Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT VII TN Năm A (Mt 5, 38-48) 19/02/2017

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe;
Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

-----------------

"Các con hãy yêu thương thù địch các con"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.

39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.

40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41

Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.

42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.

44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?

47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?

48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

 

Chúa Giê-su nói: « Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. » Thật vậy, câu châm ngôn này nằm trong Cựu Ước. Nó có vẻ độc ác, nhưng một đàng, nó chưa ra khỏi cách sống của chúng ta, đàng khác, cũng đừng quên bối cảnh nào câu này được sinh ra: thời ấy đã là một tiến bộ đáng kể rồi! Xin nhớ lại, trước kia như thế nào: Ca-in đựơc trả thù bảy lần và năm thế hệ sau, hậu bối của anh là La-méc khoe rằng đã báo thù 77 lần. Hẳn các bạn biết bài ca của La-méc hát cho hai người vợ nghe: « A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ » (St 4, 23).

Để đối lại với cái vòng xoắn ốc khủng khiếp ấy, sách Xuất Hành ban bố luật bằng ngang, báo thù, nợ gì đòi nấy. Hình phạt bị giới hạn, phải tương đối với sự xúc phạm ban đầu: « 23 Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, 24 mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, 25 vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm. » (Xh 21, 23-25); ngụ ý nói một mắt trả một mắt chứ không phải cả hai, một cái răng trả lại bằng một cái răng chứ không phải cả hàm, và vân vân. Đấy cũng là tiến bộ rồi. Không phải hận thù và bản năng định đoạt mức độ báo thù, đây là một nguyên tắc luật pháp, áp đặt trên ý muốn cá nhân. Không còn 7 mạng sống cho một mạng sống hay là 77 mạng sống cho một mạng sống. Phương pháp sư phạm của Chúa đã bắt đầu tác động để giải thoát nhân loại khỏi luật của kẻ mạnh.

Dĩ nhiên muốn giống Thiên Chúa thì còn phải một đoạn đường xa hơn nữa, nhưng đây cũng đã là một giai đoạn. Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi, đề nghị vượt qua giai đoạn cuối: giống Cha chúng ta trên trời, tức là tự cấm mình trả miếng, bị tát bên này, hãy đưa má bên kia: « Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. » Tại sao từ nay không được trả thù trả oán ? Giản dị thôi, đó là để trở nên thật sự chúng ta: là con cái Cha chúng ta trên trời.

Vì thật ra, nếu đọc kỹ, bài này dạy chúng ta về Thiên Chúa, trước khi là một bài học cho chúng ta. Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa là ai. Cựu Ước đã dạy chúng ta Chúa là Cha, từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình yêu (theo sách Xuất hành) và nước mắt chúng ta chảy trên gò má Chúa vì Ngài là Đấng Thật Gần gũi (theo thành ngữ bất hủ của Ben Si-rắc – sách Khôn ngoan). Tất cả đã có trong Cựu Ước, nhưng chúng ta là kẻ cứng đầu cứng cỗ … và khó tin Thiên Chúa chỉ là tình yêu. Chúa Giê-su nói lại một cách giàu hình ảnh: « Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. » (c45). Dĩ nhiên hình ảnh này giúp dễ hiểu trong một văn minh nông nghiệp, nắng và mưa được tiếp nhận như hồng ân. Hình ảnh này rất đẹp nhưng ở đây không phải một bài học luân lý cho chúng ta. Còn sâu xa hơn nữa: Chúa trao cho chúng ta một sứ vụ, là ánh phản chiếu cho thế gian. Đến lượt chúng ta cho mặt trời chúng ta mọc lên cho tha nhân, và như thế chúng ta làm mọc lên cho họ mặt trời của Thiên Chúa.

Các thí dụ cụ thể Chúa Giê-su nêu lên cho chúng ta cũng mang dấu thời đại của Ngài, nhưng không khó chuyển đổi cho ngày nay: « Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm » (c40). Ở đây đòi hỏi chúng ta có lòng quảng đại tuyệt đối, không chút tính toán. Nói cách khác, có lẽ phải vượt qua mọi thái độ ngập ngừng của anh em, tính gây gỗ của anh em, sự phản kháng bên trong anh em.  

« Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi » (c42): đến đây, Cựu Ước đã triển khai tình yêu tha nhân, tình yêu người anh em đồng loại, cùng tín ngưỡng, và cả người lữ khách đến dưới một mái nhà. Lần này, Chúa Giê-su xóa bỏ mọi biên giới, không đặc biệt cho ai cả: « Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi » (c42). Chúng ta nhận ra sự đòi hỏi này trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu.

Tất cả những điều ấy có vẻ điên rồ, quá đáng, thế nhưng thật ra, chính xác đó là cách Chúa hành xử đối với mỗi chúng ta thường nhật, như Chúa đã không ngừng làm cho dân Ngài. Tương tự một tiếng vang, trong thư thứ nhất cho tín hữu thành Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô đối chiếu cách lý luận loài người với sự khôn ngoan Thiên Chúa: « Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài. » (1Cr 3, 20 - xem Bài đọc 2 chúa nhật hôm nay): Chỉ cần lý luận một chút (và với vài người bạn thành tâm) là có thể khiến chúng ta không « bị lừa », như người ta thường nói. Chúa Giê-su ở trong một lô-gíc hoàn toàn khác, lô-gíc của Thần Khí tình yêu và dịu dàng. Chỉ có Ngài mới làm cho Vương Quốc sớm đến… với điều kiện chúng ta đừng quên chúng ta là ai. Như Thánh Phao-lô nói: « Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? » (1Cr 3, 16).

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com