Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXX TN Năm C (Lc18, 9-14) 23/10/2016

Allelluia, alleluia!

- Chúa phán: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống;
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” -
Alleluia.

 -----------------

"Người thu thuế ra về được khỏi tội"

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:

10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.

11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.

12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.

13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

 

Trước hết xin có một lời nhận xét nhỏ trước khi vào đề bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Lu-ca nói rõ đây là một bài dụ ngôn. Vì thế không nên xem tất cả những người Pha-ri-sêu, tất cả người thu thuế thời ấy như hai nhân vật được trình bày trong bài này. Không có một người Pha-ri-sêu nào, không có một người thu thuế nào tương ứng với cách hành xử như thế. Thực ra Chúa Giê-su miêu tả hai thái độ hoàn toàn khác nhau, điển hình hoá, sơ lược hoá, để làm nổi bật lên bài học có tính cách đạo đức từ câu truyện, và để cho chúng ta suy nghĩ về chính thái độ của chúng ta. Có lẽ ta sẽ khám phá ra, tuỳ ngày, chúng ta sống như người này hay người kia.

Bây giờ chúng ta hãy trở về bài dụ ngôn hôm nay. Chúa nhật vừa qua Thánh Lu-ca đã cho chúng ta một bài học về cầu nguyện. Bài dụ ngôn bà goá và quan toà dạy cho chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ không nản lòng; hôm nay Thánh Kinh đề nghị cho chúng ta một mẫu gương nơi người thu thuế. Có liên quan gì giữ người thu thuế giàu có và một bà goá nghèo? Chắc chắn ở đây không phải là vấn đề tài khoản ngân hàng, nhưng là tấm lòng của hai nhân vật. Bà goá nghèo mà bắt buộc phải hạ mình van xin quan toà, ông ta thì chẳng quan tâm gì. Người thu thuế, có lẽ trong túi đầy tiền nhưng tai tiếng làm nghề thu thuế của ông là một thứ nghèo nàn.

Người thu thuế bị mang tiếng xấu, thật, có nhiều người trong họ cũng đáng như thế không oan gì: chúng ta đừng quên Do Thái lúc ấy đang bị đô hộ. Các người thu thuế làm việc cho ngoại bang: đó là những người thời nay bị gọi là « ngụy quân ». Hơn nữa họ phục vụ chính quyền Rô-ma trong một ngành rất tế nhị cho mọi dân tộc trên thế giới: đó là ngành thu thuế.

Chính quyền Rô-ma ấn định con số phải nộp, người thu thuế trả trước; sau đó họ có toàn quyền đòi bù lại nơi dân chúng… Có người xấu miệng nói họ đòi lại thật là cao. (Da-khêu hứa với Chúa Giê-su bồi thường bốn lần cho những người bị thiệt thòi, thì rõ lắm). Vì vậy, khi người thu thuế đấm ngực và nói: « Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi », khi ấy anh ta chỉ nói sự thật mà thôi.

Hình như chỉ nói sự thật, đơn sơ trước mặt Chúa, đó là điều đứng đắn đòi hỏi nơi chúng ta. Phải thật tình với Chúa, nhìn nhận sự yếu đuối của mình, đấy là cầu nguyện đích thực… « người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi », Chúa Giê-su nói với chúng ta như thế.

Trái lại người Pha-ri-sêu rất xứng đáng với thanh danh của họ: luôn giữ Lề Luật thật tỉ mỉ, có người còn sống khổ hạnh (ăn chay hai ngày mỗi tuần, Lề Luật còn không đòi hỏi như thế), bố thí thường xuyên… nên hiểu là họ muốn làm vui lòng Thiên Chúa. Tất cả những gì người Pha-ri-sêu nói trong bài dụ ngôn là đúng như thế: anh ta không bịa thêm. Thế nhưng đây không phải cầu nguyện: đó là một thái độ chiêm ngắm mình, và rất thoả mãn về mình. Anh ta không cần gì cả, anh không cầu nguyện, anh chỉ ngắm nhìn mình. Anh ta kể ra những công trạng của mình, và thấy mình có rất nhiều công trạng. Thế nhưng chúng ta thấy trong Thánh Kinh Chúa không suy nghĩ theo hệ công trạng: tình yêu của Ngài không đòi hỏi phải có công trạng mà hoàn toàn nhưng không. Chỉ cần chúng ta trông chờ nơi Ngài.

Hãy tưởng tượng có một phóng viên cầm máy thu thanh trong tay, phỏng vấn hai người lúc ra khỏi đền thờ: ông Thu Thuế, ông có trông chờ điều chi nơi Thiên Chúa khi đến Đền không?- Thưa có… Ông có nhận được điều ông xin không? Thưa có và còn nhiều hơn nữa. Còn ông Pha-ri-sêu? Không, tôi không nhận được điều gì cả ... sau một chút thinh lặng người Pha-ri-sêu lại thêm: « Nhưng tôi cũng chẳng chờ đợi gì cả ».

Câu cuối bài, nói lên phần nào ý tưởng ấy: «phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. » Nhưng chắc chắn là không nên suy ra Thiên Chúa là đấng phân phát các điểm tốt điểm xấu, như vị giám học thời thiếu niên của chúng ta. Trước mặt giám học ta nên tỏ ra tốt. Nơi bài này, Chúa Giê-su nhận xét thật, nhưng là một sự nhận xét về chiều sâu: Ngài mặc khải cho chúng ta một sự thật rất quan trọng trong đời sống. Nâng mình lên tức là tin rằng mình cao trọng hơn; trong bài này đó là thái độ người Pha-ri-sêu, anh ta với lòng thành, tin rằng mình là một người thật tốt. Điều này làm cho anh ta nhìn kẻ khác từ trên cao và đặc biệt người thu thuế vốn mang tiếng xấu.

Thánh Lu-ca nói rõ: «9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác ». Điều này hẳn đã xảy ra cho tất cả chúng ta, đó là một điều sai lầm: kẻ tự nâng mình lên, tưởng mình hơn người, đánh mất đi may mắn nhận được sự phong phú của người khác. Đối với Chúa cũng thế, họ khép lòng lại: Chúa không ép, Ngài quá tôn trọng sự tự do của chúng ta, chúng ta sẽ ra về không nhận được gì thêm lúc mới tới, sự công chính của chúng ta không chút nào giống sự công chính của Thiên Chúa.

Hạ mình xuống, tức là nhìn nhận bé nhỏ - đó chỉ là sự thật - và nhận ra người khác hơn mình. Thánh Phao-lô nói: «  hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. » (Ph 2, 3). Thật vậy: không cần tìm đâu xa, tất cả những người chúng ta gặp đều có một điều gì đó hơn ta, ít nữa về một điểm… và nếu thật sự tìm thêm ta còn nhận ra nhiều điều khác nữa. Thì từ đó chúng ta có thể có niềm vui và thán phục về sự phong phú của họ và hưởng được những điều ấy. Đối với Chúa cũng thế, chúng ta mở lòng ra, Chúa mới tràn ơn cho chúng ta.

Không cần có mặc cảm: nếu biết nhìn nhận mình bé mọn, không xuất sắc, khi ấy mới bắt đầu cuộc phiêu lưu vĩ đại với Thiên Chúa. Thật ra bài này là một minh chứng tuyệt vời cho mối phúc thứ nhất của Tám Mối Phúc Thật: « 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ » (Mt 5, 3)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com