Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT IV TN Năm A (1Cr 1, 26-31) 29/01/2017

"Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian"

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

 

26 Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.

27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;

28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,

29 hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.

30 Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,

31 hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

 

Đọc bài này có cảm tưởng như nghe bài dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Thật, thế giới đảo ngược. Những kẻ về mặt con người được xem như những « người có giá trị », như ta thường nghe, những kẻ khôn ngoan dưới mắt người đời không được Thánh Phao-lô mấy quý trọng. Điều này gợi cho tôi bốn nhận xét: thứ nhất, chúng ta không nên xem thường sự khôn ngoan; thứ hai không nhầm lẫn khôn ngoan nào; thứ ba, sự khôn ngoan thật sự là món quà từ Thiên Chúa; thứ tư nên đổi ngược cách nhìn chúng ta, vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa chính là điều trái ngược với sự khôn ngoan con người.  

Nhận xét thứ nhất, chắc chắn là không phải xem thường sự khôn ngoan. Từ thời vua Sa-lô-môn, đây là một đức tính được thỉnh cầu trong lời nguyện và ngôn sứ I-sa-i-a xem như một món quà của Thần Khí Thiên Chúa. Mỗi khi loan báo Đấng Mê-si-a ngài nói: « 2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn » (Is 11, 2). Thế nhưng, và đây là điểm thứ hai, có khôn ngoan và khôn ngoan. Thánh Phao-lô dùng cùng một từ ngữ « Sophia » để chỉ cả hai, nhưng ngài phân biệt rõ ràng khôn ngoan của thế gian và khôn ngoan của Thiên Chúa. Có những điều ra vẻ khôn ngoan dưới mắt người đời, nhưng rất xa với kế hoạch của Chúa, và ngược lại có những điều khôn ngoan của Chúa lại không hợp lý với con người. Nghĩ cho cùng, điều này bình thường thôi vì sự khôn ngoan của chúng ta dựa vào lô-gíc của lý luận, trong lúc sự khôn ngoan Thiên Chúa là lô-gíc tình yêu. Và chúng ta biết tình yêu vượt khỏi mọi suy luận: « con tim có những lý lẻ mà lý trí không hề biết ». Tình yêu điên dại, như Thánh Phao-lô nói, không thể nào đạt đến được từ những lý luận hẹp hòi của chúng ta. Chính vì thế mà đời sống và sự chết của Chúa Ki-tô đối với chúng ta đáng kinh ngạc, có khi chúng ta còn nghĩ quá đáng nữa.

Thêm một lần chúng ta tìm thấy nơi tiên tri I-sa-i-a, Chúa nói: « 8Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta » (Is 55, 8), và hố sâu này chia cách xa đến nỗi Chúa Giê-su có thể coi Thánh Phê-rô là Sa-tan khi ông quá đà có những tư tưởng của loài người: « Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người » (Mt 16, 23). Khoảng xa cách với Thiên Chúa là một đề tài quan trọng trong Thánh Kinh: Thiên Chúa là Đấng Khác Biệt. Đối với Ngài hình như những nấc thang giá trị của chúng ta bị đảo ngược lại: những gì chúng ta gọi là của cải, khôn ngoan, uy lực dưới mắt Ngài không đáng gì.

Nhận xét thứ ba, sự Khôn Ngoan thật sự là Khôn Ngoan Thiên Chúa, mà sự Khôn Ngoan này chỉ có thể là quà Ngài ban cho. Thiên Chúa là Đấng Khác Biệt, chúng ta không thể với tới, chúng ta cũng không thể tự chúng ta hiểu được Ngài. Tất cả những gì chúng ta có thể biết về Ngài, nói về Ngài, đó chỉ nhờ Ngài mặc khải cho chúng ta. Chúa cho chúng ta biết mầu nhiệm Ngài, như thánh Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu thành Ê-phê-sô. Và chính trong phần đầu cùng thư ngài viết cho dân thành Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói: « 4 Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su.5 Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.6 Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em,7 khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, »   (1Cr 1, 4-5)

Hẳn các bạn chú ý đến chữ «  ân huệ » … Điều này cho thấy rõ nơi Thánh Phao-lô, sự hiểu biết về Thiên Chúa là một ân huệ Chúa ban, vì thế không nên là cơ hội để khoa trương: làm như thế là trái ngược với sự khôn ngoan! Những ân huệ Chúa ban không phải lý do cho sự kiêu hãnh riêng của ta mà là lý do cho chúng ta cảm tạ Ngài! Nếu quan điểm của Chúa thật khác với chúng ta, thì chỉ có Ngài mới có thể cho chúng ta thấm nhuần, tiên tri Giê-rê-mi-a đã từng phán: « Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. 23 Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này » (Gr 9, 22-23)

Và đây, điều nhận xét sau cùng. Chẳng những Chúa không theo thứ bậc các giá trị của chúng ta nhưng ta có cảm tưởng Ngài làm ngược hẳn lại! Rất thường trong lịch sử của Giao Ước, Chúa chọn những kẻ nhỏ bé: chúng ta nghĩ đến Đa-vít. Giữa tám người con của Gie-sê, Chúa chọn đứa trẻ nhất, đứa nhỏ nhất, đứa không có gì quan trọng, không có gì quan trọng đến nỗi người ta quên giới thiệu nó cho ngôn sứ Sa-mu-en. Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Mô-sê nói rõ điều này cho dân chúng: « 7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân » (Đnl 7, 7). Các sự chọn lựa là tuỳ ý Ngài, không hệ tại xứng đáng nào của kẻ được chọn, đừng bao giờ quên điều này.

Bài hôm nay có vẻ viết cho cộng đồng Cô-rin-tô về sự điên rồ của Chúa. Thánh Phao-lô mời gọi dân thành Cô-rin-tô hãy nhìn lại chính mình một cách thực tế. Nói về mặt con người, không có gì xứng đáng để họ được Chúa gọi. Họ không thông thái, không quyền lực, không cao sang dưới mắt con người, nhưng chỉ là một đám dân bình thường, không đáng giá gì nếu không có uy lực Thiên Chúa làm cho họ nên Hội Thánh của Ngài. Danh hiệu cao trọng của họ, điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa là phép rửa tội của họ. Quả thật, Chúa tạo nên thế giới từ nhưng không.

Cô-rin-tô là biểu tượng sống động của sáng kiến tuyệt vời của Chúa. Ngài sáng tạo thế giới theo chính con đường riêng của Ngài, xô nhào tất cả những dữ kiện thông thường của xã hội loài người. Không có gì là « vinh quang trước mặt Chúa » (như người Pha-ri-sêu trong bài dụ ngôn), mà là vinh danh Thiên Chúa vì tình yêu Ngài dành cho con người.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com