"Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời."
Trích sách tiên tri I-sa-i-a.
1 Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.
2 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA
đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,
vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.
Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,
3 nước nước dập dìu kéo nhau đi.
Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,
để Người dạy ta biết lối của Người,
và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.
Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống,
từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.
4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia
và phân xử cho muôn dân tộc.
Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.
5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi,
ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường!
Thật lạ lùng, những hàng trên đây chúng ta vừa đọc cũng được một tiên tri khác viết lại gần như nguyên văn. Hôm nay chúng ta vừa đọc dưới ngòi bút của tiên tri I-sa-i-a, vị ngôn sứ thế kỷ thứ VIII truớc CN tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng chúng ta cũng có thể đọc trong sách Mi-kha, cùng thời với I-sa-i-a và cùng sinh sống một vùng với ngài. Không hiểu ai chép ai ? Hay cả hai cùng được linh ứng từ một cội nguồn ? Không ai có thể biết. Dù sao đi nữa biết rằng Giê-ru-sa-lem cần nghe những lời này để nhớ lại chương trình của Thiên Chúa!
Thật vậy đó là đề tài hôm nay: chương trình vĩ đại của Chúa. Tiên tri I-sa-i-a phóng về tương lai, có lẽ nên nhấn mạnh viết thành hai chữ « Tương – Lai ». Trong suốt Mùa Vọng chúng ta sẽ nghe các bài đọc hướng về tương lai: tất cả Mùa Vọng được trình bày như những gì chúng ta đang chờ đợi.
Hơn nữa bài hôm nay bắt đầu bằng: « Trong tương lai », cụm chữ này không như một lời tiên tri mà còn là một lời hứa của Chúa. Các nhà tiên tri không phải là những nhà bói toán: sứ mạng của họ không phải là báo trước tương lai. Có thể nói họ là « miệng lưỡi của Thiên Chúa », họ nói nhân danh Chúa. Vì thế họ không thể nói gì khác hơn là chương trình của Thiên Chúa. Thì đây chính là những gì I-sa-i-a nói hôm nay.
Chương trình của Chúa là một dự án hoà bình, và trước hết đó là điều gây ấn tượng mạnh của bài này. Cách miêu tả tuyệt vời, giàu hình ảnh của hoà bình tương lai: « Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến ». Nhưng từ đâu đến phép mầu này, sự hoán cải của mọi dân tộc ? Câu hỏi này đặt ra như thế cũng chính đáng… Vì vậy tôi mạn phép trở lại đầu bài.
Tiên tri I-sa-i-a ngụ tại Giê-ru-sa-lem, cứ hằng năm vào mùa thu ông được chứng kiến một tuần lễ phi thường, đó là Lễ Lều. Họ sống dưới lều trong tám ngày đêm, ngay cả trong thành phố để tưởng nhớ lại giai đoạn ngủ dưới lều trong sa mạc Si-nai thời Xuất Hành. Trong những ngày này, Giê-ru-sa-lem tấp nập người là người, đến từ khắp nơi, có cả những người ngoại kiều. Sách Đệ-Nhị Luật nói về ngày Lễ này như sau: « 14 Anh (em) sẽ liên hoan mừng lễ, cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, với thầy Lê-vi, ngoại kiều và cô nhi quả phụ ở trong các thành của anh (em). 15 Trong vòng bảy ngày, anh (em) sẽ mở lễ kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), tại nơi ĐỨC CHÚA chọn, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) chúc phúc cho anh (em) là ban cho anh (em) mọi hoa lợi và cho mọi công việc tay anh (em) làm được kết quả; anh (em) chỉ có việc hân hoan. » (Đnl 16, 14-15).
Trước quang cảnh ấy, I-sa-i-a có linh tính cuộc tập hợp hằng năm, đầy niềm vui và lòng sốt sắng này biểu hiện trước một cuộc tập hợp khác. Vì thế, được Chúa Thánh Thần linh ứng ngài tuyên bố một cách khẳng định: vâng, ngày ấy sẽ đến, cuộc hành hương sẽ qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia. Đền Thánh không còn chỉ là thánh địa dành riêng cho các chi tộc Ít-ra-en: kể từ nay, đây là nơi tập hợp của mọi quốc gia. Bởi vì cả nhân loại cuối cùng cũng đã nghe Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa.
