Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT XXXII TN Năm C (Pl 4, 10-19) 06/11/2016

"Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi"

Trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu thành Phi-líp-phê

 

10 Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết. Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra.

11 Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào.

12 Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.

13 Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.

14 Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.

15 Chính anh em, những người thành Phi-líp-phê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Ma-kê-đô-ni-a, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi;

16 bởi vì ngay khi tôi còn ở Thê-xa-lô-ni-ca, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng.

17 Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em.

18 Tôi có đủ mọi thứ cần dùng, lại còn dư dật nữa là khác. Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi qua tay anh Ê-páp-rô-đi-tô. Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận.

19 Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su.

 

Hình như từ trong tù thành Ê-phê-sô, Thánh Phao-lô viết thư này vào năm 50 cho các tín hữu thành Phi-líp-phê. Họ vừa gửi giúp cho thánh nhân một số tiền, qua tay một người trung gian tên Ê-páp-rô-đi-tô, và ngài gửi lời cám ơn họ. Chúng ta có một dịp tuyệt vời để suy niệm về cách xử dụng của cải đời này. « 12 Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. » Thánh Phao-lô chia sẻ trải nghiệm ấy và nói thêm: « tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. » Thánh nhân cũng ám chỉ ngài đang có vấn đề tài chánh thật sự: « 14 Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. »

Đây là một bài học về sự tự do đối với những của cải vật chất. Không phải là một bài học triết lý, cũng không phải bài học khắc kỷ bởi vì ngài nói: « 13 Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. » (tức là Đấng Ki-tô). Đồng thời Thánh Phao-lô không có cái hỗ thẹn không đúng chỗ khi chấp nhận được giúp tiền mà cũng không quá tinh tế để không đề cập vấn đề tiền bạc. Sự tự do thật sự đối với tiền bạc không phải giả bộ như ta không cần đến hay không muốn có. Thật trơ trẽn đối với mọi người nghèo khó trên thế gian nếu ta tỏ ra vô tư với tiền của vật chất trong lúc ta may mắn có đầy đủ không thiếu điều chi.

Nếu chúng ta đọc kỹ, Thánh Kinh đề nghị cho chúng ta cả một giáo huấn về xử dụng của cải. Có thể nhận ra ba điểm chính. Điểm thứ nhất, tiền của là điều tốt lành và đáng gọi là của cải. Điều thứ hai, nó có thể trở nên tồi tàn. Điểm thứ ba, trái với vẻ bề ngoài, ta không phải là chủ nhân thật sự của cải chúng ta sở hữu, nhưng chỉ là người quản lý.

Điểm thứ nhất tiền của là điều tốt lành, và đáng gọi là của cải. Thánh Kinh không bao giờ nói của cải tự nó là xấu: trái lại sự phì nhiêu, phong phú được nhìn nhận là một ân huệ của Thiên Chúa. Tiên tri Cô-he-lét nói trong sách Giảng Viên: «18 Hơn nữa, bất cứ ai được Thiên Chúa ban của cải, tài sản cũng như quyền sử dụng, mà lãnh nhận tất cả làm của riêng mình, và vui hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì người đó đã nhận một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi. » (Gv 5, 18).

Điểm thứ hai tiền của có thể trở nên một sự tồi tàn bằng hai cách. Của cải tích luỹ cho riêng mình là một thứ nô lệ: chúng ta đều biết: « 24 Không ai có thể làm tôi hai chủ » (Mt 6, 24). Sở dĩ Thánh Kinh đả kích những ai chỉ lo tích lũy tài sản cho chính mình, trước hết như thế, đó là đánh mất tự do của họ. Ví dụ như sách Đệ Nhị Luật nói về các vua: « 16 Chỉ có điều là vua ấy không được có nhiều ngựa, và không được đưa dân trở về Ai-cập để có nhiều ngựa, vì ĐỨC CHÚA đã phán với anh em: "Các ngươi không được trở lại con đường ấy nữa! "17 Vua ấy cũng không được có nhiều vợ, kẻo tâm hồn bị lầm lạc. Vua cũng không được có quá nhiều vàng bạc » (Đnl 17, 16-17). Câu này ngụ ý ám chỉ vua Sa-lô-mon, vì Sách các Vua kể rằng: « 27 Vua đã làm cho bạc ở Giê-ru-sa-lem ra thường như sỏi đá, còn bá hương thì nhiều như sung ở miền Sơ-phê-la » (1V 10, 27). Chúng ta nhận ra nơi các ngôn sứ như một cuộc thánh chiến chống lại việc tích lũy của cải, ví dụ như nơi Da-ca-ri-a: «3 Tia đã xây cất pháo đài, thu tích bạc nhiều như bụi cát, gom góp vàng nhiều như bùn đất bên đường. 4 Nhưng này, Chúa sẽ chiếm đoạt hết. Người đập tan tường luỹ mà xô xuống biển, còn chính thành thì bị lửa thiêu. » (Dcr 9, 3-4). Và chúng ta cũng biết, hễ kẻ này tích lũy thì nảy sinh người kia nghèo đi. Chỉ cần đọc lời đả kích của ngôn sứ A-mốt chẳng hạn: « "Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.» (Am 8, 5); hay của tiên tri I-sa-i-a: « 8 Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia nối thêm ruộng này đến ruộng khác, tới mức không còn chỗ trống nào và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ! » (Is 5, 8).

Sau cùng, khác với bề ngoài thấy được, chúng ta không phải chủ nhân của cải chúng ta sở hữu, nhưng chỉ là người quản lý phục vụ cho chúng ta và cho tha nhân. Đó là ý nghĩa của phần dâng Lễ trong phụng vụ Thánh Thể: dâng lên bánh rượu tượng trưng cho của cải và công lao con người. Chúng ta không tặng cho Chúa, trái lại chúng ta nhìn nhận đó là thuộc về Chúa, và Ngài giao cho ta để mưu toàn hạnh phúc cho con người: «Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con …». Dần dần mỗi khi lặp lại những lời ấy, chúng ta nhận ra mầu nhiệm chương trình Thiên Chúa: của cải không thuộc về ta, có thể chia ra cho nhau và như thế xây dựng vương quốc của công lý.

Và sau cùng chínhThánh Phao-lô đề nghị chúng ta chia sẻ, nhưng không vì thế làm cho chúng ta phải phá sản: « 13 Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. 14 Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều »  (2Cr 8, 13-14). Phải chăng cũng vì thế mà Chúa Giê-su cũng nói: «9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu » (Lc 16, 9).

Trong Thư Thứ Nhất gửi Ti-mô-thê thánh Phao-lô tóm lại một cách tổng quát giáo huấn Thánh Kinh này: « 17 Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. 18 Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. 19 Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật. » (1Tm 6, 17-19)  

 Rốt cục chúng ta chỉ cần là những tôi tớ trung tín và khôn ngoan như thánh Mát-thêu nói: « 45 "Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. 47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình » (Mt 24, 45-46)  

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com