Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT III TN Năm A (Is 8, 23b-9, 3) 22/01/2017

"Tại Ga-li-lê các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại."

Bài trích sách Tiên tri I-sa-i-a

 

Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.

1 Dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

2 Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ,
đã tăng thêm nỗi vui mừng.
Họ mừng vui trước nhan Ngài
như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,
như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.

3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ,
và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy
như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.

 

Các chuyên gia cũng không biết bài này viết vào lúc nào: phải chăng cùng thời điểm với những sự kiện trong nội dung ? Hay rất lâu về sau ? Ngược lại có hai điều được biết rõ: 1/ - Tình trạng chính trị lúc các sự kiện xảy ra (ngay cả khi có thể bài được viết thật lâu sau, tình trạng chính trị nói đến trong bài vẫn chính xác) 2/- ý nghĩa của lời tiên tri, tức là những lời này « đến từ Thiên Chúa »: để khơi động lòng tin của dân chúng.

Lúc bấy giờ, vương quốc Ít-ra-en bị chia đôi. Hẳn các bạn còn nhớ Đa-vít và sau này là Sa-lô-mon làm vua dân tộc Ít-ra-en; nhưng từ khi vua Sa-lô-mon băng hà, năm 933 trước CN, sự thống nhất không tồn tại (có người gọi là cuộc ly giáo Ít-ra-en), và có hai vương quốc khác biệt, còn có khi gây chiến với nhau: Miền Bắc là Ít-ra-en, được mang tên dân tộc được Chúa chọn, và kinh đô là Sa-ma-ri; Miền Nam là Giu-đa và kinh đô là Giê-ru-sa-lem. Giu-đa mới là vương quốc hợp pháp, vì là hậu duệ vua Đa-vít, trị vì trên ngai Giê-ru-sa-lem, mang lấy lời hứa Thiên Chúa.

Ngôn sứ I-sa-i-a rao giảng ở vương quốc Miền Nam, nhưng thật lạ lùng, các thị trấn được kể ra ở đây đều thuộc về vương quốc Miền Bắc: « Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, …, miền bên kia sông Gio-đan… như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. » Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, bên kia sông Gio-đan, đường ra biển, Ga-li-lê, Ma-đi-an, sáu nơi được lược kê ở đây đều thuộc về Miền Bắc. Dơ-vu-lun và Náp-ta-li là hai trong mười hai chi tộc Ít-ra-en, về địa lý thuộc về xứ Ga-li-lê, phía Tây Biển Hồ; chúng ta đang ở Phía Bắc xứ Pa-lét-tin. Đường ra biển, như tên của nó, ám chỉ cánh đồng phía Tây Biển Hồ. Sau cùng nơi ngôn sứ gọi là miền bên kia sông Gio-đan, đó là xứ Transjordanie.

Những chi tiết chính xác địa dư giúp đưa ra những giả thuyết về những sự kiện lịch sử từ những gì ngôn sứ I-sa-i-a có ẩn ý nói đến về ba miền này (Ga-li-lê, Transjordanie và cánh đồng phía Tây Biển Hồ) đều có cùng một thân phận trong giai đoạn lịch sử ngắn giữa năm 732 và 721 trước CN. Các bạn hẳn biết thế lực đang lên thời ấy là vương triều Át-sua, kinh đô là Ni-ni-vơ. Mà ba vùng này là những vùng đầu tiên bị vua xứ Át-sua là Piglath-Pilezer đệ Tam thôn tính, vào năm 732. Năm 721, toàn vẹn vương quốc Sa-ma-ri bị thôn tính (cả thành phố Sa-ma-ri), trước khi vua Ba-by-lon kiểm soát vùng này. Có lẽ tiên tri I-sa-i-a muốn nói đến giai đoạn này trong lịch sử. Nhiều người nghĩ rằng câu: « Dân đang lần bước giữa tối tăm » là ngụ ý nói đòan người trên đường đi đày: tâm trạng nhục nhã, đa số bị quân chiến thắng móc mắt, vừa thể lý vừa tâm lý đang trong tối tăm!

