Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XXX TN Năm C (2Tm 4, 6-8.16-18) 23/10/2016

"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha"

Trích thư thứ hai của Thánh Phao-lô gửi Ti-mô-thê

 

6 Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi.

7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.

8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

16 Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.

17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.

18 Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.

 

Hẳn các bạn biết, không chắc gì tất cả các thư cho Ti-mô-thê là do chính Thánh Phao-lô viết. Hình như do một trong các môn đệ của ngài viết nhiều năm sau. Ngược lại, những hàng chúng ta vừa đọc hôm nay, mọi người công nhận rằng đích thân ngài viết, và cũng là một di chúc của Thánh Phao-lô, những lời từ biệt với Ti-mô-thê.

Lúc bấy giờ thánh nhân đang bị cầm tù tại Rô-ma, và biết mình chỉ có thể ra khỏi nơi này để bị hành quyết. Đây là lúc ra đi quyết định. Chữ ra đi ngài dùng tiếng Hy Lạp là analuein, tiếng Hy Lạp có nghĩa kéo neo lên, tháo dây cột thuyền rời bến hay dỡ lều.

Thánh nhân biết ngài sẽ được đến trình diện trước mặt Chúa và bây giờ làm thống kê đời mình. Có thể so sánh với kỹ thuật chớp bóng “quay lại thời gian trước “ (Flash-back), ngài dùng hình ảnh cuộc thi đấu ở vận động trường như ngài thường có thói quen làm. Hãy tưởng tượng một lực sĩ chạy đua dai sức, là người hạng nhất lúc tới đích, anh ta đã không bỏ cuộc, chỉ còn chờ lãnh giải nhất hay huy chương vàng. Thánh Phao-lô xem đời mình cũng như đời các tông đồ như một cuộc chạy đua đường dài. Kể cả ngài nữa, lúc tới đích chỉ chờ lãnh phần thưởng: « 7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, …. 8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa … Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi » (Tại Rô-ma thời Thánh Phao-lô, phần thưởng cho người thắng không phải là cái « cúp » nhưng là một vòng nguyệt quế.)

Khi Thánh Phao-lô nói: «  8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính », không phải ngài khoe khoang, tưởng mình hay hơn mọi người, vì cuộc chạy đua của người Tông Đồ thật đặc biệt. Trong cuộc đua này, mọi người - nên hiểu mọi Tông Đồ - đều được thưởng vòng hoa. Thánh nhân nói rõ hơn: « Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện ». Vị thẩm phán chí công nhìn thấy từ đáy lòng mọi người, biết rằng Phao-lô và những người kia hết lòng mong đợi Người xuất hiện. Tất cả sẽ nhận lãnh vòng hoa vinh dự. Đây không phải tham vọng của thánh nhân nhưng là lòng cậy trông không lung lay vào lòng từ bi của Chúa.

Vả lại, ngài không có lý do gì khoe khoang, vì khả năng chạy được không phải tự mình mà có, mà chính Chúa Ki-tô ban cho ngài: « Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. » Rốt cuộc chỉ cần trông chờ nơi Chúa: chính Ngài sẽ ban sức mạnh để chạy (như hình ảnh Thánh Phao-lô dùng), và cũng chính Ngài sẽ trao phần thưởng cho mọi tham dự viên, vì cuộc chạy này không phải cuộc đua. Mỗi người ở vào vị trí của mình, tuỳ theo nhịp của mình chỉ cần « hết tình mong đợi Người xuất hiện. » Trong thư gửi cho Ti-tô, Thánh Phao-lô định nghĩa tín hữu Ki-tô như sau: « chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang » (Tt 2, 13). Chúng ta nhận ra nơi đây một câu trong phụng vụ Lễ Mi-sa: « Chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con. »

Một lần nữa chúng ta đọc dưới ngòi bút Thánh Phao-lô cụm chữ « xuất hiện vinh quang » của Chúa Ki-tô, ngài thường dùng đến: đây là sự xuất hiện toàn diện và vĩnh cửu của Chúa Ki-tô, và mới thật là chân trời nơi ngài luôn hướng mắt nhìn thẳng tới khi tham dự cuộc chạy suốt đời.

Thánh Phao-lô trông chờ tất cả nơi Chúa Giê-su, ngài không còn chờ đợi điều chi nơi con người: «16 Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ ». Như Đấng Ki-tô trên thập giá, như Tê-Pha-nô khi bị hành quyết - hẳn bạn còn nhớ thánh nhân đã đích thân chứng kiến - Thánh Phao-lô tha thứ tất cả. Nhưng chính lúc bị mọi người bỏ rơi, là lúc ngài mới trải nghiệm sự hiện diện và quyền năng của Chúa.

Hai câu chót rất đáng ngạc nhiên: rõ ràng thánh nhân không mơ hồ gì nữa về số phận của mình, ngài biết giờ khởi đầu đã điểm… thế mà ngài nói: «18 Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. » Thật vậy, ở đây ngài không ám chỉ cái chết thể lý, vì ngài chờ đợi nay mai sẽ bị hành quyết. Ngài biết ngài sẽ không thoát. Ngài muốn nói đến một mối nguy cơ khác, trầm trọng hơn trước mắt ngài, vì thế thánh nhân cảm tạ Chúa: « 7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin… Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng ». Tuyên bố bỏ cuộc, đó là mối nguy cơ lớn lao, và đây nữa không thấy lý do gì để ngài khoe khoang, bởi vì lòng kiên trì không đến từ nỗ lực của mình mà từ quyền năng Thiên Chúa ban cho.

Thánh nhân biết điều gì sẽ đến với mình, thế nhưng không phải điều chúng ta nghĩ đến: ngài sẽ chết, nhưng cái chết thể lý chỉ là một lối đi phải vượt qua để đi đến vinh quang: ngài nói «  Chúa sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. » Thánh Phao-lô cất tiếng hát bài ca ngợi khen vinh quang được tái sinh vào một đời sống thật sự: « Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men. »

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com