"Thiên Chúa đã tiền định từ muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta."
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
6 Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong.
7 Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.
8 Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá.
9 Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người
10 Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
Chúa nhật vừa qua, thư Thánh Phao-lô đối chiếu sự khôn ngoan loài người với sự khôn ngoan Thiên Chúa: « Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.» ( 1Cr2, 5) Và ngài nhấn mạnh để nói rằng mầu nhiệm Chúa Ki-tô không liên quan gì với sự suy luận loài người của chúng ta. Dưới mắt con người Phúc Âm là chuyện điên rồ, và những kẻ phó thác đời mình vào đó cũng là điên rồ « Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.
« Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá ». Nhân đây tôi xin lưu ý, Thánh Phao-lô nhấn mạnh vào sự khôn ngoan, triết lý cao siêu, điều này có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng Thánh Phao-lô nói với những người dân thành Cô-rin-tô, tức là những người Hy-lạp, đối với họ sự khôn ngoan là nhân đức quý giá nhất.
Hôm nay Thánh Phao-lô tiếp tục trên hướng ấy, triển khai một ý tưởng mới: thật vậy, công bố mầu nhiệm Thiên Chúa có thể là một sự điên rồ dưới mắt thế gian, thế nhưng đây là sự khôn ngoan cao siêu biết bao, đó là lẽ khôn ngoan Thiên Chúa: « Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này… Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa »
Chúng ta có thể chọn lựa hoặc là: sống đời sống chúng ta theo sự khôn ngoan của thế gian - theo tinh thần thế gian - hoặc là theo sự khôn ngoan Thiên Chúa. Cả hai có vẻ hoàn toàn tương phản nhau! Chúng ta đang ở trong cùng đề tài các bài đọc khác trong phụng vụ chúa nhật hôm nay. Sách Huấn ca cũng như thánh vịnh 118, cả hai đều triển khai, mỗi bài một cách, đề tài được gọi là hai con đường: con người đứng trước ngõ rẻ hai con đường, và tự do chọn lựa đường mình đi. Một bên dẫn đến sự sống, ánh sáng và hạnh phúc; đường bên kia dẫn chui vào bóng đêm, sự chết và chỉ đem đến niềm vui giả tạo.
« Sự khôn ngoan được dấu kín »: đây là một lời xác quyết của Thánh Kinh rằng con người không thể hiểu tất cả mầu nhiệm sự sống, sự Tạo Dựng, và càng không thể đối với Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Giới hạn ấy thuộc về bản thể của chúng ta. Đây là điều sách Đệ Nhị Luật muốn nói: «28 Có những điều ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, giữ kín cho mình; nhưng những điều này được mặc khải cho chúng ta và con cháu chúng ta đến muôn đời, để chúng ta đem ra thực hành những lời của Luật này. » (Đnl 29, 28). Có nghĩa là Thiên Chúa biết mọi sự, nhưng chúng ta, chúng ta chỉ biết những gì Ngài muốn mặc khải cho chúng ta, bắt đầu bằng Lề Luật, và đây là chìa khóa mở ra mọi sự.
Một lần nữa điều này mời gọi chúng ta nhớ lại bài tường thuật vườn địa đàng. Sách Sáng Thế kể lại trong vườn địa đàng có rất nhiều loại cây: « Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon » và có hai cây đặc biệt: một cây được trồng giữa vườn, là cây sự sống, cây kia được trồng một chỗ không được nói rõ, cây cho biết sự thiện sự ác. A-đam có quyền ăn trái của cây sự sống, chẳng những thế, còn được khuyến khích ăn, bởi vì Chúa phán: « Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn… » nhưng trừ một cây (St 2, 16). Chỉ trừ cây biết điều thiện điều ác bị cấm. Đó là cách nói bóng, con người không thể biết mọi sự, và phải chấp nhận giới hạn ấy. « Có những điều ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, (ngụ ý nói: chỉ có Chúa mà thôi) giữ kín cho mình »(Đnl 29, 28). Trái ngược lại, sách Torah, Lề Luật là cây sự sống được trao cho con người; thực hiện Lề Luật là dưỡng nuôi mình ngày nọ sang ngày kia bằng những gì làm cho chúng ta sống: « lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời » (c7). Thánh Phao-lô thường xuyên lưu ý kế hoạch của Chúa đã được dự trù từ muôn thuở: có thể nói không có thay đổi chương trình. Lắm khi chúng ta hình dung diễn biến của công trình Thiên Chúa như Ngài phải thay đổi tuỳ theo hạnh kiểm của nhân loại. Ví dụ như chúng ta tưởng tượng rằng, ban đầu - có thể nói màn 1 - Chúa tạo dựng thế giới và mọi sự đều hoàn hảo. Cho đến ngày - màn 2 - A-đam lỗi phạm và khi ấy phải tu sửa - màn 3 - Lúc bấy giờ Thiên Chúa nghiệm ra phải gửi Người Con. Để phản bác quan niệm ấy, Thánh Phao-lô triển khai trong rất nhiều thư ngài viết, ý tưởng vai trò Chúa Giê-su Ki-tô được dự trù từ đời đời và kế hoạchThiên Chúa vượt xa mọi lịch sử nhân loại. Chẳng hạn, tôi xin nhắc lại các câu sau đây trong thư gửi tín hữu thành Ê-phê-sô: « 9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, » (Ep 1, 9) Hay là trong thư ngài viết cho tín hữu thành Rô-ma: « Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa 26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. » (Rm 16, 25)
« cho chúng ta được vinh hiển. » (c7) Thông thường vinh quang là từ ngữ dành cho Thiên Chúa và chỉ cho Ngài mà thôi. Sứ mạng tối hậu của chúng ta là tham dự vào vinh quang Thiên Chúa. Phát biểu như thế nơi Thánh Phao-lô là một cách khác để nói lên kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: kế hoạch của Ngài là qui tụ hết thảy chúng ta trong Chúa Giê-su Ki-tô và cho chúng ta tham dự vào vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa.
« Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người » (c9). Cụm chữ như đã chép, phóng xa về quá khứ chúng ta đến lời sau đây của tiên tri I-sa-i-a: « Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình. » (Is 64, 3) Ngôn sứ nói lên sự phấn chấn ấn tượng của người tín hữu Thánh Kinh được tràn ơn mặc khải những mầu nhiệm Thiên Chúa.
Chỉ còn phần cuối của câu: « đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người »… Chúng ta có thể buộc miệng hỏi, thế còn những người khác ? Có những người khác không được Chúa dọn sẵn hay sao ? Dĩ nhiên là không: kế hoạch yêu thương là cho mọi người, nhưng chỉ được tham dự những ai mở lòng đón nhận, và lòng chúng ta chỉ có chúng ta làm chủ được. Một cách nào đó, đây là nhảy sang nói về đức tin. Kế họach yêu thương của Thiên Chúa chỉ dành cho những kẻ bé nhỏ. Như Chúa Giê-su nói: « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. » (Mt 11, 25). Chúng ta có thể an tâm, chúng ta là những người bé mon, chỉ cần nhận ra mình như thế.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương