Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT IV TN Năm A (Xp 2, 3; 3, 12-13) 29/01/2017

"Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi, một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn."

Trích sách Tiên tri Xô-phô-ni-a

 

3 Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở,
những kẻ thi hành mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA,
anh em hãy tìm kiếm Người;
hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường
thì may ra anh em sẽ được che chở
trong ngày thịnh nộ của ĐỨC CHÚA.

12 Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ;
chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.

13 Số dân Ít-ra-en còn sót lại
sẽ không làm chuyện tàn ác bất công,
cũng không ăn gian nói dối
và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.
Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi
mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.

 

Chỉ trong vỏn vẹn ba chương với năm trang, sách Xô-phô-ni-a là một trong các sách nhiều tương phản nhất trong Cựu Ước. Chúng ta đang ở thế kỷ thứ VII trước CN, trong vương quốc Giu-đa, tức là Miền Nam. Vị tân vương trẻ tuổi A-khát vừa mới lên ngôi lúc 8 tuôi sau khi vua cha bị ám sát. Giê-ru-sa-lem sống một thời đầy biến loạn và ngôn sứ Xô-phô-ni-a phải cực lực nhắc nhở chính quyền và giáo quyền mỗi người phải tuân giữ bổn phận của mình.

Các bạn hẳn còn nhớ, thời ấy đế quốc Át-sua, kinh đô là Ni-ni-vơ, đang bành trướng. Trước mối đe dọa của quân Át-sua các vua chọn giải pháp đầu hàng trước, và chấp nhận phụ thuộc Á-sua, điều luôn làm cho các ngôn sứ lo lắng. Vì sao thế ? Lý do là dưới mắt các tiên tri, độc lập chính trị là phương cách duy nhất cho Ít-ra-en giữ tính đồng nhất tôn giáo của mình và như thế mới có thể chu toàn sứ mạng dân Chúa chọn. Trước tiên, trong trường hợp xấu nhất, thế lực thống trị có thể áp đặt luật lệ riêng của họ và cấm thực hành Do Thái giáo ( Đó từng là trường hợp dưới thời An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê khoảng năm 165 trước CN). Dưới thời ngôn sứ Xô-phô-ni-a tuy chưa hẳn là thế, nhưng nếu chấp nhận phụ thuộc họ, thế là chấp nhận các đại diện của một thế lực ngoại bang bố trí ở lại thủ đô Ít-ra-en ; tức là phơi bày trước mắt toàn dân chúng lối sống và tư tưởng các dân ngoại ; tức là du nhập vào Giê-ru-sa-lem những tập quán, thị hiếu của họ, luật lệ và - nhất là cách hành đạo của kẻ chiến thắng.

Khi thấy những tập tục Át-sua lan tràn trong thành thánh, ngôn sứ Xô-phô-ni-a rất lo lắng. Ví dụ trong mấy câu sau đây, ngài nói: «Ta sẽ trừng phạt các thủ lãnh, các hoàng tử và những kẻ mặc y phục ngoại bang.»( Xp1, 8). Có lẽ khi đọc thoáng qua chúng ta không thấy đâu là xấu, nhưng đó là ta suy luận theo những thói quen tân thời, ăn mặc thật đa dạng và phóng khoáng, trong lúc thời ấy, những quy tắc ăn mặc rất quan trọng. Chấp nhận mốt người xứ ngoài tức là chấp nhận giống họ và như thế có nguy cơ mất cá tính, đó là dấu hiệu rồi đây sẽ sớm theo lối sống của họ, luồng tư tưởng của họ, cách thờ phượng của họ.

Chính là để tránh nguy cơ thờ phượng bụt thần, luôn chực nỗi dậy, các ngôn sứ lúc nào cũng tha thiết gìn giữ độc lập chính trị cho dân được Chúa chọn. Dễ nói quá, hẳn các bạn có thể nói với tôi như thế. Một dân tộc bé nhỏ có thể nào tránh khỏi bị một nước lớn đô hộ ? - Thế còn hơn là phải hoàn toàn bị loại ? Câu trả lời của các ngôn sứ là  «  Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và chỉ Ngài mà thôi: Chúa đã giải thóat ta khỏi Ai-cập, chẳng lẽ để chúng ta phải chết bây giờ. Anh em đã giao ước với Thiên Chúa, hãy giữ lấy Giao Ước ấy, đừng tìm giao ước nào khác ». Nhưng thay vì cậy trông vào Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi Ai-cập, nhiều vua bắt đầu có những toan tính chính trị, những giao ước không sớm thì muộn biến họ làm tôi đòi các dân tộc thờ phượng bụt thần.

Chính đó là tình trạng của ngôn sứ Xô-phô-ni-a. Ví dụ ngày nay người ta tìm lại được những hợp đồng thương mại của người Do-Thái thảo bằng tiếng Át-sua và chiếu theo luật pháp Át-sua. Còn tệ hơn nữa, từ đây tại Giê-ru-sa-lem có những tư tế thực hành các tôn giáo khác tôn giáo của Thiên Chúa Ít-ra-en. Phần lớn của sách Tiên Tri Xô-phô-ni-a là những lời đe dọa: « 4 Ta sẽ dang tay đánh phạt Giu-đa và toàn thể dân cư Giê-ru-sa-lem. Ta sẽ tận diệt khỏi nơi này số còn sót lại của Ba-an, và xoá bỏ tên của hàng tư tế bất hợp pháp.»( Xp 1, 4). Sẽ đến ngày Thiên Chúa thịnh nộ, bài « Dies irae » bất hủ, chúng ta có dịp nghe trong vài bài Requiem ( lnd : khúc nhạc cầu siêu) lừng danh.

Nhưng song song với những lời đe dọa ấy, sách Xô-phô-ni-a chuyển tải một sứ điệp an ủi, hướng về những kẻ bé nhỏ. Nơi đây chúng ta nhận ra hai phương diện của lời rao giảng các ngôn sứ ; răn đe đối với kẻ ngạo mạng, kiêu căng, động viên những người bé nhỏ, những người thiện tâm.

Những người này không phải sợ chi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: « 3 Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của ĐỨC CHÚA.». Ngày thịnh nộ là Ngày Thiên Chúa tái Tạo lại tất cả, ngày tuyệt vời cho những ai đặt tin tưởng vào Thiên Chúa: Sự Dữ, dưới bất cứ hình thức nào sẽ bị loại. Xin đừng quên trong Thánh Kinh, Chúa chỉ báo thù chống lại Sự Dữ, chống lại những gì làm hư con cái Ngài. Trái lại, Ngài bênh vực kẻ nghèo hèn, kẻ khiêm nhu, tiếng Do Thái gọi là « Anawin » ( Nghĩa đen là người đi khom lưng) Những kẻ ấy có thể trổi dậy, tìm lại can đảm: chính Thiên Chúa đứng về phía họ. Chúng ta chứng kiến một loại phán xét: Chúa không trừng phạt người công chính với người có tội. Từ lâu chúng ta đã học cách đọc Lời Chúa: nhân loại không chia ra làm hai bên, một bên những người công chính, những người tốt, những người khiêm nhu … bên kia những người tội lỗi, những kẻ ngạo mạng, kiêu căng. Mỗi chúng đều mang lấy nội dung hai cách nói ấy: chính ngay trong mỗi chúng ta Chúa phải «  dọn dẹp, thanh tẩy », tôi mạn phép nói như thế.

Đề tài xét xử được ghép vào một đề tài khác, đó là « Phần Còn Lại của Ít-ra-en », được xuất hiện trong Thánh Kinh vào thế kỷ trước, thời các ngôn sứ I-sa-i-a, A-mốt, Mi-kha: đây là một sự triển khai, một biểu hiện mới của sự tin tưởng vào lòng trung tín của Chúa ; bởi vì Chúa đã chọn Ít-ra-en làm công cụ ưa chuộng của Ngài cho dự án dành cho nhân loại, và lý do thứ hai là Ngài luôn trung tín, từ đó luận ra rằng, dù gì đi nữa, Thiên Chúa cũng luôn có cách cứu rỗi ít nữa một số còn lại trong dân chúng.    

Tiên tri Xô-phô-ni-a lần này cũng lặp lại đề tài này: một khi tất cả sự dữ bị loại khỏi Giê-ru-sa-lem, Chúa sẽ để tồn tại một Số Ít Còn Lại, những kẻ tín trung : « 12 Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.13 Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.»  

«  một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA » Đây là định nghĩa những kẻ Thánh Kinh gọi là«  kẻ nghèo hèn », những kẻ khom lưng: đó là những kẻ tìm nương ẩn nơi danh Thiên Chúa ( ngược lại với các vua, tôi vừa nói khi nảy) ; trong chữ khiêm nhu ( Humble) có chữ gốc là «  humus », là đất ; những người khiêm nhu là những người biết mình là tro bụi và trông chờ tất cả nơi Thiên Chúa. Số Còn Sót Lại Ít-ra-en gồm những người tín trung, khiêm nhu và nghèo hèn, chính số người ấy từ nay mang trên vai tất cả sứ vụ dân Chúa chọn: mặc khải cho thế giới kế hoạch vĩ đại của Ngài. Luôn luôn chỉ có một nắm tay những tín hữu được gửi đi khắp thế gian làm men trong bột.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com