Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT VI TN Năm A (Hc 15, 15-20) 12/02/2017

"Người không truyền dạy cho một ai làm điều ác"

Trích sách Huấn Ca.

 

15 Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn
mà trung tín làm điều đẹp ý Người.

16 Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước,
con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.

17 Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử,
ai thích gì, sẽ được cái đó.

18 Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao,
Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.

19 Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người,
và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.

20 Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội.

 

Sách Huấn Ca đề nghị chúng ta hôm nay suy ngyhĩ về sự tự do con người. Có ba điểm: điểm thứ nhất, sự dữ ở ngoài con người; điểm thứ hai, con người tự do, tự do chọn lựa sự lành hay sự dữ; điểm thứ ba, chọn sự lành là chọn hạnh phúc.

Điều thứ nhất, sự dữ ở ngoài con người. Nói như thế có nghĩa là sự dữ không ở trong bản thể chúng ta, đây là một tin vui rồi, vì nếu sự dữ thuộc về bản thể chúng ta, thì không có cơ may nào chúng ta được cứu độ, vì chúng ta không thể nào cởi bỏ được. Đó là quan niệm của dân Ba-by-lon. Trái ngược lại, Thánh Kinh rất lạc quan, quả quyết rằng sự dữ ở ngoài con người. Không phải Thiên Chúa tạo nên sự dữ, mà cũng không phải Ngài đưa đến cho ta. Ngài không chịu trách nhiệm những điều dữ chúng ta phạm. Đó là ý nghĩa câu cuối chúng ta vừa đọc: « Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội ». Vài câu trước bài này, Sách Huấn Ca chép: « 11 Con đừng nói: "Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội… 12 Đừng nói: "Chính Người làm tôi lầm đường lạc lối »

Nếu Thiên Chúa dựng nên A-đam thành một thọ tạo có lẫn lộn hai phần, phần tốt và phần xấu, như người Ba-by-on tưởng tượng, thì cái dữ hệ tại nơi bản thể chúng ta. Thế nhưng Chúa là tình yêu, sự dữ hoàn toàn xa lạ với Ngài. Sở dĩ có bài tường thuật về A-đam và E-và trong sách Sáng Thế, chính là để hiểu rằng sự dữ ở ngoài con người vì nó đến từ con rắn. Sự dữ tràn lan khắp thế gian một khi con người bắt đầu ngờ vực Thiên Chúa. Chúng ta tìm thấy sự khẳng định ấy trong thư Thánh Gia-cô-bê: « Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai» (Gc 1, 13-17). Nói cách khác Thiên Chúa hoàn toàn xa lạ với sự dữ, Ngài không thể xúi dục lỗi phạm. Và thánh Gia-cô- tiếp: « Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt »

Lời khẳng định thứ hai trong bài: đó là con người tự do, tự do chọn lựa sự dữ cũng như sự lành. Sự xác quyết ấy được dân Ít-ra-en lãnh hội từ từ, mặc dù, một lần nữa Thánh Kinh dứt khoát: Chúa sanh ra con người tự do. Muốn cho sự xác quyết này được triển khai trong Ít-ra-en, thì dân tộc này phải qua trải nghiệm hành động cứu độ của Thiên Chúa, trong mỗi giai đoạn lịch sử của họ, bắt đầu bằng cuộc giải thoát khỏi Ai-cập. Tất cả đức tin của Ít-ra-en phát sinh từ trải nghiệm lịch sử của họ: Chúa là đấng cứu độ. Thế rồi từng chút, từng chút mọi người hiểu những gì họ tin ngày nay, từ khi mới được tạo dựng đã là thế. Từ đó được suy diễn Chúa tạo ra con người tự do.

Rồi chúng ta cũng phải học tìm cách dung hoà hai xác tín của Thánh Kinh: đó là Thiên Chúa toàn năng, thế nhưng trước mặt Ngài con người được tự do. Và chính vì con người tự do chọn lựa mới có tội lỗi. Ngay khái niệm tội lỗi giả thiết phải có tự do. Nếu chúng ta không có tự do, những sai phạm chúng ta không thể gọi là tội lỗi. Có lẽ muốn đi thêm sâu vào bí nhiệm ấy, chúng ta nên nhớ rằng quyền năng của Chúa là tình yêu. Chúng ta biết rằng tình yêu đích thức là muốn cho kẻ khác tự do.

Để dìu dắt con người trong mọi chọn lựa, Chúa đã ban cho lề luật. Lẽ ra rất giản dị như thế. Và sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh rằng: « 11 Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em).12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành. » (Đnl 30, 11-14) .

Điểm thứ ba của sách Huấn Ca hôm nay là: chọn lựa sự lành là chọn lựa hạnh phúc. Xin trở về với bài: « Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó… Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. » Để nói cách khác, chính lúc con người tín trung với Thiên Chúa là lúc tìm được hạnh phúc thật. Xa cách Ngài thì không sớm thì muộn sẽ gặt lấy khổ đau cho bản thân. Có thể nói một cách trừu tượng, con người luôn luôn gặp phải những ngã ba đường, trước mặt có hai hướng, (Thánh Kinh gọi là hai « con đưòng »). Một con đường dẫn đến ánh sáng, niềm vui và sự sống; phúc cho ai đi trên con đường ấy. Đường kia là con đường của bóng đêm, và cuối cùng chỉ đem lại sầu khổ và sự chết; vô phúc cho ai dấn thân vào con đường ấy. Đến đây chúng ta không thể không nghĩ đến sự sa ngã của A-đam và E-và. Chọn lựa sai đã dẫn họ vào con đường xấu.

Đề tài hai con đường rất thường được triển khai trong Thánh Kinh. Đặc biệt trong sách Đệ-Nhị -Luật: « 15 Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. 16 Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu… nghĩa là hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất ĐỨC CHÚA » (Đnl 30, 15-20). Chúng ta không bao giờ vĩnh viễn bị tù hãm, ngay khi chọn lựa sai đường: vì thế chúng ta mới gọi là đấng cứu độ, có nghĩa là người giải thoát. Sách Huấn Ca nói rằng: « Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Người », những kẻ được « Rửa Tội » như chúng ta, có thể thêm « nhờ quyền lực Chúa Giê-su Ki-tô ».

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com