Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT VII TN Năm A (1Cr 3:16-23) ) 19/02/2017

"Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Ki-tô,
và Đức Ki-tô thuộc về Thiên Chúa.
"

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 

16 Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?

17 Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.

18 Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.

19 Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng.

20 Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.

21 Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em;

22 dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em,

23 mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.

 

Nếu các bạn đã đến Petit Trianon ở Versailles, hẳn các bạn biết làng hoàng hậu Marie Antoinette và Đền Tình Yêu: thì đây, nếu tôi tin vào Thánh Phao-lô, mỗi chúng ta là một đền tình yêu… « Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?» Thế mà Chúa, là Chúa tình yêu, Thần Khí là Thần Khí tình yêu. Vậy thì chúng ta - mỗi chúng ta và toàn thể Giáo Hội - là đền thờ của tình yêu. Thế nhưng, phải công nhận, vì chúng ta mà lời Thánh Phao-lô trở nên thất thiệt mỗi ngày! Ngài cũng biết thế, chính vì vậy, thánh nhân nhắc nhở lại sứ vụ chúng ta khi ngài nói: « Nào anh em chẳng biết rằng… » đó cũng vì dân thành Cô-rin-tô thỉnh thoảng có khuynh hướng quên đi… và chúng ta cũng thế.

Nhân dịp qua đoạn này tôi xin lưu ý công thức sau đây « Nào anh em chẳng biết rằng… », hay « Đừng quên rằng. » Trong Thánh Kinh từ Cựu Ước cụm chữ này báo hiệu một điều nền tảng, quan trọng sinh tử như những khi: « Đừng quên » được lặp lại nhiều lần trong sách Đê Nhị Luật. Đức tin là trí nhớ về công trình Thiên Chúa. Nếu dân tộc Ít-ra-en quên Chúa của họ, họ sẽ bị lạc lối vì những bụt thần: « Nhưng anh (em) hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh (em) đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh (em); trái lại, anh (em) hãy dạy cho con cháu anh (em) biết » (Đnl 4, 9); « Anh em hãy ý tứ đừng quên giao ước mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã lập với anh em, đừng làm tượng thờ mang hình ảnh bất cứ cái gì mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã cấm anh (em) » (Đnl 4, 23). Mỗi khi Thánh Kinh nói « đừng quên » là lúc nào cũng để cảnh báo một hướng sai, một con đường dẫn đến sự chết. Trí nhớ là một sự an toàn cho tín hữu.

Tại sao một điều rất quan trọng đó là đừng quên chúng ta được gọi là « đền thờ tình yêu » ? - Bởi vì chương trình của Thiên Chúa, chương trình tình yêu chỉ được thực hiện với chúng ta. Chúng ta không có cứu cánh nào khác trong đời. Có vẻ tự cao tự đại mới dám nói như thế, thế nhưng đó là sự thực. Khi Chúa Giê-su nói với các Tông đồ: « Chính anh em hãy cho họ ăn » (Lc 9, 13) đó là ý Chúa muốn nói điều ấy! Tất cả chúng ta là những đền thờ tình yêu được xây dựng khắp mặt đất để tình yêu của Chúa thể hiện khắp mọi nơi.   

Tới đây làm tôi nhớ đến thôn hoàng hậu Marie Antoinette, cái đền tình yêu ấy không đóng kín lại cho mình, trái lại được mở toang ra bên ngoài, chỉ có những trụ cột; dĩ nhiên sẽ thật vô lý đã gọi là đền tình yêu mà đóng kín lại về mình! … Đối với mỗi chúng ta và với toàn Giáo hội cũng có thể nói như thế… Một lần nữa, chúng ta nhận ra nơi Thánh Phao-lô cách rao giảng của các tiên tri: luôn luôn nhấn mạnh đến tình yêu tha nhân… Dĩ nhiên, một tình yêu bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói.

Thật thú vị nếu đặt câu hỏi - trong thâm tâm mỗi chúng ta và nơi Giáo hội - những cột trụ nào nâng đỡ chúng ta ? Chắc chắn không phải là những lý luận theo lẽ ở đời, theo Thánh Phao-lô: « sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng »

Trái ngược lại những người truyền đức tin cho chúng ta, đó mới là những cột trụ: Phao-lô, A-pô-lô hay là Phê-rô đối với dân thành Cô-rin-tô, những người khác đối với chúng ta. Những người ban ơn giúp cho chúng ta có đức tin - cha mẹ chúng ta, những người thân, cộng đồng chúng ta - là những nơi chúng ta nương tựa không thể nào thiếu được. Không ai là Ki-tô hữu đơn độc. Thế nhưng hãy chú ý đừng lấy các cột trụ làm trung tâm. Đoạn này hé ra cuộc tranh cãi làm chia rẽ cộng đồng Cô-rin-tô về những người rao giảng tại đây, họ tuyên bố « Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô » (1Cr 1, 12). Ngay từ đầu thư, Thánh Phao-lô đã cứng rắn đặt lại mọi sự vào đúng chỗ của nó: người tông đồ có trọng đại mấy đi nữa cũng chỉ như người làm vườn; khi chúng ta vỗ tay hoan nghênh một người nào rao giảng làm chúng ta rung động hay làm chúng ta hoán cải, những lời hoan hô ấy không hướng về người ấy mà dành cho Đấng duy nhất biết tận đáy lòng chúng ta.

Những tông đồ thật sự không giữ lấy chúng ta, không thu hút chúng ta, nhưng hướng chúng ta về với Chúa Giê-su-Ki-tô: « Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa » (c21-23). Ở đây hiện lên cho chúng ta hình ảnh một cuộc xây dựng, dường như một lần nữa, và luôn như thế Thánh Phao-lô loan báo kế hoạch Thiên Chúa: chúng ta là của Chúa Giê-su Ki-tô, có nghĩa là chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta được ghép vào Ngài, và chỉ vào Ngài mà thôi. Tất cả nằm trong một ý định: « sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai »(c22).

Chúng ta thật xa cách lý luận trần tục! Thế nhưng Thánh Phao-lô nói rằng đó là sự khôn ngoan duy nhất: « Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật »  (c18). Chúng ta tìm lại nơi đây điều Thánh Phao-lô nhấn mạnh về hố sâu chia cách tư tưởng Thiên Chúa và tư tưởng loài người: « tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta », Chúa nói qua ngôn sứ I-sa-i-a (Is 55, 8). Hố chia cách ấy sâu thẩm đến nỗi một khi chúng ta để các lý luận trần tục thắng thế sẽ có nguy cơ làm chúng ta chao đảo và phá huỷ cái đền kia, là chính chúng ta. Xin hãy nhớ lại câu khi này: « Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài! » (c20) Cơn gió không những không thể làm cột trụ vững chắc mà còn có thể trở thành cơn gió lốc, còn có thể làm trốc gốc những cột trụ vốn bền vững.

Nếu chúng ta xem bài này nghiêm túc, đây là ngày hơn bao giờ hết phải làm cử chỉ xông hương các tín hữu trong Thánh Lễ. Mỗi lần chúng ta được xông hương, chúng ta là những người đã nhận bí tích Rửa tội, là để nói lên: « Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? » ( c16)

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com