Chỉ trong vài câu này, chúng ta nhận thấy hai chiều kích của Giao Ước với loài người. Một đàng, Thiên Chúa trong tự do hoàn toàn đã chọn dân này để kết giao ước với Ngài (« tuyển chọn Ít-ra-en »), đồng thời dự án gồm toàn thể nhân loại, vì có tính cách hoàn vũ. Nhưng hiện giờ, I-sa-i-a nói rằng chỉ có dân Chúa chọn mới nhận ra Thiên Chúa, nhưng sẽ đến một ngày toàn nhân loại cũng sẽ nhận ra: « 3 nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA ». Họ sẽ tuân theo Lề Luật Thiên Chúa.
Mọi dân tộc rồi cũng nhận ra Thiên Chúa và phó thác định mệnh của họ trong tay Ngài. Họ sẽ chọn Chúa làm quan toà, làm trọng tài, tiên tri I-sa-i-a nói: « 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. » Trong một cuộc đấu, người trọng tài là người làm cho hai bên đồng ý với nhau, để cuối cùng làm cho mọi khí giới câm đi … hay ít nữa trong một thời gian, cho đến một cuộc đấu khác. Có những hoà bình không được bền lâu, vì sự thoả thuận không công bằng. Trong trường hợp này, cuộc đấu tranh không hẳn được giải quyết, chỉ được che đậy lại thôi, rồi một ngày sẽ tái diễn. Có lẽ vì thế có câu ngạn ngữ: « Nếu muốn hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh ». Nhưng một khi trọng tài là chính Thiên Chúa, thì nền hoà bình sẽ lâu dài. Không bao giờ còn phải chuẩn bị chiến tranh. Tất cả những dụng cụ dùng cho chiến tranh có thể được chuyển đổi cho mục đích khác.
Để cho thấy mệnh hệ Ít-ra-en gắn bó với các quốc gia hoà hợp với nhau đến mức độ nào, bài này được cấu trúc chồng chéo lên nhau những gì gợi lên hai yếu tố ấy. Không bao giờ nói đến Ít-ra-en mà không nói đến các quốc gia, và ngược lại. Bài bắt đầu nói về Ít-ra-en: « 1 Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 2 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới ». Cũng nên ghi nhận rằng cách phát biểu trong câu này cũng rất tượng trưng: Đồi trên ấy xây thành Giê-ru-sa-lem đâu phải ngọn đồi cao nhất vùng, có thể còn là một ngọn đồi cao không bao nhiêu đối với các ngọn núi trên địa cầu! Nhưng đây là một cách nói khác nâng lên cao, chúng ta hiểu thế. Sau khi nói về Ít-ra-en, bài lại nói vể muôn dân tộc: « Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3 nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người ». Câu này là một công thức cổ điển nói về Giao Uớc: đó là cách loan báo mọi dân tộc khác nay được vào Giao Ước mà từ trước chỉ dành cho Ít-ra-en.
Bài nói tiếp: « từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền ». Câu này chỉ định sự chọn lựa Ít-ra-en của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng nói lên trách nhiệm của Dân Chúa chọn. Việc được Chúa chọn làm cho họ trở nên những cộng tác viên của Chúa để hội nhập muôn dân vào Giao Ước. Thì đây là lời loan báo ấy cho các dân tộc: « 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. »
Câu sau cùng kết luận bài bằng một lời mời gọi cụ thể: « 5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường! » Có ngụ ý nói: « Trong thực tại, hỡi dân Ít-ra-en, hãy làm tròn sứ mạng của ngươi; sứ mạng này có hai mặt: « Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp », tức là thực hiện Giao Ước, và mặt khác: « cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường! », tức là tuân theo Lề Luật của Giao Ước.
***
Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương