì như một nhân vật, lúc như một dân tộc). Con Người ấy đến từ một đám mây trên trời. Ngài được ngự bên ngai Thiên Chúa và công nhận là vua tất cả tạo dựng. Thị kiến ấy sẽ được thể hiện ngày tận thế: Cuối cùng Thiên Chúa sẽ ngự trị trên mọi loài thụ tạo và Con Người sẽ cùng ngự trị với Ngài.
Chúa Giê-su thường xưng mình trong Thánh Kinh là Con Người. Điều này làm nhiều người nghe bối rối, họ biết rằng Con Người là một nhân vật tập thể, một dân tộc, toàn nhân loại, sau rốt sẽ được ngự trong vinh quang Thiên Chúa. Họ không biết phải hiểu làm sao khi Chúa Giê-su nói như thế, nhưng họ nghe như một sứ điệp toàn thắng.
Vì thế, từ khi Chúa Giê-su loan báo cuộc Thương Khó của Ngài, Chúa dùng nhiều lần hai chữ Con Người để nói về Ngài, dường như để trấn an về kết cuộc sự kiện. Điều này chứng tỏ họ cần được trấn an.
Thật vậy, chúng ta đang ở trong bầu khí của tận thế. Hơn nữa đề tài phán xét (Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn » ( c7) ) cũng nằm trong bối cảnh đó. Bây giờ nếu chúng ta nhìn lại bối cảnh bài dụ ngôn này trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta sẽ thấy phép lạ chữa lành mười người phong hủi trong Lời Chúa Chúa nhật vừa qua: mười người mắc bệnh hủi được chữa lành là dấu chỉ của Vương Triều Thiên Chúa đã bắt đầu đến. Cùng lúc, các môn đệ được chạm vào mầu nhiệm cứu độ, mà những người được hưởng đầu tiên lại bác bỏ (ở đây chín người bệnh hủi không nhận ra Đức Ki-tô): mầu nhiệm Thập Giá đã bắt đầu ló dạng ở chân trời, nhưng sự hoán cải của người Sa-ma-ri (người bệnh hủi duy nhất trở lại sấp mình dưới Chúa Giê-su) loan báo mọi người, kể cả người ngoại đạo, sẽ vào Nước Trời. Những người Pha-ri-sêu rất hiểu điều này, vì thế liền sau khi Chúa chữa lành cho mười người phong hủi, « 20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến » (Lc7, 20) và Chúa Giê-su trả lời bằng cả một bài giảng về Con Người sẽ đến.
Thì đây, Chúa ngưng dùng lời hệ trọng để kể một câu chuyện có vẻ một chuyện xảy ra thường nhật, câu truyện một bà góa cứ bám theo quan toà mãi đến khi bà nhận được điều bà chờ đợi. Mặc dù bà có mọi lý do để nản lòng: điều bà thỉnh nguyện kể như không được chấp thuận vì không may bà rơi vào vị quan toà không quan tâm chi đến lẽ công chính. Thế nhưng bà cứ kiên trì vì yên chí lẽ phải đứng về phía bà, điều bà không một phút nghi ngờ.
Chúa Giê-su lấy hình ảnh bà góa này cho chúng ta làm gương mẫu. Trước tiên là gương khiêm tốn: sở dĩ bà phải quấy rầy quan toà vì bà đang cần đến ông. Điều đầu tiên để tham dự Nước Trời, đó làn nhìn nhận phận hèn mọn của mình. Ở đây chúng ta nhận ra mối phúc đầu tiên của Tám Mối Phúc Thật: « Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. » (Lc 6, 20); Kế tiếp là đức kiên nhẫn: muốn vào Nước Trời chúng ta cũng phải bền bỉ như bà goá kiên trì kia. Nguyện vọng của chúng ta còn chính đáng hơn bà goá kia nữa vì đó là chính nghĩa của Chúa.
So với Bài đọc Một hôm nay, bài Tin Mừng rất gợi ý: cuộc chiến giữa Giô-suê và người A-ma-lếch thật gay go, họ tấn công bất ngờ dân It-ra-en; trong lúc ấy trên đỉnh đồi Môi-sê cứ bền bỉ cầu nguyện, chắc chắn thế nào Chúa cũng giải cứu. Được tiếp viện, ông cầm cự được đến lúc mặt trời lặn. Sức mạnh của Môi-sê bắt nguồn từ niềm xác tín Chúa muốn cứu độ dân Ngài.
Nhiều thế kỷ sau, nhữngKi-tô hữu sơ khai phải đương đầu với những khó khăn, những bách hại thấy Nước Trời quá lâu không thấy đến; họ bị cám dỗ nản lòng. Họ cũng nên nhớ rằng Chúa muốn cứu độ họ. Thánh Lu-ca nhắc lại bài dụ ngôn này, trong ấy Chúa Giê-su ngợi khen đức kiên trì.
Những tín hữu khi xưa cũng như ngày nay, - được kêu gọi không nên buông tay - Chúa Giê-su biết rằng từ sáng ngày Chúa Phục Sinh, buổi bình minh đầu tiên Con Người mang đến cho tới khi Ngài lại đến trong vinh quang bất diệt, đức tin luôn là một cuộc chiến gay go, một thử thách cho lòng bền bỉ. Không thiếu chi kẻ bi quan gieo ngờ vực, người xấu bụng xúi hoài nghi. Sự chờ đợi Nước Trời có vẻ vô tận… Chúa có thật ở giữa chúng ta chăng ? Mẫu gương của bà goá đáng thương này đến thật đúng lúc: chúng ta cũng bất lực như bà; thế thì nên kiên trì như bà ấy.
***