"Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con"
2 Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
3 cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.
5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.
6 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.
7 Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái:
Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc.
8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta!
Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!
Không thể nào có một lời đáp, một tiếng vang thích hợp và tốt đẹp hơn bài Thánh Vịnh 66 cho Bài Đọc 1 hôm nay. Tôi xin đề nghị hai nhận xét về bài Thánh Vịnh này.
Nhận xét đầu tiên là lần này chính dân chúng kêu lên Thiên Chúa, xin Ngài chúc lành: « Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc »
Về vấn đề công thức ban phép lành của các tư tế, tôi đã có dịp nhấn mạnh rằng chúng ta luôn luôn chắc chắn Chúa chúc phúc, nhưng chúng ta tự do lãnh nhận hay không. Khi linh mục nói: « Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em », không phải các ngài ao ước Chúa vui lòng ban phúc lành cho anh em… như Chúa bỗng nhiên không ban phúc lành cho chúng ta nữa! Nhưng thật ra linh mục ao ước chúng ta mở lòng ra lãnh nhận phúc lành Thiên Chúa, ngõ hầu, nếu chúng ta muốn, Ngài tác động nơi chúng ta, và thay đổi chúng ta. Phần cuối bài Thánh vịnh nói rõ điều này: « Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc. 8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! » Hai câu này không mâu thuẫn với nhau: Chúa luôn luôn ban phúc lành cho chúng ta, đó là một xác tín (ý nghĩa của câu đầu: « Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc »). Để khởi đầu tác động của Ngài, chỉ cần chúng ta mong muốn (ý nghĩa câu thứ hai: «8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! ».
Nhận xét thứ hai của tôi là dân Ít-ra-en không xin phúc lành chỉ cho họ mà thôi. Vì phúc lành cho Ít-ra-en sẽ loan tỏa ra, trải khắp các dân tộc khác: « Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; » (Ds 24, 29; St 12, 3). Chúa đã tuyên bố cho Áp-ra-ham như thế.
Trong bài Thánh Vịnh hôm nay, chúng ta lại thấy hai đề tài này quấn lấy nhau: một đàng, gọi là Ít-ra-en được tuyển lựa, đàng khác là tính hoàn vũ trong chương trình của Thiên Chúa. Cuộc cứu độ nhân loại phải qua Ít-ra-en được tuyển chọn.
Ít-ra-en được tuyển chọn, thể hiện qua thành ngữ: « Chúa Trời, Chúa chúng ta », chỉ cách phát biểu này thôi cũng đủ nhắc lại Thiên Chúa đã kết Giao Ước với dân Ngài chọn. Tính hoàn vũ cũng được thể hiện rất rõ: « 3 cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài. » hay là: « 5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh ». Ít-ra-en biết mình được chọn là dân tộc mẫu: gương sáng chiếu trên họ là hình bóng Đấng họ phải loan truyền cho thế giới. Và hơn nữa có hai câu như một điệp khúc, nhắc lại ngày mọi dân tộc rốt cuộc rồi cũng sẽ nhận lời chúc phúc của Chúa: « 2Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con; 8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người! » Hay là có câu trong sách Da-ca-ri-a: « Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giu-đa mà nói: "Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em » (Dc 8, 23). Nhân dịp đọc lại sách Da-ca-ri-a này, tôi xin lưu ý một định nghĩa tuyệt vời về chữ chúc phúc: nói rằng Chúa chúc phúc tức là Chúa đồng hành, Chúa ở với chúng ta. Đến phiên chúng ta, chúng ta là dân tộc chứng nhân Thiên Chúa: mỗi lần chúng ta được Chúa chúc phúc là để chúng ta trở nên ánh phản chiếu của Ngài cho thế gian.
Nhận xét sau cùng của tôi về câu: « 7 Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái: Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc ». Vì Lời Chúa là hành động, nên sinh hoa trái. Thiên Chúa đã hứa một vùng đất sữa và mật đầy dư, Ngài đã giữ Lời. Huống hồ chi tín hữu Ki-tô đọc bài Thánh Vịnh này sẽ nghĩ đến Đấng Cứu Thế: khi thời gian hoàn tất, trái đất sinh hoa trái.
***
Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương