Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC I CHÚA NHẬT GIÁNG SINH Năm A (Is 52, 7-10) 25/12/2016

"Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".

Trích sách Tiên tri Isaia.

 

7 Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."

8 Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi
cùng cất tiếng reo hò vang dậy;
họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Xi-on.

9 Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

10 Trước mặt muôn dân,
ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người:
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

 

Trong bài này có hai nhân vật ngày nay chúng ta khó diễn tả: một người đi bộ đưa tin và một người canh đêm. Trong thời đại của truyền thông siêu việt (truyền hình, điện thoại cầm tay, internet…) chúng ta phải tạm cố gắng tưởng tượng! Nhưng trong thời thượng cổ, không có gì khác hơn một người chạy bộ để loan tin. Matathon là một ví dụ nổi tiếng. Trong lúc ấy, bên đầu kia người lính canh trên luỹ thành nhìn về phía chân trời.

Thực tế ở đây người loan tin là người chạy về Giê-ru-sa-lem báo tin kẻ đi đày được trở về. Lúc I-sa-i-a viết bài này là lúc Ba-by-lon kết thúc. Cuộc lưu đày bắt đầu năm 587 với những điều hãi hùng của cuộc vây hãm thành Giê-ru-sa-lem do quân của Na-bu-kô-đô-nô-so. Dân chúng lúc ấy mất tất cả: đất đai, thành thánh Giê-ru-sa-lem, và nhất là Đền Thánh, biểu hiện sự Hiện Diện Thiên Chúa giữa họ. I-sa-i-a nói cho chúng ta: « 7 Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ ».

« Đồi núi » nói ở đây là dãy núi giữa Ba-by-lon và Giê-ru-sa-lem. Bình an, tin hạnh phúc, ơn cứu độ (c7) là kiếp lưu đày đã chấm dứt. Thành Thánh, Sion, Giê-ru-sa-lem… là trung tâm của bài…(những câu sau). Thành đổ nát, gần như chết, nay sẽ sống lại. Người loan tin đến trấn an thành phố điêu tàn: « 9 Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng ». Cụm chữ Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế chứng tỏ là thời Lưu đày, quân đội của Na-bu-kô-đô-nô-so đã phá đổ hết. Trong 50 năm lưu đày, người ta có thể ngờ vực… và bây giờ họ cất tiếng reo hò vui mừng.

Người lính canh, như phận sự người lính canh, anh ta chăm chú nhìn... và là người đầu tiên nhận ra người loan tin. Anh ta hiểu ngay, và thấy ngay đoàn người chiến thắng. Trên bờ luỹ anh thấy gì ? Ai đi đầu đoàn người vinh thắng trở về ? – Chính Thiên Chúa! Thật vậy Chúa trở về Si-on, Ngài đi giữa dân Ngài, và từ nay Ngài lại ở đấy, tại Giê-ru-sa-lem, giữa dân Ngài.

Chúa « chuộc lại » Giê-ru-sa-lem. Chúng ta đã học Thánh Kinh: chuộc có nghĩa là giải phóng. Chúng ta biết quy chế Go’el là gì. Xin nhắc lại, khi một người Do Thái bắt buộc bán mình làm nô lệ, hay cầm cố nhà mình cho chủ nợ, người bà con gần nhất có thể đến chuộc lại tự do với người chủ nợ. Gọi là chuộc người bà con, và người ấy đảm nhận người bà con vừa được giải thoát… Tất cả những chữ ấy nói về Chúa, để nói lên Thiên Chúa là Go’el của Ít-ra-en: vừa là người thân cận nhất vừa là đấng giải thoát.

Vì thế, một lần nữa, Thiên Chúa giải thoát dân Ngài. « ĐỨC CHÚA vung cánh tay », như cách nói trong các thánh vịnh. Câu 10 nói: « ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người ». Câu này gần như dùng từ trùng nghĩa! Lực của cánh tay là cách nói trong Cựu Ước dành cho công trình Thiên Chúa giải thoát dân Ngài. (Ra khỏi Ai cập, Đệ Nhị Luật 5, 15: «Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó »). Bây giờ cánh tay mạnh mẽ Thiên Chúa dựa vào hai bàn tay nhỏ bé của hài nhi.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương
 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com