Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT III TN Năm A (1Cr 1, 10-13.17) 22/01/2017

"Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ"

Trích thư thứ nhất Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Cô-rin-tô.

 

10 Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.

11 Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em.

12 Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô."

13 Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?

17 Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.

 

Chúng ta đã thấy tuần vừa qua. Nhờ vị trí của nó, thành Cô-rin-tô là nơi người qua lại thật nhiều so với các hải cảng khác của Địa Trung Hải. Cũng vì lẽ ấy tất cả những nguồn tư tưởng của thế giới chung quanh Địa trung Hải đều có tiếng vang tại Cô-rin-tô. Không lạ gì có những du khách từ những nước khác nhau đến làm chứng cho đức tin Ki-tô của họ, mỗi người một cách. Lòng phấn chấn của những tân tòng khiến họ so sánh những sứ điệp đến từ những người rao giảng khác nhau. Và hình như, theo những gì được đọc sau đây, người dân thành Cô-rin-tô rất (quá) quan tâm đến những lời lẽ văn hoa…

Từ đó, nhiều bè phài được thành lập, có những tranh luận, ngay cả những trận cãi nhau xảy ra thường xuyên. Các bạn hẳn biết các đề tài tôn giáo thường làm cho chúng ta ít khoan dung nhất! Thánh Phao-lô kể ra bốn phe. Trước hết những Ki-tô hữu cho mình thuộc về ngài, kế đến các môn đệ của A-pô-lô, chúng ta được biết qua sách Công Vụ Tông Đồ (ch18). Đây là một người Do-Thái quê thành A-lê-xan-ri-a (Xứ Ai-cập), hẳn đây là một người trí thức. Có người nói ông là nhà thông thái, chuyên về Thánh Kinh. Từ đâu ông có đức tin Ki-tô ? Theo vài tài liệu Thánh Kinh, hình như từ Ai-cập, quê quán của ông ; điều này minh chứng rằng Ki-tô giáo được rất sớm rao giảng tận Ai-cập. Trong rất nhiều tài liệu Thánh Kinh không có tài liệu nào nói rõ điều ấy. Dù sao đi nữa ông cũng là một Ki-tô hữu nhiệt thành mặc dù huấn giáo của ông chưa hoàn toàn đầy đủ. Đây là câu từ sách Đệ Nhị Luật: « ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh.25 Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an. » (Cv18, 24-25) Thì đây, ông đến Ê-phê-sô và trình diện tại nhà nguyện Do-Thái (Thời đó các - Ki-tô hữu chưa bị đuổi khỏi các nhà nguyện). Nơi đây ông cũng làm như Thánh Phao-lô thường làm, tức là loan báo Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a mà mọi người trông đợi. Hai thính giả trong nhà nguyện nhìn nhận tài hùng biện của ông nhưng thấy cần phải thêm vào hành trang thần học của ông: « Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn. » (Cv 18, 26)

Sau đó, A-pô-lô quyết định đến thành Co-rin-tô. Nhờ được anh em ở Ê-phê-sô giới thiệu ông được đón tiếp niềm nở và được thành công nhanh chóng, « vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. » (Cv 18, 28)

Thật rõ ràng, nếu theo Thánh Lu-ca trong đoạn này của sách Công Vụ Tông Đồ thì A-pô-lô là một Ki-tô hữu thánh thiện và có tài hùng biện. Ông gây hào hứng cho đám đông; vai trò của ông ông cũng rất quý mỗi lần có tranh luận giữa người Do Thái và Ki-tô hữu. Chắc chắn ông có tài hùng biện hơn Thánh Phao-lô, chính ngài cũng đã nhìn nhận không khéo bằng: « Đức Ki-tô … sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo » (c17). Điều ngài gọi lả lời lẽ khôn khéo là nghệ thuật hùng biện, mãnh lực của biện luận. Đói với Thánh Phao-lô, rao giảng Tin mừng không bằng những bài giảng hay bằng những luận chứng: « Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi… rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu. » Có nghĩa là để rao giảng Phúc Âm Tình Yêu, không cần giỏi ăn nói, có nhiều biện chứng hay tìm cách thuyết phục… Trong chữ thuyết phục nghĩ cho cùng trong ấy có chữ phục, phần nào có nghĩa là người ấy bị thắng cuộc; thế nhưng hình thức bài giảng phải đi đôi với mội dung của sứ điệp, không thể loan báo một Thiên Chúa diệu hiền trong lúc dùng mãnh lực, dù đó chỉ trong lời nói ! Thỉnh thoảng chúng ta cũng quên điều ấy…

Phần sau của thư chứng minh A-pô-lô không cố tình làm gì để để thu hút những người ngưỡng mộ mình; ông ở lại chỉ một ít lâu ở Cô-rin-tô sau đó ông theo Thánh Phao-lô đi đến Ê-phê-sô. Chính Thánh Phao-lô cố thúc ông quay về Cô-rin-tô nhưng ông từ chối, có lẽ để không làm trầm trọng hơn sự căng thẳng trong cộng đồng Ki-tô.

Tại Cô-rin-tô có một phe thứ ba theo Thánh Phê-rô. Không rõ ngài có đến đó hay không, nhưng hình như những thành viên thân cận với thánh nhân đã qua đó… Sau cùng có nhóm cho mình theo « phe Đấng Ki-tô » không hiểu điều này có ý nghĩa gì.

Dù sao đi nữa, Thánh Phao-lô, mặc dù đã rời Cô-rin-tô nhưng vẫn tiếp tục nhận được tin tức nhờ những người buôn bán đi lại thường xuyên giữa Cô-rin-tô và Ê-phê-sô. Đặc biệt những nhân viên của một bà tên Khơ-lô-e, thường nói đến những cuộc tranh cãi chia rẽ trong cộng đồng; vì thế Thánh Phao-lô quyết định viết thư. Ngài không cho một bài học luân lý: trước mắt ngài, điều này trầm trọng hơn nhiều. Đối với Thánh nhân đây điều này liên quan đến bí tích rửa tội của chúng ta, và biện chứng đơn sơ của ngài có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên. Nhưng đây là một điều Chúa quan phòng cho các Ki-tô hữu trong tuần nghe, để từ đó rút ra bài học, lúc mọi tín hội cầu nguyện cho sự hiệp nhất của mình.

Đối với Thánh Phao-lô, thật giản dị: một khi được rửa tội, tức là kết hiệp với Chúa Ki-tô, thì không thể nào chia rẽ giữa chúng ta! Tất cả Ki-tô hữu, như tên gọi của họ, mọi người đều được rửa tội « nhân danh » Chúa Ki-tô, tức là tên Chúa Ki-tô được tuyên xưng trên họ. Họ thuộc về Ngài. Không ai có thể nói tôi được rửa tôi nhân danh ông này ông nọ, Phao-lô hay A-pô-lô hay Phê-rô ; tất cả đều được rửa tội nhân danh Chúa Ki-tô, như Công Đồng Va-ti-ca-nô nói: « Khi linh mục làm phép rửa tội là chính Chúa Giê-su rửa tội »… trong một cuộc ghép cây, ghép thành công hay không là quan trọng, không kể từ người làm vườn nào.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com