"Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe"
2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3 Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
17 CHÚA đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,
16 nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
18 Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
19 CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
23 CHÚA cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
Một lần nữa, đây là một thánh vịnh theo vần A,B,C. Mỗi câu bắt đầu bằng một chữ theo vần A-B-C: câu đầu bắt đầu bằng chữ A, câu kế tiếp bằng chữ B … và cứ tiếp như thế. Đây là một cách khẳng định lại một lần nữa con đường hạnh phúc duy nhất, con đường khôn ngoan duy nhất là tin cậy vào Thiên Chúa, là phó thác trọn đời sống chúng ta vào bàn tay Thiên Chúa, từ A đến Z (từ Aleph tới Tav theo tiếng Do Thái). Bài này là một tiếng vang hoàn hảo cho Bài Đọc Một hôm nay, trích Sách Huấn Ca, vì lẽ mục đích của Sách này là khích lệ niềm tin của dân Do Thái vào thế kỷ thứ II, vì họ có khuynh hướng nghe theo sự khôn ngoan của văn minh Hy Lạp.
Tiếng vang khác là chúng ta tìm thấy trong vài câu thánh vịnh này một điều gì đã nghe qua Bài Đọc Một: Cũng là sự khám phá ra Thiên Chúa gần gũi con người, đặc biệt người đau khổ: «19 CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ ». Hẳn đây là một khám phá vĩ đại nhất của Thánh Kinh, một Thiên Chúa khác hẳn Thiên Chúa mà con người tự tưởng tượng ra, đây là một Thiên Chúa muốn ta hạnh phúc, Thiên Chúa không dửng dưng trước sự đau khổ. Chúng ta đã đọc trong sách Huấn ca: « 15 Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má » (Hc 35, 15). Phải cần đến Thiên Chúa mặc khải ta mới khám phá ra một Thiên Chúa như thế.
Hãy nhớ lại từ mảnh đất nào mọc lên lòng tin của Mô-sê: tất cả các dân tộc trong vùng đều có những ý tưởng về vấn đề này, nhưng không ai có thể tưởng tượng một Thiên Chúa có thể từ bi nhân hậu. Ví dụ như ở Mê-sô-pô-ta-mia chẳng hạn - quê quán ông Áp-ra-ham - người ta tưởng tượng ra nhiều thần thiêng cạnh tranh nhau và nhất là ganh đua với loài người: ý tưởng nhân loại một ngày nào đó có thể tìm cách vươn lên ngang hàng với các thần. Sách Sáng Thế viết ra là để bác bỏ ý tưởng ấy. Đó cũng là lập luận bóng gió khi con rắn nói với E-và: « ĐỨC CHÚA mang danh là Đấng ghen tương » (Xh 34, 14). Chúa Thánh Thần linh hứng và mặc khải cho tác giả Sách Sáng Thế ý tưởng Chúa ghen tương là một cám dỗ, một sự nghi ngờ không nên sa vào để khỏi tự tàn phá lấy thân. Vì lẽ ấy câu này được đặt cho con rắn nói. Chúng ta không bao giờ nên nói như thế.
Sau chuỗi dài lịch sử Thánh Kinh qua bao nhiêu thế kỷ - nhờ các tiên tri - dân Ít-ra-en được đào sâu sự mặc khải Thiên Chúa yêu thương loài người như Cha yêu con, đồng hành với các con Mình trên mọi nẻo đường. Để trả lời nghi vấn người không tin hỏi: « Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không? » (Xh 17, 7) (Đó là câu hỏi dân Chúa bị thử thách trước cơn khát ở Ma-xa và Mơ-ri-ba), người tín hữu quả quyết « Thật vậy Chúa ở cùng chúng ta », Ngài là: « Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta » (Mt 1, 23). Hơn nữa, đường đời càng nguy khó con người càng có thể dám nói, Chúa còn gần gũi hơn nữa trong lúc đau khổ, gần đến độ: « 15 Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má » (Hc 35, 15), như Sách Huấn Ca chép.
Chúng ta hẳn còn nhớ giai đoạn bụi gai cháy ở chương 3 Sách Xuất Hành « 7 ĐỨC CHÚA phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng » (Xh 3, 7). Bất kể khi bị chìm đắm trong cơn đau khổ nào người tín hữu cũng biết được Chúa nghe họ kêu cầu và các mối âu lo có thể tan biến: « Chúa… để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu. » Thế nhưng nói thế thì dễ khi mọi sự tốt lành… nhưng không mấy dễ trong những ngày đau khổ. Có những ngày, câu sau đây của bài Thánh Vịnh không dễ gì đọc lên: « 2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. 3 Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên! » Cũng phải nói, có lắm lúc mặc cho chúng ta cầu nguyện, mặc cho chúng ta kêu lên Chúa, những tai họa không ngường dáng xuống, không ngưng ngay. Sự quan tâm hiện diện của Chúa trước sự đau khổ chúng ta không như tác động của chiếc đũa thần. Nhiều người trong chúng ta đã quá biết những điều ấy.
Nhưng bây giờ chúng ta trở lại giai đoạn bụi gai bốc cháy. Khi Chúa nói với Mô-sê: « Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng » (Xh 3, 7), Chúa gợi lên nhiệt tình cần thiết nơi Mô-sê để đảm nhận sứ vụ giải thoát toàn dân Chúa. Lòng tin bài Thánh Vịnh gợi lên chính là ở chỗ ấy: trước tiên, khẳng định Chúa gần gũi chúng ta, trong đau khổ, có thể nói « Ngài ở bên chúng ta ». Điều thứ hai, để đáp lại lời kêu than chúng ta, Ngài gợi lên nơi chúng ta và nơi anh chị em chúng ta lòng phấn chấn cần thiết để thay đổi tình huống, hầu giúp chúng ta trải qua giai đoạn khó khăn. Với Ngài và nhờ Ngài chúng ta thắng cơn lo âu, vượt qua đau khổ và sự dữ, có khi còn làm chúng lùi lại.
Dân Ít-ra-en - và chính họ nói lên trong bài Thánh Vịnh này - đã sống nhiều trải nghiệm đau khổ, cầu nguyện, kêu van và mỗi lần như thế họ có thể làm chứng Chúa đã gửi đến các ngôn sứ, những lãnh tụ họ cần đến để nắm chặt vận mạng của họ trong tay. Sở dĩ những câu đầu bài Thánh Vịnh là những lời ngợi khen: « 2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. » những lời ca tụng ấy dựa vào những trải nghiệm được nói lên sau đó. Thực ra nên đọc: « 2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA, » vì lẽ Chúa « để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu ». Trong chỉ vài câu bài Thánh Vịnh chúng ta đọc hôm nay, đầy đủ tất cả kỳ công Thiên Chúa làm cho dân Ngài được nhắc đến: « 17 CHÚA đối đầu với quân gian ác, … để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu. … CHÚA đã nhận lời, giải thoát… 19 CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề… 23 CHÚA cứu mạng các người tôi tớ ». Và không phải ngẫu nhiên Thiên Chúa được gọi là « Chúa » tức là 4 chữ cái bất hủ không đọc được « YHWH », chữ này mặc khải Thiên Chúa như một đấng Hiện Hữu thường trực bên dân Ngài suốt chuỗi dài lịch sử.
Điều sau cùng đáng chú ý, khi đọc lại bài này Chúa: « để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu. » Trong cơn thử thách đau khổ không những ta được phép kêu van mà còn nên phải kêu van lên Chúa.
***