Chính xác cho ba vùng ấy, ngôn sứ I-sa-i-a hứa sẽ có một thay đổi tình thế hoàn toàn: « Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại. » 

Tôi không quên những gì tôi nói khi nảy là ngôn sứ I-sa-i-a rao giảng ở Giê-ru-sa-lem; và chúng ta dĩ nhiên tự hỏi những loại lời hứa ấy cho vương quốc Miền Bắc làm thế nào có thể cho dân Miền Nam quan tâm.

Có thể trả lời Miền Nam không dững dưng đến những gì xảy ra ở Miền Bắc, ít nữa vì hai lý do. Trước hết vì lý do địa dư, hai xứ ở cạnh nhau, nguy cơ đe dọa xứ này, trước sau gì cũng xảy đến bên kia: khi đế quốc Át-sua đánh chiếm Miền Bắc, Miền nam cũng phải lo sợ. Vương quốc Miền Nam xem việc hai xứ ly khai với nhau như một cái áo choàng không đường may nay bị xé đôi: họ luôn hy vọng một ngày sẽ thống nhất, dĩ nhiên dưới quyền của họ.

Chính vì thế, những lời hứa vương quốc Miền Bắc được trỗi dậy vang lên đúng tâm trạng ấy: « Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi », đây là hai câu thuộc về nghi lễ đăng quang tân vương. Theo truyền thống, một tân vương lên ngôi được sánh như một buổi bình minh, vì mọi người mong đợi ngài tái lập uy thế cho vương triều. Ở đây liên quan đến một vị vua sẽ sinh ra. Và vị vua ấy sẽ bảo đảm an toàn cho vương quốc Miền Nam và thống nhất cả hai vương quốc.

Thật vậy, Tiên Tri I-sa-i-a trong đoạn sau sẽ nói rõ ràng: « 5 Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. » (Is 9, 5) và ngài kết luận: « danh hiệu của Người là … Thủ Lãnh hoà bình. » Ý nghĩa của lời tiên tri rất rõ ràng: điều chắc chắn trước mắt I-sa-i-a là Thiên Chúa không để dân Ngai mãi mãi làm nô lệ. Vì sao ngài xác tín như thế trong lúc thực tế rành rành trái hẳn lại ? Thưa rất đơn sơ, chỉ vì Thiên Chúa không thể nào chối mình, như sau này Thánh Phao-lô nói: Chúa sẽ giải thoát dân Ngài khỏi mọi hình thức nô lệ. Đó là xác tín từ đức tin.

Sự xác tín ấy dựa vào ký ức. Ông Mô-sê đã từng nhấn mạnh: « phải ý tứ đừng quên ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. » (Đnl 6, 12), vì nếu chúng ta quên là chúng ta tuyệt vọng. Cũng nên nhớ lại lời ngôn sứ I-sa-i-a nói với vua A-khát: « Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững. » (Is 7, 9). Cứ mỗi thời đại của thử thách, của bóng tối, sự xác tín của vị ngôn sứ - phải biết rằng Chúa không bao giờ thất hứa – linh ứng cho ngài có một lời tiên tri vinh thắng. Một sự vinh thắng sẽ như: « ngày vinh thắng người Ma-đi-an » (x Tl ch7), chiến thắng của Ghít-ôn trên quân Ma-đi-an rất lừng danh: giữa đêm một nhóm người trang bị chỉ có đuốc sáng và kèn, và nhất là có đức tin vào Thiên Chúa - đã đánh bại quân Ma-đi-an.

Sứ điệp của ngôn sứ I-sa-i-a là: « đừng sợ Thiên Chúa không bao giờ bỏ vương triều Đa-vít ». Ngày nay chúng ta có thể hiểu: đừng sợ, hởi đoàn chiên bé nhỏ: chính trong đêm tối mới hãy tin vào ánh sáng. Dù có bóng tối mù mịt nào đi nữa bao phủ thế giới và sự sống con người – và sự sống của cộng đồng chúng ta – hãy khơi dậy lòng cậy trông. Chúa không bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương cho nhân loại.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com